Phụ huynh Trung Quốc tín nhiệm giáo viên “ảo”

GD&TĐ - Cô Gong Aihua, 35 tuổi, sống tại thành phố Thâm Quyến, nghe chuyện nhiều phụ huynh cho con học tiếng Anh thậm chí trước khi vào lớp 1. Gong không muốn cậu con trai duy nhất bị tụt hậu. Cô xem các video của VIPKid từ gợi ý của một người bạn và sau đó đăng kí cho con trai 4 tuổi học.

Phụ huynh Trung Quốc tín nhiệm giáo viên “ảo”

Học với thầy Mỹ ngay tại nhà

Trường học truyền thống đắt hơn một chút nhưng điều Gong thực sự thích thú với lớp học trực tuyến là cô có thể kiểm soát được việc học của con. “Với VIPKid, bạn có thể thấy được con bạn đã học gì, cần cải thiện gì và có thể bám sát sự tiến bộ của con” - Gong cho biết - “Với trường học truyền thống bạn không thể nắm bắt thông tin đầy đủ như vậy”.

Noah, năm nay 5 tuổi, thường “đến lớp” 3 lần/tuần. Các bài giảng được phát trên máy tính: Học sinh và giáo viên có thể nhìn thấy nhau ở góc phải màn hình máy tính và toàn bộ nội dung học tập ở phía trái màn hình.

Hầu như không ai quan tâm đến học tiếng Anh khi Wu Wenhua lớn lên vào những năm 1980 tại Trung Quốc. Nhưng nay người mẹ có con trai 11 tuổi tin rằng kĩ năng Anh ngữ là chìa khoá mở ra tương lai.

Wu đăng kí cho con trai, Ryan, tham gia học trực tuyến tại VIPKid, một trung tâm kết nối học sinh Trung Quốc với giáo viên tại Mỹ trong các tiết học “một thầy - một trò”. Ryan hiện đứng đầu lớp về môn Anh ngữ ở trường và Wu rất hài lòng với quyết định của mình.

Nhiều phụ huynh Trung Quốc hướng tới những thuận lợi của hình thức học trực tuyến. Đó là họ không phải đưa con đi một hành trình xa tới lớp học thêm truyền thống trong cảnh giao thông đông đúc. Quan trọng hơn là có thể tìm thuê một giáo viên “chuẩn Mỹ” cho con.

Bùng nổ thị trường GD trực tuyến

Những phụ huynh như Wu và Gong tạo nên bùng nổ giáo dục trực tuyến tại Trung Quốc và mở ra thị trường vô cùng mênh mông cho ngành kinh doanh giáo dục trực tuyến.

Những doanh nghiệp đi đầu trong GD trực tuyến như New Oriental Education & Technology Group và TAL Education Group đã niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và giá cổ phiếu vẫn trong xu hướng tăng.

Giáo dục trực tuyến đặc biệt phát triển mạnh thời gian gần đây giữa kỉ nguyên Internet và nhờ vào thuận lợi lớn của hình thức học tập số hoá.

VIPKid, có trụ sở tại Bắc Kinh, đã thu hút tới 200.000 học sinh và nhận khoản đầu tư hơn 1,5 tỉ USD từ tập đoàn khổng lồ Sequoia Capital and Tencent Holdings.

Những trung tâm dạy thêm truyền thống - với lớp học bằng tường gạch - đang trở nên lạc hậu. New Oriental, được thành lập bởi giảng viên Đại học Bắc Kinh Minhong Michael Yu năm 1993, dự kiến đạt doanh thu 2,2 tỉ USD trong năm tài chính hiện tại. TAL Education, thành lập sau New Oriental 1 thập kỉ, hiện có 500 trung tâm tại khoảng 50 thành phố và dự kiến sẽ đạt doanh số 1,7 tỉ USD trong năm nay.

VIPKid mặc dù “sinh sau đẻ muộn” hơn nhưng có hướng phát triển riêng, tuyển giáo viên người Mỹ và định vị chất lượng giảng dạy tương đương với các trường phổ thông hàng đầu ở Mỹ.

Cindy Mi, người sáng lập 34 tuổi đã đưa công ty khởi nghiệp này trở thàng một trong những công ty phát triển nhanh nhất trong ngành GD trực tuyến với doanh số đạt hơn nửa tỉ USD trong năm nay.

Năm ngoái, khoảng 37% trẻ Trung Quốc học thêm so với 70% tại những nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay vùng lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên theo dự báo thị trường thì tỉ lệ trên sẽ lên tới 50% trong 5 năm - vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc dự báo số học sinh từ mầm non tới lớp 12 là khoảng 200 triệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.