Trẻ hóa tuổi đi tour
Năm nay ghi nhận số học sinh tham gia tour học hè ở nước ngoài tăng gần 40%, việc đặt tour bắt đầu từ khoảng 1 năm trước - theo English First, một công ty GD Anh ngữ tại Trung Quốc
Báo cáo được đăng trên 1 trang web đặt tour trực tuyến Trung Quốc cho thấy, hầu hết người tham gia tour học tập là thiếu niên ở độ tuổi THCS.
Theo thông tin trên trang web Tuniu.com hồi tháng 6, 73% số người tham gia tour năm 2016 là học sinh THCS, 11% là học sinh tiểu học và chỉ 3% là sinh viên.
Xu hướng trẻ hoá người tham gia tour ngày càng rõ. “Tăng trưởng nhanh nhất trong khách hàng của chúng tôi vài năm qua là học sinh tiểu học, chiếm trên 50%” - theo Joe Chiu, quản lí Trung tâm Ngôn ngữ Quốc tế EF tại Trung Quốc.
Không giống như đối tượng tham gia tour học tập tại các nước khác - ít nhất 13 hoặc 14 tuổi - phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng cho con đi tour ở độ tuổi rất nhỏ, Chiu cho biết. Cũng theo Chiu thì những khách hàng nhỏ tuổi nhất tham gia tour của mình chỉ mới 5 tuổi.
Đi tour để mở rộng tầm mắt
Theo “sách xanh” về tour du học toàn cầu được công bố bởi Tập đoàn New Oriental Education & Technology Group, mở rộng tầm mắt cho trẻ là mục tiêu chính của phụ huynh, trong khi cải thiện ngoại ngữ, trải nghiệm tự lập và đa dạng văn hoá cũng là những mong muốn phổ biến.
“Con bé đã tự tin hơn và tự lập hơn nhiều kể từ tour đầu tiên tại Mỹ và đã biết cách vận dụng kiến thức từ sách vở và giao tiếp đời thực” - Zhu Wanxia, mẹ một em nhỏ tên Zhan cho biết. “Tham gia tour không phải nhắm tới một trường đại học nước ngoài trong tương lai” - Zhu nói - “Mà mong muốn con mình vào một trường đại học hàng đầu Trung Quốc”.
Theo Chiu, chỉ một nửa số học sinh trong các chương trình tour học tập ở nước ngoài là để hướng tới du học đại học.
“Nhiều phụ huynh coi việc học tập tại Trung Quốc là lựa chọn tốt hơn cho con cái họ, và các tour du học nước ngoài chỉ nhằm bổ sung kiến thức ngoài sách vở” - theo Chen Jingjing, Trung tâm English First.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 80% sinh viên Trung Quốc sau khi du học nước ngoài trở về Trung Quốc năm 2016.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc “khát” nhân tài ở mọi lĩnh vực. Theo “Kế hoạch Cải cách và Phát triển GD trung và dài hạn (2010 - 2020)” được Bộ Giáo dục công bố tháng 7/2010, Trung Quốc kêu gọi tăng cường trao đổi và hợp tác quốc tế để giới trẻ hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài và tăng năng lực cạnh tranh trong thế giới mở.
Bộ Giáo dục cũng khuyến khích các trường tiểu học và THCS đưa các tour học tập ngắn ngày vào chương trình giáo dục.
Bên cạnh việc tăng cường đưa học sinh ra nước ngoài học tập, Trung Quốc cũng chào đón chuyên gia nước ngoài đến Trung Quốc. Năm 2008, Trung Quốc thực hiện chương trình thu hút tài năng quốc gia “Thousand Talent” khuyến khích chuyên gia Trung Quốc và người nước ngoài làm việc tại Trung Quốc.