Nỗ lực gây tranh cãi - Cho phép nữ sinh mang thai đến trường ở Sierra Leone

GD&TĐ - Mang thai ở độ tuổi 14, nữ sinh đến từ Sierra Leone - Mariatu Sesay cho biết đã vô cùng sợ hãi khi bị cô lập không chỉ trong lớp học, mà còn cả ngoài xã hội. Thế nhưng, điều đáng sợ hơn nữa là khi cô bé biết rằng, những nữ sinh mang bầu không được tiếp tục đến trường.

Mariatu Sesay cười hạnh phúc khi bế con nhỏ
Mariatu Sesay cười hạnh phúc khi bế con nhỏ

“Phá vỡ quy tắc”

Quyết không bỏ cuộc, cô bé 14 tuổi vẫn kiên trì tới lớp và khẩn cầu các giáo viên cho phép mình được đi học, bất chấp cả những lời bàn tán và thậm chí là cười nhạo khi bụng em đang ngày một to.

Trước quyết tâm của Sesay, ông Eric Conteh - Hiệu trưởng một trường học chưa được công bố tên, đã đưa ra quyết định “mang tính bước ngoặt”, mạo hiểm sự nghiệp và đi ngược lại với luật pháp của quốc gia, khi cho phép nữ sinh 14 tuổi được tiếp tục tới trường như bạn đồng trang lứa khác. Nhờ hành động này, ông Conteh bỗng trở thành nhân vật bất đắc dĩ trong cuộc chiến chống lại quy tắc của quốc gia, mà theo các nhóm nhân quyền là “đã lỗi thời” khi kỳ thị người mang thai ở tuổi vị thành niên.

Chia sẻ với truyền thông, nữ sinh Mariatu Sesay cho biết thường xuyên bị các bạn trong trường nhạo báng. Thậm chí, nhiều HS còn có hành động xé đồng phục của Sesay. “Bất cứ khi nào em xuất hiện, mọi người sẽ khiêu khích em, nhưng vì em yêu thích việc học nên đã can đảm để tiếp tục tới trường”, bà mẹ trẻ có con đã được 9 tháng tuổi nói thêm.

Sau khi nhận được sự đồng ý của cha mẹ, nữ sinh 14 tuổi này đã quyết định chia sẻ câu chuyện của bản thân, với mong muốn sẽ thu hút được sự chú ý từ các nhà lập pháp và nhận được ủng hộ từ mọi người. Ngôi trường Sesay đang theo học là cơ sở GD duy nhất tại Sierra Leone cho phép nữ sinh đang mang thai được tới lớp. Tuy nhiên, lãnh đạo trường học này đang phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực, sau khi nhiều người cho rằng, quyết định của hiệu trưởng đã vi phạm luật pháp quốc gia.

Năm ngoái, tổ chức phi chính phủ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới Equality Now đã phản đối lệnh cấm này của Sierra Leone tại phiên tòa Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tại Nigeria. Trước nhiều ý kiến trái chiều, tòa án dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 11 tới.

Chính phủ Sierra Leone khẳng định, việc cho phép các nữ sinh đang mang thai đến trường sẽ khiến họ cảm thấy mệt mỏi và phải chịu đựng sự chế giễu từ bạn học. Ngoài ra, nhà chức trách cũng cho rằng, các HS khác sẽ bị ảnh hưởng xấu và cảm thấy như được “khuyến khích” mang thai, nếu những nữ sinh như Sesay được đi học. Mặt khác, để bảo đảm kiến thức cho những nữ sinh mang thai, chính phủ nước này đã thành lập các trung tâm bán thời gian, tạo điều kiện cho các em được học tập và trau dồi kiến thức.

Kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái, Tổng thống Julius Maada Bio đã có những chính sách nhằm cho phép nhiều HS được tiếp cận với nền GD tiểu học. Ngoài ra, phu nhân Tổng thống – bà Fatima Jabbie-Bio, cũng là người ủng hộ các biện pháp pháp lý chống lại bạo lực tình dục. Tuy nhiên, cho tới nay, Tổng thống và phu nhân đều chưa có bất cứ động thái nào trong việc gỡ bỏ lệnh cấm đối với các nữ sinh mang thai. Trước tình hình này, Bộ Giáo dục Sierra Leone cũng không đưa ra bất cứ bình luận nào.

Ông Conteh - Hiệu trưởng trường nơi Sesay theo học, cho biết, một nhà lãnh đạo GD khu vực đã đến thăm trường vào thời điểm cô bé 14 tuổi đang mang thai. Thật may mắn, nhờ sự kiên trì và thành tích học tập tốt của Sesay, vị quan chức này đã chọn cách im lặng, thay vì báo cáo trường hợp đặc biệt này lên cấp trên.

“Không có lý do gì mà một đứa trẻ đáng phải chịu cảnh bị từ chối quyền con người cơ bản chỉ vì đang mang thai”, ông Conteh bức xúc khẳng định. Bên cạnh đó, ông Conteh cũng tuyên bố, bất kỳ nữ sinh nào mang thai cũng sẽ được chào đón tại ngôi trường này. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại rằng, nếu xét về mặt lý thuyết, ông Conteh có thể sẽ bị sa thải vì đã cho phép một nữ sinh mang thai tiếp tục đến trường.

Quyết tâm theo đuổi ước mơ

Theo thống kê, châu Phi là nơi có tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai cao nhất thế giới. Ngoài ra, có tới 18 quốc gia tại châu Phi có chính sách buộc nữ sinh mang thai bỏ học.

Lệnh cấm ở Sierra Leone được thông qua vào năm 2015, trong bối cảnh ngày càng có nhiều trẻ em mang thai khi còn ở độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường sau sự bùng phát của đại dịch Ebola. Nhiều người nhận định, một phần nguyên nhân của vấn nạn này có thể là do số trường hợp bị bạo lực tình dục và hãm hiếp tăng cao.

Trong trường hợp của nữ sinh Mariatu Sesay, em cho biết đã bị dụ dỗ quan hệ tình dục với một gã đàn ông lớn tuổi. Và, thật không may, chỉ hai tháng sau đó, cô bé phát hiện có thai. “Nếu bạn tới trường thì bạn có thể được học. Tuy nhiên, nếu bạn lựa chọn ở nhà, bạn sẽ phải kết hôn hoặc tiếp tục mang thai lần nữa”, bà mẹ trẻ 14 tuổi khẳng định.

Trước lệnh cấm của chính phủ, vô số người đã kịch liệt phản đối và cho rằng, chính luật này là tác nhân khiến cuộc sống của nhiều nữ sinh rơi vào bế tắc. Các nhóm phụ nữ nhân quyền tuyên bố, chính sách này hoàn toàn đi ngược lại với dư luận và phá vỡ các công ước nhân quyền quốc tế.

Chia sẻ với truyền thông, một bé gái 14 tuổi giấu tên sống tại thủ đô Freetown nước này, cho biết đã bị đuổi khỏi trường vào tháng 9/2018 sau khi mang thai. Cô bé này cũng thể hiện khát khao mong chính phủ Sierra Leone sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vào một ngày không xa, tạo điều kiện cho em có được cuộc sống bình thường và biến ước mơ trở thành một nhà báo trong tương lai thành sự thật. “Chỉ vì ai đó có thai không có nghĩa là cuộc sống của họ đã chấm dứt”, cô bé khẳng định.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.