Giáo dục Trung Quốc tụt hạng, vì sao?

GD&TĐ - Tụt hạng sâu trong bảng xếp hạng PISA 2015, bên cạnh thay đổi cách thức khảo sát còn có vấn đề nội tại của GD Trung Quốc…  

Giáo dục Trung Quốc tụt hạng, vì sao?

Tụt hạng bất ngờ

Trong kỳ khảo sát trình độ học sinh quốc tế PISA 2009, học sinh Thượng Hải, Trung Quốc, đứng đầu thế giới về cả 3 nội dung khảo sát là Toán, Khoa học và Đọc. Kết quả này khiến nhiều quốc gia kinh ngạc, Tổng thống Mỹ Barack Obama thậm chí thúc giục nước Mỹ cần hành động ngay lập tức để không bị tụt hậu.

Kỳ khảo sát tiếp theo vào năm 2012, học sinh Thượng Hải vẫn có được thứ hạng cao ngất ngưởng trong bảng xếp hạng thế giới.

Tuy nhiên đến kỳ khảo sát 2015, học sinh Trung Quốc rơi xuống hạng 6 về Toán, hạng 10 về Khoa học và hạng 27 về Đọc. Nhiều người thắc mắc chuyện gì đã xảy ra vậy?

Một mặt, câu trả lời đơn giản. Thay vì chỉ khảo sát trình độ học sinh tại thành phố phát triển bậc nhất Trung Quốc là Thượng Hải, PISA 2015 khảo sát đối tượng học sinh rộng hơn tại nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên kết quả PISA 2015 cũng bộc lộ một vấn đề quan trọng: Hệ thống giáo dục Trung Quốc vẫn hằn dấu vết bất bình đẳng, với hậu quả lâu dài cho trường học, học sinh và cuối cùng là nền kinh tế.

Khó khăn nội tại

Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là một thách thức nhiều thế kỉ qua tại Trung Quốc. Theo truyền thống, hầu hết người Trung Quốc sống tại nông thôn, nơi mà tiền bạc và cả nhu cầu giáo dục rất hạn chế. Bắt đầu từ những năm 1950, chính phủ bắt đầu nỗ lực lớn xây dựng lực lượng lao động có kiến thức. Trong giai đoạn 1950 - 2001, tỉ lệ biết chữ đã tăng từ 20% lên hơn 85%. Năm 1986, chính phủ bắt đầu phổ cập giáo dục 9 năm.

Thực hiện điều này không hề dễ dàng. Chính phủ trung ương có cấp ngân sách cho trường học nhưng phần lớn là từ ngân sách địa phương. Tại những thành phố giàu có, như Thượng Hải, guồng máy vận hành nói chung là tốt. Nhưng với vùng nông thôn, nhiều trường thiếu tiền tới mức không thể sắm nổi bàn học. Giáo viên nông thôn có tổng thu nhập chỉ bằng 1/3 so với đồng nghiệp thành phố. Điều này đã khiến bùng phát bức xúc: Từ năm học 2014 - 2015, có ít nhất 168 hoạt động đình công và phản đối của giáo viên nông thôn.

Sự bùng nổ kinh tế càng khiến vấn đề trên thêm trầm trọng. Hàng chục triệu lao động nông thôn đổ ra thành phố đáp ứng nhu cầu việc làm, nhưng do luật hộ khẩu mà con cái họ không được học tại các trường công lập thành phố. Phụ huynh chỉ có 2 lựa chọn là cho con vào học “trường nhập cư” thường có chất lượng kém; hoặc để con ở lại quê cho người thân trông nom.

Với 61 triệu trẻ em bị cha mẹ để lại quê, viễn cảnh giáo dục rất mờ mịt. Theo một nghiên cứu, chỉ một nửa số học sinh nông thôn được bố mẹ đọc sách cho nghe so với 78% trẻ thành thị. Trẻ nông thôn hưởng lợi lớn từ chương trình GD mẫu giáo và tiền tiểu học nhưng chưa tới một nửa được tiếp cận những chương trình như vậy - so với 76% tại các thành phố.

Theo các chuyên gia thì chính sách vĩ mô cần phải đột phá vào một số điểm: Đầu tư mở rộng trường công tại các thành phố để tiếp nhận học sinh nhập cư; hạ mức đóng góp của phụ huynh cho trường công tại nông thôn…

Vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố gắng chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào công xưởng sang nền kinh tế dựa vào dịch vụ và lực lượng lao động có kiến thức thì các chính sách giáo dục và xã hội lại đang vùi lấp tham vọng của trẻ nông thôn. Một nghiên cứu cho thấy 77% trẻ thành thị khao khát học đại học, trong khi tỉ lệ ở trẻ nông thôn là 59%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.