Chuyện “đạo đức” trong kế hoạch miễn dịch cộng đồng

GD&TĐ - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, để Covid-19 lây lan với hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng là hành vi “phi đạo đức”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Giám đốc WHO bày tỏ quan điểm cứng rắn này trong bối cảnh một số quốc gia kêu gọi để Covid-19 lây “tràn lan”, tới khi đủ người phát triển khả năng miễn dịch cần thiết. Từ đó, ngăn chặn dịch bệnh một cách tự nhiên.

“Miễn dịch cộng đồng là một khái niệm được sử dụng trong tiêm chủng. Trong đó, một quần thể có thể được bảo vệ khỏi một loại virus nhất định nếu đạt đến ngưỡng tiêm phòng”, ông Tedros phát biểu.

Ví dụ, đối với bệnh sởi, nếu 95% dân số được tiêm chủng, 5% còn lại cũng sẽ được bảo vệ khỏi sự lây lan của virus. Đối với bệnh bại liệt, ngưỡng này được ước tính là 80%.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được bằng cách bảo vệ con người khỏi virus, thay vì bằng cách để họ tiếp xúc với nó.

“Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng như một chiến lược để ứng phó với đợt bùng phát, chứ chưa nói đến đại dịch. Việc cho phép một loại virus nguy hiểm mà chúng ta không hiểu rõ hoạt động tự do là phi đạo đức. Đó không phải là một lựa chọn”, ông Tedros khẳng định.

Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về SARS-CoV-2, ước tính có khoảng 0,6% người mắc Covid-19 tử vong. Bà Van Kerkhove cho rằng, mặc dù con số này có vẻ không lớn, nhưng thực tế, nó cao hơn rất nhiều so với bệnh cúm.

Mới đây, WHO cũng bày tỏ sự lạc quan về tốc độ phát triển vắc-xin chống lại Covid-19, với 40 ứng viên đang thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, 10 vắc-xin hiện ở những bước cuối của giai đoạn 3.

Không ít lần, “ông chủ Nhà Trắng” Donald Trump cam kết, vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ sẵn sàng trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới.

Trước đó, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - bà Soumya Swaminathan cho biết, hơn 180 quốc gia đã cam kết tham gia vào nỗ lực của WHO, nhằm tài trợ để các loại vắc-xin phòng Covid-19 được phân phối một cách công bằng tới các nước giàu và nghèo.

Tuy nhiên, bà Swaminathan cho hay, các loại vắc-xin được thử nghiệm giai đoạn cuối dự kiến không cung cấp đủ dữ liệu để yêu cầu phê duyệt theo quy định, cho đến “sớm nhất” là tháng 12.

Trước đó, một số nhà nghiên cứu lập luận rằng, việc cho phép Covid-19 lây lan “mất kiểm soát” sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng. Thậm chí, những ý kiến này cho rằng, đây là một cách thực tế hơn trong việc ngăn chặn đại dịch, thay vì áp dụng các biện pháp phong tỏa đã tác động tới nền kinh tế.

Theo hãng thông tấn AP, các số liệu báo cáo lên WHO từ châu Âu và châu Mỹ trong 4 ngày qua cho thấy, tình hình tại các châu lục này đang có chiều hướng phức tạp. Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tại một số nước châu Âu và châu Mỹ đã tăng kỷ lục trong những ngày vừa qua.

Tính đến sáng 13/10, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 38 triệu người. Trong đó, có hơn 1 triệu người đã thiệt mạng và 28,5 triệu trường hợp được chữa khỏi. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, kế đến là Ấn Độ, Brazil và Nga.

Trung Quốc - nơi dịch bệnh khởi phát, ghi nhận tổng cộng hơn 85.500 ca nhiễm. Trong đó, có 4.634 người tử vong và hiện chỉ còn 230 ca nhiễm đang điều trị tính đến cuối ngày 12/10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.