Châu Phi: Sinh viên thiếu kỹ năng cần thiết sau khi tốt nghiệp

GD&TĐ - Theo các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), các trường ĐH tại châu lục này đã đào tạo số lượng lớn SV tốt nghiệp không thành thạo các kỹ năng cần thiết.

Nhiều SV châu Phi lựa chọn rời bỏ quê hương với hy vọng có được tương lai tốt đẹp hơn
Nhiều SV châu Phi lựa chọn rời bỏ quê hương với hy vọng có được tương lai tốt đẹp hơn

Sinh viên thiếu kỹ năng

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã công bố một báo cáo mang tên “Tạo ra công việc tử tế: Chiến lược, chính sách và công cụ”. Theo báo cáo này, hầu hết SV châu Phi đều không thể hiện thái độ nghiêm túc trong học tập, cũng như không được đào tạo về các kỹ năng nghề nghiệp. “Quá nhiều SV mới tốt nghiệp ngày nay có bằng cấp nhưng không kiếm được một công việc có liên quan tới ngành học”, báo cáo khẳng định.

Theo Tiến sĩ (TS) Celestin Monga, Phó Chủ tịch phụ trách Quản trị kinh tế và Quản lý tri thức tại AfDB, tình trạng này đang kéo theo sự mất năng suất và cả đầu tư vào châu lục. Thậm chí, có nhiều tài xế taxi ở thủ đô Algiers (Algeria) là những người có bằng tốt nghiệp về khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật, toán học và khoa học vật lý. Những trường hợp này không phải là hiếm ở các thành phố lớn của các quốc gia châu Phi.

Ngoài ra, SV mới tốt nghiệp, đặc biệt là ở khu vực Hạ Sahara, thường xuyên trở thành nạn nhân của các cuộc xung đột sắc tộc, tham nhũng, gia đình trị hoặc phải phụ thuộc vào các ngành công nghiệp với công nghệ lỗi thời cùng lợi nhuận và năng suất thấp. “Nigeria là một trong số các quốc gia đang gặp phải tình trạng này, với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức 37%”, báo cáo cho biết.

Ngoài việc các trường ĐH tại châu Phi thất bại trong việc giúp SV có được một công việc tử tế, báo cáo còn nêu ra một số yếu tố khác gây ra tình trạng này, như: Giáo trình lỗi thời, số lượng SV quá lớn, tầng lớp giáo sư ngày càng già hóa, nguồn tài trợ còn hạn chế, chảy máu chất xám, nhân viên trường và nhiều SV không có tài năng. Các chuyên gia nhận định, suốt nhiều thập kỷ qua, các cơ sở GD tại châu Phi đã không thành công trong việc đào tạo công chức và GV. Theo báo cáo: “Hệ thống GD này vẫn hướng tới việc giúp SV trở thành công chức mà không thúc đẩy khả năng kinh doanh ở họ”.

Trước hiện trạng này, AfDB đã bày tỏ lo ngại về những kết quả đáng thất vọng do các chính sách GDĐH truyền thống mang lại; đồng thời, kêu gọi các cơ sở GD công lập và tư thục tại châu Phi có sự hợp tác nhằm tạo ra các cơ sở nâng cao kỹ năng, cũng như thiết kế và thực hiện kế hoạch phát triển lực lượng lao động cho các ngành công nghiệp khác nhau.

Chảy máu chất xám nghiêm trọng

Nói về vấn đề chảy máu chất xám khi hàng loạt SV sau tốt nghiệp lựa chọn rời bỏ châu Phi, báo cáo khẳng định, tình trạng này thường xảy ra ở các quốc gia kém phát triển; đồng thời, nhấn mạnh rằng, không một nền kinh tế nào có thể vững mạnh nếu không giữ chân được người tài bằng cách bảo đảm rằng, các SV có thể tìm được việc làm tốt.

Mới đây, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển đã đưa ra những tác động tích cực của hiện tượng chảy máu chất xám. Tuy nhiên, AfDB cho rằng, nền tài chính của châu lục này không thể bù đắp được chi phí GD cho những người đã rời đi. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, những người tài hầu như không chia sẻ nhiều kiến thức hoặc có đóng góp cho sự phát triển của quê hương. AfDB nhận định, vấn nạn chảy máu chất xám tại châu Phi đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của các quốc gia thuộc khu vực này.

TS Mustapha Kamel Nabli - nhà kinh tế học đến từ Tunisia, làm việc tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Bắc Phi và là người có đóng góp cho báo cáo của AfDB, cho biết: “Dân số tăng, chênh lệch thu nhập, sự khác biệt lớn giữa kỳ vọng và thực tế trong thị trường lao động, biến đổi khí hậu và bất ổn xã hội - chính trị là những nguyên nhân chính khiến ngày càng có nhiều SV tại châu Phi rời quê hương tới các quốc gia khác sau khi tốt nghiệp”.

Mặt khác, TS Akinwumi Adesina - Chủ tịch AfDB, cho biết: “Ngày nay, hàng triệu thanh niên châu Phi không tìm được việc làm. Thậm chí, nhiều người chấp nhận rủi ro để vượt Địa Trung Hải với hy vọng sẽ có một tương lai tươi sáng hơn ở châu Âu”. Tuy nhiên, TS khẳng định: “Tương lai của giới trẻ châu Phi không nằm ở châu Âu, mà ở một châu Phi thịnh vượng và phát triển hơn trong tương lai”.

Để hướng tới mục tiêu này, TS Adesina đã đưa ra lời kêu gọi tới các quốc gia trong châu Phi, với hy vọng chính phủ các nước trong khu vực sẽ xác định những ngành kinh tế có tiềm năng tạo công ăn việc làm cho SV và đưa công nghệ mới vào đất nước.

Bên cạnh đó, AfDB đang khuyến nghị các trường ĐH tại châu Phi tiến hành cải cách GD, bằng cách thiết kế và phát triển các khóa học về công nghệ “cách mạng công nghiệp thứ tư” (4IR), như: Học trên máy, trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu và khoa học, xử lý và tái tạo công nghệ.

Quan điểm này được ủng hộ bởi Đơn vị dự báo nguồn nhân lực từ AfDB - nhóm người đã thực hiện nghiên cứu về cách các kỹ năng và công nghệ 4IR cung cấp cơ hội việc làm ở châu Phi.

Theo Đơn vị dự báo nguồn nhân lực từ AfDB, 4IR đang định nghĩa lại quan niệm truyền thống về việc làm. Chẳng hạn, trong tương lai, các doanh nghiệp có thể sẽ kết nối và cộng tác từ xa với những chuyên viên hành nghề tự do có tài năng, bằng cách thông qua nền tảng kỹ thuật số.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho rằng, mặc dù các trường ĐH, CĐ truyền thống là “con đường thiết yếu dẫn tới sự thành công”, nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Các chuyên gia GD tại châu Phi khẳng định, các quốc gia trong khu vực cần có sự đổi mới và mở rộng quyền tiếp cận của mọi người đối với trung tâm dạy nghề, không chỉ là HS tại các trường THPT và sau THPT, mà còn là cả những HS từng bỏ học cũng sẽ được tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ