Boeing: Bên trong thảm họa bị che giấu

GD&TĐ - Năm tháng sau vụ tai nạn kinh hoàng của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) khiến 189 người thiệt mạng, thế giới lại bàng hoàng vì vụ rơi máy bay của hãng Ethiopian Airlines, cướp đi sinh mạng của 157 người. 

Hiện trường tai nạn tại Indonesia
Hiện trường tai nạn tại Indonesia

Cả 2 vụ việc đều liên quan đến mẫu máy bay 737 MAX của Boeing làm dấy lên hàng loạt cuộc điều tra và nghi vấn về việc che đậy thông tin của hãng này.

Cuộc đua không hồi kết

Boeing và Airbus từ lâu đã không có đối thủ khi chiếm tới 99% thị phần trong ngành lắp ráp máy bay, phục vụ hơn 4 tỷ chuyến bay hằng năm trên toàn thế giới. Sự thống trị này kéo dài nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cuộc cạnh tranh giữa 2 ông lớn hàng không càng trở nên khốc liệt hơn khi chỉ trong vài năm trở lại đây, liên tiếp các sản phẩm được Boeing và Airbus tung ra nhằm chiếm lĩnh thị phần. Câu chuyện bắt đầu vào năm 2011, khi Airbus tung ra mẫu máy bay Airbus 320neo với hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu tuyệt vời và chi phí vận hành thấp. Không lâu sau, hãng đã nhận được 667 đơn đặt hàng tại triển lãm hàng không Paris, thiết lập kỷ lục cho một loại máy bay thương mại.

Đối với Boeing điều này còn tồi tệ hơn khi ngay “tại sân nhà”, hãng American Airlines đã đặt mua 130 chiếc Airbus mới và 130 chiếc đời cũ hơn. Boeing và người Mỹ vốn từ lâu đã có mối quan hệ đặc biệt, Boeing tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho nước Mỹ, đóng góp hàng tỷ đô la vào kim ngạch xuất khẩu của nước này, đổi lại cho việc các hãng hàng không Mỹ luôn lựa chọn Boeing là nhà cung cấp chính cho mình. Thế nhưng giờ đây, người Mỹ lại lựa chọn sản phẩm của Airbus với số lượng lớn chưa từng thấy, khiến Boeing phải đưa ra 1 giải pháp kịp thời để giữ chân thị trường này.

Nhưng thay vì phát triển một loại máy bay hoàn toàn mới, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, hiện đại và an toàn hơn để cạnh tranh, Boeing lựa chọn giải pháp tạo ra một biến thể nâng cấp của dòng 737, vốn là một trong những loại máy bay nổi tiếng nhất của hãng kể từ năm 1965. 737 MAX ra đời với 4 loại MAX 7, MAX 8, MAX 9 và MAX 10, được tích hợp tất cả những công nghệ sẵn có trên chiếc 737, đi kèm với việc sử dụng động cơ mới nhất của CFM International: LEAP-1B; tuy nặng hơn nhưng bù lại gia tăng đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn từ 10 - 12% so với mẫu 737. Với việc tiết kiệm thời gian cho sản xuất, 737 MAX đã nhanh chóng giới thiệu mẫu đến công chúng vào năm 2011, nhận được khoảng 200 tỷ đô giá trị đặt hàng và trở thành loại máy bay bán chạy nhất trong lịch sử hãng này.

Mọi chuyện đều ổn cho đến khi...

Chuyến bay 610 của Lion Air cất cánh từ Jakarta, Indonesia vào thứ Hai, ngày 29/10/2018, lúc 6 giờ 20 phút (giờ địa phương). Điểm đến của chuyến bay là Pangkal Pinang, thành phố lớn nhất của quần đảo Bangka Belitung. 12 phút sau khi cất cánh, máy bay đã lao xuống biển Java, tước đi sinh mạng của toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn.

Gần năm tháng sau, chuyến bay 302 của hãng Ethiopian Airlines khởi hành từ thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) vào Chủ nhật, ngày 10/3/2019, lúc 8 giờ 38 phút (giờ địa phương). Chuyến bay có điểm đến là Nairobi, Kenya nhưng không có ai trên chuyến bay có thể đến được đây. Sáu phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay đã rơi xuống gần thị trấn Bishoftu, Ethiopia, khiến tất cả 157 người trên máy bay thiệt mạng.

Hai mẫu máy bay 737 MAX 8 đã cướp đi mạng sống của 346 người và đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Boeing. Khi hai vụ tai nạn liên quan đến cùng một loại máy bay xảy ra khiến dư luận đặt ra câu hỏi: “Nguyên nhân của 2 vụ tai nạn trong thời gian rất ngắn này là do đâu?”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ