“Hoa Mộc Lan” của Mỹ

GD&TĐ - Vào thời kỳ phụ nữ không được phép gia nhập quân đội ở Mỹ, cũng như nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Hoa Mộc Lan, Deborah Sampson cải nam trang tòng quân chiến đấu trong cuộc chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ.    

Deborah Sampson dưới vỏ bọc binh nhì Robert Shurtliff
Deborah Sampson dưới vỏ bọc binh nhì Robert Shurtliff

Tuổi thơ bất hạnh

Deborah Sampson sinh ở Plympton, Massachusetts vào ngày 17/12/1760. Khi Deborah lên 5 tuổi, bố của cô bỏ đi mất tăm.   

Mẹ của Deborah, không nuôi nổi được bầy con còn nhỏ dại, phải mang chúng cho những người thân nhân và các gia đình khác. Deborah ở với bà góa của một cựu bộ trưởng, Mary Prince Thatcher, người dạy cho đứa bé tội nghiệp biết đọc. Từ lúc đó, Deborah bày tỏ sự ao ước được học hành, điều không bình thường đối với một cô gái vào thời đó.

Khi bà Thatcher qua đời vào khoảng năm 1770, cô bé Deborah 10 tuổi trở thành người hầu theo hợp đồng trong gia đình của Jeremiah Thomas ở Middleborough, Massachusetts. Sau khi hợp đồng kết thúc vào năm 1778, Deborah tự nuôi mình bằng cách dạy học ở trường vào mùa Hè và làm việc như một thợ dệt trong mùa Đông. Cô cũng dùng tài khéo léo của mình làm ra đồ gia dụng bằng gỗ đi rao bán khắp nơi.

Cải nam trang vào quân đội

Cuộc cách mạng Hoa Kỳ diễn ra vào những tháng cuối cùng cũng là lúc Deborah quyết định cải trang thành nam và tìm cách ghi danh trong đợt tuyển quân vào cuối năm 1781. Ở tuổi 22, Deborah có chiều cao khoảng 1,72m, bằng những người đàn ông vào thời kỳ đó, cộng với vai rộng và ngực nhỏ, đã giúp cô qua mặt những người phụ trách tuyển quân. 

Đầu tiên cô đăng ký với tên giả “Timothy Thayer” ở Middleborough vào đầu năm 1782, nhưng bị phát hiện là nữ trước khi nhận nhiệm vụ. Sau đó, cũng giả dạng nam nhân, cô đi bộ từ Middleborough qua cảng New Bedford, đăng ký lên một con tàu tuần dương của Mỹ, đến Boston cùng với các tân binh. Ở đây cô được tuyển với tên “Robert Shurtliff” vào tháng 5/1782. Lúc này, binh nhì Shurtliff là một trong 50 tân binh thuộc đại đội Bộ binh thứ 4 của Massachusetts.     

Vào ngày 3/7/1782, chỉ một vài tuần nhận nhiệm vụ trong quân đội, cô tham gia trận chiến bên ngoài Tarrytown, New York. Trong khi chiến đấu, cô bị trúng hai viên đạn hỏa mai vào chân và một vết thương sâu ở trán. Lo sợ bị bại lộ tông tích, “Shurtliff” xin với các đồng đội hãy để cô chết ở chiến trường, nhưng những người lính đã tức tốc đưa cô đi phẫu thuật gắp những viên đạn ra.

Do bị thương tích ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu, binh nhì Shurtliff được chỉ định làm người hầu cho Tướng John Patterson. Chiến tranh kết thúc nhưng các đoàn quân của Mỹ vẫn ở lại mặt trận. Vào tháng năm 1783, đơn vị của Deborah được điều đến Philadelphia để dập tắt cuộc nổi loạn của một số binh lính Mỹ do chậm được trả lương và chậm xuất ngũ.   

Sốt và bệnh tật lan rộng ở Philadelphia, và không lâu sau khi đến, Deborah bị ốm trầm trọng. Cô được đặt dưới sự chăm sóc của bác sĩ Barnabas Binney, người khám phá sự thật về giới tính của cô khi cô hôn mê trong bệnh viện. Thay vì báo cho chỉ huy cô biết, ông đưa cô về nhà nhờ vợ và con gái chăm sóc. Sau nhiều tháng được bác sĩ Binney điều trị, cô phải trở về với đoàn quân của tướng Patterson. Khi cô chuẩn bị lên đường, Binney đưa cho cô một bức thư gửi cho đại tướng, mà cô nghi là có nội dung tiết lộ giới tính của cô.

Trở về nơi đóng quân, Deborah được gọi đến sở chỉ huy gặp tướng Patterson. Cô cho biết, suýt ngất đi vì căng thẳng. Nhưng trước sự ngạc nhiên của cô, Patterson quyết định không trừng phạt người lính của mình. Ông và ban tham mưu tỏ ra thông cảm với việc phải giấu thân phận trong một thời gian dài của cô. Binh nhì Shurtliff được cho xuất ngũ trong danh dự vào ngày 25/10/1783.    

Deborah Sampson
Deborah Sampson 

Cuộc đấu tranh không mệt mỏi

Deborah trở lại Massachusetts, kết hôn với Benjamin Gannett vào ngày 17/4/1785 và định cư trong một trang trại nhỏ của họ ở Sharon. Cả hai có 3 người con và một con nuôi. Vào năm 1792, Deborah bắt đầu cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập niên để đòi nợ lương và lương hưu trong thời kỳ bà phục vụ quân đội. Không như nhiều nam đồng đội khác, Deborah không chỉ dựa vào kiến nghị và thư gửi Quốc hội. Bà cho phép một nhà văn địa phương tên là Herman Mann tiểu thuyết hóa câu chuyện về cuộc đời của mình và vào năm 1802, bà bắt đầu chuyến đi diễn thuyết ở Massachusetts và New York.   

Buộc lòng phải để những đứa trẻ ở Sharon cho chồng chăm sóc, Gannett lên đường từ tháng Sáu năm 1802 đến tháng Tư 1803. Chuyến đi của bà qua 1.600km, dừng chân tại Massachusetts và Hudson River Valley, kết thúc ở thành phố New York. Ở hầu hết thành phố, bà diễn thuyết về những trải nghiệm trong thời chiến của mình. Chuyến đi của bà được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài đòi quyền lợi, Gannett được sự ủng hộ của một số đồng minh có thế lực: Người hùng trong chiến tranh cách mạng Paul Revere, nghị sĩ bang Massachusetts William Eustis và chỉ huy cũ của bà, tướng John Patterson.  

Năm 1792, kiến nghị của bà được cơ quan lập pháp Massachusetts chấp thuận, bà được bồi hoàn tiền lương trả chậm. Sau chuyến đi diễn thuyết vào năm 1803, bà bắt đầu thỉnh cầu Quốc hội trợ cấp thương tật. Năm 1818, bà từ bỏ trợ cấp thương tật để lấy lương hưu chung. Quyền lợi này bà được hưởng cho đến hết đời.     

Deborah qua đời ở tuổi 68 vào ngày 29/4/1827 sau một thời gian dài mang bệnh. Gia đình quá nghèo không có tiền để làm bia mộ và nơi chôn cất Gannett ở nghĩa trang Rock Ridge của Sharon không được lưu tâm, mãi đến những năm 1850 hoặc 1860. Đầu tiên bà được ghi trên bia chỉ như “Deborah, vợ của Benjamin Gannett”. Cho đến nhiều năm sau, một người nào đó tưởng nhớ sự phục vụ quân ngũ của bà đã khắc dòng chữ này trên bia mộ: “Deborah Sampson Gannett/ Robert Shurtliff/Nữ chiến binh”.   

Ngày 23/5/1983, Thống đốc Michael J. Dukakis ký tuyên bố công nhận Deborah Sampson nữ anh hùng của cộng đồng Massachusetts.

Theo Thoughtco

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ