Thế giới có hơn 126 triệu ca mắc nCov, nhiều nước lo ngại làn sóng lây nhiễm mới

GD&TĐ - Theo trang Worldometer, thế giới đã có tới 126.673.206 ca mắc Covid-19, bao gồm 612.327 ca mới. Số ca tử vong là 2.778.771 ca, gồm 11.256 ca mới.

Cháy bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ.
Cháy bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ.

Philippines lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19 mới vào hôm qua với 9.838 ca khi Ngân hàng thế giới cảnh báo rằng tiêm vắc xin cần phải là ưu tiên hàng đầu để giới hạn số ca tử vong và hỗ trợ hệ thống y tế của nước này.

Một làn sóng lây nhiễm gần đây đã buộc các nhà chức trách phải mở rộng các giới hạn ở thủ đô Manila sang các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, các dịch vụ tôn giáo diễn ra trong ngày với 10% sức chứa nhà thờ sẽ được phép trong tuần trước lễ Phục sinh. Philippines là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia và nước này đã ghi nhận số ca mới kỷ lục trong 5 ngày qua. Chỉ trong 10 ngày, số ca mắc đã bằng 1/4 tổng số ca mắc là 702.856 ca. Số ca tử vong đã lên tới 13.149 ca, gồm 54 ca mới.

Thái Lan hôm qua phải xoa dịu nỗi sợ của công chúng vào hôm qua sau khi xác nhận một người đàn ông tử vong 10 ngày sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Theo quan chức y tế cấp cao Sopon Mekton, nguyên nhân của cái chết là do động mạch chủ bụng bị phình (AAA) và vỡ. Người đàn ông qua đời trên không được tiết lộ tuổi, có bệnh nền và trải qua một cuộc phẫu thuật vào tháng 1. Trong khi đó Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul kêu gọi công chúng tiêm vắc xin. Đến nay, Thái Lan đã cung cấp khoảng 136.000 liều vắc xin, chủ yếu là vắc xin Sinovac Biotech của Trung Quốc. Bên cạnh đó là vắc xin AstraZeneca. Thái Lan hiện có 28.577 ca mắc và 92 ca tử vong vì Covid-19.

Tại Đức, Giám đốc Viện truyền nhiễm RKI Lothar Wieler cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ 3 tại đây có thể là làn sóng tồi tệ nhất và có thể có tới 100.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Số ca mắc Covid-19 mới ở Đức đang tăng mạnh trong những tuần gần đây do biến chủng dễ lây lan hơn có tên B117 và các biện pháp giới hạn bị nới lỏng. Ông Lothar Wieler thúc giục người dân ở nhà trong dịp lễ Phục sinh. RKI cũng đã đưa ra cảnh báo đi lại đối với các quốc gia láng giềng, bao gồm Pháp, Áo, Đan Mạch và Cộng hòa Séc. Những người từ các quốc gia này về tới biên giới Đức phải đưa ra xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Sau đó họ phải cách ly 10 ngày. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết Đức đang ở giai đoạn cuối của “cuộc đua đại dịch” nhưng hệ thống y tế nước này có thể đạt tới giới hạn vào tháng 4.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm y tế hàng đầu đất nước hôm qua kêu gọi chính phủ thắt chặt các giới hạn chống dịch trong bối cảnh số ca mắc tăng lên. Số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ở đây đã tăng lên trong tháng qua sau khi Ankara tuyên bố thời kỳ dần trở lại cuộc sống bình thường. Hôm qua nước này ghi nhận 29.081 ca mắc mới, tiến sát số ca mắc cao nhất trong năm nay. Bộ trưởng Y tế Fahrenttin Koca cho biết có thể kiểm soát được đại dịch vào cuối tháng 5 hoặc tháng 6 và cho rằng người dân phải đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Tại Ấn Độ, ít nhất 10 người chết sau khi một đám cháy xảy ra tại một bệnh viện nhỏ đang điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Mumbai. Hơn 70 bệnh nhân mắc nCov được điều trị tại bệnh viện tư nằm trên tầng 3 của tòa nhà đã được sơ tán tới những nơi khác. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra và hiện chưa rõ những người thiệt mạng có phải là bệnh nhân Covid-19 hay không. Mumbai đang vật lộn với giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch với hơn 5.500 ca mắc mới trong ngày 25/3 – cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong khi đó Ấn Độ đã có 11,85 triệu ca mắc và gần 161 ngàn ca tử vong vì Covid-19.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ