Ít nhất 138 quốc gia đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân để chống lại Covid-19, trong đó Chile hiện đang tiến hành với tốc độ bình quân đầu người nhanh nhất trong số các quốc gia có dân số ít nhất 1 triệu người.
Theo Reuters, quốc gia Nam Mỹ này đã tiêm trung bình 1.299 liều cho mỗi 100.000 người trong 7 ngày qua.
Nói chung, các nước giàu và phát triển hơn có khả năng tiếp cận vắc xin tốt hơn vì họ có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn để sản xuất, thu nhận và quản lý liều lượng. Khoảng 62% những người được tiêm ít nhất một liều vắc xin đến từ các quốc gia có thu nhập cao và ít nhất 60% đến từ châu Âu và Bắc Mỹ, theo phân tích dữ liệu của Reuters. Loại trừ khỏi tính toán trên là các quốc gia chỉ báo cáo tổng số liều mà không xác định được số người được tiêm chủng.
Peru hôm qua cho biết, đã xác nhận kỷ lục 11.260 ca mắc Covid-19 mới trong một ngày khi biến chủng lần đầu được phát hiện ở Brazil lây lan mạnh trong bối cảnh thiếu thiết bị y tế và các bệnh viện gần mức bão hòa. Tổng số ca mắc ở nước này hiện là 1.492.519 ca, trong đó 50.656 ca tử vong – Bộ tế cho biết vào đêm 24/3.
Hiện 40% số ca mắc Covid-19 ở thủ đô Lima nhiễm biến chủng Brazil vốn xâm nhập vào khu vực Amazon từ phía đông bắc đất nước hồi đầu năm nay.
Peru lập kỷ lục về số ca mắc mới trong bối cảnh người dân sắp đi bầu tổng thống và quốc hội vào 11/4. Chính phủ khẳng định việc bỏ phiếu sẽ không bị trì hoãn mà diễn ra theo những quy định nghiêm ngặt về y tế.
Tại Mỹ, TT Joe Biden đang đặt mục tiêu mới về việc tiêm 200 triệu liều vắc xin tại Mỹ trong 100 ngày đầu tiên ông nhậm chức. Chính quyền của ông ban đầu đạt mục tiêu 100 triệu liều trong 100 ngày kể từ 20/1 nhưng đã hoàn thành mục tiêu sớm hơn dự kiến.
Theo thông tin từ Nhà trắng, tính đến 24/3, 130 triệu liều đã được tiêm, trong đó 85 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều và khoảng 45 triệu người được tiêm đầy đủ.
Mỹ cho biết họ hy vọng cuộc điều tra của WHO đối với nguồn gốc của virus corona được nghiên cứu thêm, có thể bao gồm việc quay lại Trung Quốc – quan chức phụ trách phái bộ của Mỹ tại Liên hợp quốc Marc Cassayre cho biết.
Ông bày tỏ hy vọng phái bộ của WHO đến Vũ Hán vào 1/2 có quyền truy cập vào dữ liệu thô và gặp những người cần thiết để đưa ra đánh giá độc lập.
“Chúng tôi hy vọng nó sẽ dựa trên khoa học và là một bước tiến thực sự để thế giới hiểu được nguồn gốc của virus và chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai” – ông Cassayre nói.
Trong tuần này WHO sẽ đưa ra báo cáo dài về chuyến điều tra trên.