Thế chấp ảnh 'nóng' để vay tiền: Biến tướng kỳ quái của những kẻ cho vay lãi nặng

GD&TĐ - Với việc chấp nhận cung cấp hình ảnh "nóng" của bản thân để có thể được vay tiền, chuyên gia cho rằng nhiều người đang tự đẩy mình vào thế nguy hiểm.

Đối tượng Bùi Thanh Nguyên dùng hình ảnh nhạy cảm để ép "con nợ" phải trả tiền.
Đối tượng Bùi Thanh Nguyên dùng hình ảnh nhạy cảm để ép "con nợ" phải trả tiền.

Rộ tình trạng thế chấp ảnh “nóng” để vay tiền

Hiện nay, do nhu cầu chi tiêu bức thiết, người vay lại không có điều kiện tiếp cận với những khoản vay hợp pháp, lợi dụng vào hiện trạng này các đối tượng kinh doanh loại hình cho vay nặng lãi ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo người vay sập bẫy.

Có trường hợp, người vay phải chấp nhận những điều kiện cho vay oái oăm, buộc phải cung cấp hình ảnh nhạy cảm của mình để thế chấp, nếu không trả nợ thì sẽ bị tung hình ảnh lên mạng.

Thời gian gần đây, lực lượng công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đã liên tiếp đấu tranh làm rõ và triệt xóa, bắt giữ những đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng với yêu cầu bắt con nợ phải thế chấp bằng những hình ảnh nhạy cảm.

Cụ thể, ngày 17/8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Bùi Thanh Nguyên (SN 2001, trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Tài liệu của cơ quan chức năng thể hiện, khoảng tháng 5/2022, vì cần tiền tiêu xài, một bé gái 14 tuổi (trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) đã liên lạc với Nguyên để vay tiền. Nguyên đồng ý và yêu cầu bé gái phải thế chấp bằng hình ảnh, video clip khỏa thân, quan hệ tình dục với người khác giới.

Đối tượng Bùi Thanh Nguyên

Đối tượng Bùi Thanh Nguyên

Chấp thuận yêu cầu của Nguyên, bé gái đã gửi cho Nguyên 3 đoạn video clip và 1 ảnh “nóng” để thế chấp, vay tổng số tiền 45 triệu đồng với lãi suất 2 bên tự thỏa thuận.

Đến ngày 18/5, do bé gái không còn khả năng trả nợ nên Nguyên đã phát tán video clip, hình ảnh “nóng” lên mạng xã hội và gửi cho nhiều người thân trong gia đình bé gái để uy hiếp đòi nợ.

Sau khi biết chuyện, mẹ của bé gái đã liên hệ với Nguyên để thỏa thuận trả nợ thay con. Nguyên cho biết là bé gái còn nợ 55 triệu đồng và nếu gia đình không trả hết sẽ tiếp tục phát tán video clip, hình ảnh “nóng” lên mạng xã hội.

Người mẹ đã đồng ý trả nợ cho Nguyên, đồng thời trình báo công an. Trong lúc Nguyên đang nhận tiền của mẹ bé gái thì bị cảnh sát hình sự bắt quả tang. Tại cơ quan điều tra, Nguyên còn khai nhận với thủ đoạn trên, Nguyên đã cho 3 người khác vay nợ.

Cũng liên quan đến tình trạng cho vay lãi nặng và ép khách vay thế chấp bằng ảnh “nóng”, trước đó, vào cuối tháng 10/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1992, trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội), Bùi Ngọc Thủy (SN 1984, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) và Khương Thị Tuyến (SN 1992, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) để điều tra về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Theo cơ quan điều tra, từ cuối tháng 12/2020, Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy tham gia nhóm kín trên các mạng Zalo, Telegram, Facebook liên quan đến các hoạt động mại dâm, do một đối tượng thường trú tại TP. Hồ Chí Minh tạo ra, để quảng cáo cho vay tiền theo hình thức bốc bát họ.

Người muốn vay tiền sẽ phải quay, chụp ảnh chân dung, căn cước công dân, ảnh giao diện trên mạng xã hội Facebook, Zalo; video và hình ảnh nhạy cảm của người vay hoặc cung cấp tên đăng nhập trên diện thoại, tài khoản icloud và mật khẩu… Đến hạn trả tiền hoặc kỳ lãi, nếu người vay không trả thì Vân Anh và Huy sẽ uy hiếp công khai ảnh khoả thân, buộc “con nợ” trả tiền.

Đối tượng Nguyễn Thị Vân Anh

Đối tượng Nguyễn Thị Vân Anh

Từ đầu tháng 5/2021, nhóm của Vân Anh và Huy đã cho chị Nguyễn Thị N. vay tiền 7 lần bằng hình thức bốc bát họ, với tổng số tiền 163 triệu đồng.

Mức lãi suất mà chị N. phải trả là từ 10.000 - 20.000 đồng/triệu đồng/ngày; mỗi ngày trả lãi và gốc từ 150.000 - 200.000 đồng, hoặc theo chu kỳ 10 ngày trả lãi/lần.

Theo cơ quan công an, tổng số tiền thu lời bất chính thông qua việc cho chị N. vay là hơn 131 triệu đồng, gần bằng số tiền gốc chị N. vay của vợ chồng Vân Anh.

Trong quá trình vay nợ, do không có tiền trả lãi, chị N. bị Vân Anh gửi ảnh, video clip nhạy cảm để đe doạ đưa lên mạng, gửi cho gia đình, bạn bè. Lo sợ bị công khai hình ảnh riêng tư, chị N. tiếp tục phải vay lãi của Bùi Ngọc Thuỷ để trả lãi cho Vân Anh.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an phát hiện chị N. không phải là “con nợ” duy nhất của Vân Anh và Huy. Qua tài khoản cá nhân trên trang web mecash.vn của Vân Anh và Huy dùng để quản lý việc “kinh doanh” cho vay lãi nặng, cơ quan công an đã thống kê có 989 người vay tiền, với tổng số lên đến hơn 5 tỷ đồng.

Đến khi bị cơ quan công an phát hiện, cả 2 đã thu lãi, gốc của 779 người vay và còn 210 người vay vẫn trả lãi, gốc hàng ngày với mức lãi suất cao. Tổng số tiền Vân Anh và Huy thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng, giao dịch dân sự là hơn 1,3 tỷ đồng.

Nạn nhân tự đưa mình vào thế nguy hiểm

Tư vấn về những yếu tố pháp lý liên quan đến hành vi cho vay lãi ép “con nợ” thế chấp bằng hình ảnh nhạy cảm, trước đó, trao đổi với báo chí, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, đây là một thủ đoạn mới của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, “thế chấp tài sản” là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, tài sản thế chấp thường là vật hoặc quyền tài sản, phải có các thuộc tính là có thể quản lý, sử dụng, định đoạt. Còn ảnh, clip và hình ảnh, thông tin cá nhân thuộc về quyền nhân thân, là quan hệ nhân thân chứ không phải là quan hệ tài sản.

Người giữ hình ảnh, thông tin cá nhân chỉ có thể sử dụng vào các mục đích hợp pháp, không được sử dụng hình ảnh đó để bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác.

Do đó, việc cầm cố, thế chấp cho các khoản vay bằng các hình ảnh nhạy cảm không được xác định là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự một cách hợp pháp. Đây chỉ là phương thức thủ đoạn, là cách thức để các đối tượng cho vay nặng lãi có thể sử dụng để đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân, buộc nạn nhân phải trả nợ.

Bộ Luật hình sự quy định, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác khiến người bị đe doạ lo sợ, miễn cưỡng phải giao tài sản cho người đe doạ, hành vi dọa tung hình ảnh, video nhạy cảm của người vay nợ để đòi nợ là hành vi Cưỡng đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 170 BLHS năm 2015.

Trường hợp chủ nợ tung các clip khiêu dâm, những hình ảnh có yếu tố đồi truỵ của “con nợ” lên không gian mạng thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo điều 326 BLHS năm 2015, với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể đến 15 năm tù

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối tượng cho vay tiền hoặc người đòi nợ sử dụng hình ảnh nhạy cảm của người vay tiền để đe dọa, uy hiếp tinh thần họ nhằm đòi nợ không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.

Luật sư Cường cũng cho rằng, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định, pháp luật cho phép cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch vay tài sản theo quy định của bộ luật dân sự. Đối với những tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính cho vay phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Bộ luật Dân sự quy định vay tài sản (vay tiền) là quan hệ dân sự, các bên giao dịch trên cơ sở tự nguyện, 2 bên có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không được quá 20% một năm. Trường hợp thỏa thuận lãi suất vượt quá mức quy định nêu trên thì pháp luật không thừa nhận và còn có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Như vậy, trong mọi trường hợp lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là 1,666%/tháng.

Đối với các tổ chức tín dụng được thành lập hợp pháp, ngoài việc tuân thủ các quy định của bộ luật dân sự, các tổ chức này còn phải tuân thủ các quy định của luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, mức lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.

Trường hợp cho vay tiền mà lãi suất vượt quá 5 lần mức nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo điều 201, BLHS năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.