Thầy Viễn trong tôi...

GD&TĐ - Tôi tự cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc được là một học trò trong ngàn vạn học trò của GS. NGND. Lê Trí Viễn...

Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn.
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn.

Bài viết này được hoàn thành trong thời gian rất ngắn, do tác giả nhận được giấy mời dự Hội thảo khoa học “Lê Trí Viễn – một đời với nghề, một đời với văn” trong khoảng thời gian không nhiều trước khi bắt đầu. Vì lẽ đó, những gì ghi lại trong trang giấy là những hồi ức, cảm xúc chân thật, nhưng là những cảm hứng bất ngờ, bộc phát, những ấn tượng đọng lại trong tim, trong ký ức; khác với các công trình nghiên cứu công phu và toàn diện đã in trong kỷ yếu Hội thảo.

Tôi tự cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc được là một học trò trong ngàn vạn học trò của GS. NGND Lê Trí Viễn.

Từ thuở còn là một học sinh phổ thông, chưa hề đặt chân đến cửa đại học bao giờ, tôi đã may mắn đọc được một vài chương viết về Truyện Kiều của GS. Lê Trí Viễn.

Thú thật, dù giáo trình thầy viết cho sinh viên đại học, nhưng đọc thầy, tôi như bị hớp hồn. Tôi cảm thấy mình như con ong mật nhỏ bé tình cờ rơi vào dòng mật ngọt chưa từng biết, chưa từng được thưởng thức. Và đó có lẽ cũng là một trong những lý do khiến tôi quyết tâm thi vào khoa Văn của đại học.

Về sau, khi trở thành học trò của thầy, tôi còn nhận ra mình là người thích đọc văn, cảm thụ văn có phong cách viết như thầy: trữ tình, sâu mà nhẹ, thanh thoát, lãng mạn. Có lẽ (có lẽ thôi), chắc cũng vì vậy mà khi thầy làm chủ nhiệm khoa, khi khoa tổ chức các kỳ thi sinh viên giỏi văn cho khóa học năm thứ hai, thứ ba do thầy Viễn làm chủ khảo, tôi đều được thầy chấm đạt giải nhất. 

GS. NGND. Lê Trí Viễn không chỉ nghiên cứu, giảng dạy Nguyễn Du, Hán Văn, văn Nôm mà thầy còn là người trực tiếp hướng dẫn, cùng sinh viên thực hiện nhiều chuyến đi điền dã, sưu tầm văn học, nghiên cứu giảng dạy  văn học dân gian.
Một lần ngồi dự bài giảng của thầy, bài ca dao - dân ca:

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Đang say sưa phân tích sự gian khổ của người phụ nữ thầy bỗng khựng lại, cả lớp bỗng lặng nhìn, thấy trên đôi mắt thầy long lanh những giọt nước mắt. Trong lớp, một số học viên là cán bộ quản lý của các sở giáo dục cử đi học, nhất là những học viên nữ cũng rưng rưng nước mắt. Bài giảng của thầy thật truyền cảm. Trong những giọt nước mắt của thầy, học viên như thấy phản chiếu cảnh đầu tắt, mặt tối của những người mẹ, người phụ nữ xưa, thấy cuộc sống cô Tấm, nàng Kiều, chị Dậu…

Kiến thức thầy truyền đạt uyên thâm, tâm hồn thầy cao lộng, trái tim thầy giàu cảm xúc luôn cùng nhịp đập với những thân phận  mong manh cánh chuồn. Thầy thật sự nhập vai và thầy cũng làm người nghe nhập vai, nhập cảnh với nhân vật, hình ảnh.

Nói những điều vừa rồi, chắc người ít biết thầy tưởng thầy là con người ủy mị, ướt át, thư sinh, yếu đuối! Không phải vậy đâu!
Khi là chủ nhiệm khoa, thầy đã đưa sinh viên về các khu sơ tán ở vùng quê hẻo lánh để tránh bom đạn Mỹ. Trong bom rơi lửa đạn, thầy đã ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng học hành/ nghiên cứu) với sinh viên. Một lần nọ tổ chức lễ khai giảng năm học mới của khoa trên cánh đồng trơ gốc rạ sau thu hoạch, thầy đã lệnh cho đội tự vệ nổ ba phát súng trường, để sau đó lời thơ của thầy vang xa như Hịch tướng sĩ
:

Khai giảng năm nay có bắn súng
Tiếng súng nôn nao cả tấm lòng
Xin nguyện được làm viên đạn nhỏ,
Khỏi nòng chỉ biết có xung phong.

Tôi cũng không quên một kỷ niệm nhỏ: Có lần tôi gửi cho thầy lá đơn ngắn, xin phép thầy tạm rời huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) nơi sơ tán để về Hà Nội tiêm vắcxin phòng dại do bị chó chủ nhà cắn vào ống chân. Vì sơ sót và chủ quan, tôi viết trong đơn thừa một chữ. Thầy có đến hai lần ân cần nhắc nhở phê bình. Tôi nhớ mãi những lời phê bình bổ ích ấy cho mãi đến bây giờ.

Thầy GS. NGND. Lê Trí Viễn của chúng tôi là thế! Đa tài, đa cảm, hào hoa, nghiêm khắc, miệt mài, hướng thượng. Để kết thúc đôi lời tưởng niệm, tôi muốn được gửi đến anh linh của thầy đôi vần thơ sau đây:

GS. Lê Trí Viễn trong tôi

Thái Sơn vươn đỉnh trời sao,
Công trình nghiên cứu chất cao quá đầu
Học trò lớp trước, lớp sau,
Vinh quang thầy Viễn, ước ao bao người. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ