GS-NGND Lê Trí Viễn: Một lối tài hoa qua muôn nẻo lối đời

GS-NGND Lê Trí Viễn: Một lối tài hoa qua muôn nẻo lối đời
GS-NGND Lê Trí Viễn sinh ngày 10-3-1919 tại Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dạy tiểu học từ 1939 tại Điện Bàn, dạy trung học tại chiến khu Liên khu IV và V, dạy đại học tại ĐHSPHN từ 1958 - chủ nhiệm khoa Ngữ văn ĐHSPHN (1963 - 1978), sau đó chuyển vào giảng dạy tại ĐHSP TPHCM. Ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư (1980) và danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1990).

Từ những việc làm pha nước, giã vôi...

 Biết tính thầy rất chính xác giờ giấc, tôi đi sớm hơn bình thường, tính đến trước 15 phút, đứng cho hoàn hồn 5 phút, bấm chuông người nhà mở cửa 5 phút, vô phòng khách đợi thầy ra sớm 5 phút - chắc thầy sẽ vừa lòng với việc “đúng giờ” của tôi. Ngặt nỗi đường đi bị kẹt xe mấy chặng đang sửa - chuyện thường ngày ở TP HCM hiện nay, tôi tới nơi trễ 15 phút (tức trễ nửa tiếng so với dự định ban đầu). Thầy không rầy nhưng có ý nhắc lại chuyện mới đây, một cô sinh viên trễ hẹn gần một tiếng đồng hồ, thầy dứt khoát không tiếp dù không phải đi đâu. Ở nhà nhưng thầy không rảnh cho những chuyện ngoài “chương trình”. GS-NGND Lê Trí Viễn là con người của công việc, là một Homo Eges (con người hành động), không phải loại “lý thuyết suông”.

Ông tâm sự: “Tôi sinh năm 1919 tại vùng quê Điện Bàn, Quảng Nam. Đầu tiên học ở nhà, sau đi học trường. Khoảng mười, mười hai tuổi, tại nhà tôi thường có những cuộc tụ tập bạn học, bạn văn của cha. Nhất là vào kỳ thi hương, khoảng 1930, cha tôi thi xong trường Nhì, vô trường ba. Mọi người tụ tập ngâm, bình thơ, câu đối… Tôi được sai đi pha nước, điếu đóm cho các cụ. Vừa làm, tôi vừa lõm bõm nghe các cụ ngâm, bình, đàm luận văn chương rất thích thú. Nhiều chữ tôi không hiểu, hỏi cha cắt nghĩa. Nghe cha giảng giải, tôi dần hiểu ra, thấy văn chương sao mà sâu sắc, thật đáng học, đáng làm theo.

Quê tôi mỗi dịp xây nhà thường có cánh thợ vôi, thợ nề. Mỗi lần xây nhà cả tháng trời. Những đêm có trăng, họ ới nhau tổ chức giã vôi cho nhuyễn. Lòng máng dài rộng cỡ chiếc bàn lớn, khúc tre làm chày dài khoảng thước bảy, đầu nhọn – hàng chục người vừa cầm chày đi giã chung quanh vừa hát. Đó là một hình thức sinh hoạt thơ ca dân gian. Tôi hay đi nghe họ vừa hát vừa làm. Rồi những cuộc hát đối đáp nam nữ, vừa khúc khích cười vừa hắng giọng - sinh động làm sao! Người ta buộc dải hát hò khi đi cấy, nhổ mạ, làm cỏ…Thơ văn dân gian đi vào người tôi từ tuổi nhỏ như thế. Nhiều câu còn bé chưa hiểu rõ, nhưng nó cứ xúc động rân rân lòng mình”.

Đang kể, GS Lê Trí Viễn bỗng ngâm lên mấy câu một cách tự nhiên, nghe sao mà thương:

Mẹ ơi đừng đánh con đau,

Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.

Hay như câu sau ngậm ngùi quá đỗi:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Ngóng về quê mẹ, ruột đau chín chiều…

Đặc biệt hồi nhỏ, tôi mê đọc những truyện như Chinh Đông chinh tây, Giọt máu chung tình, Tiết nhơn Quý… Bốn, năm đứa học trò rủ nhau đi học sớm, ghé bên đường một đứa đọc mấy đứa nghe. Chiều đi học về cũng vậy. Trong bài Về quê có nhắc lại kỷ niệm đó: “Chòi cao đọc Chinh Đông…”. Về sau ông sáng tác thơ. Và thơ ca đã giúp ông trong cuộc đời dạy học rất nhiều.

GS Lê Trí Viễn (thứ hai từ phải sang cùng các thế hệ học trò)
GS Lê Trí Viễn (thứ hai từ phải sang cùng các thế hệ học trò)

Tự học thi đỗ thủ khoa

“Nhà tôi được chín anh em, phần lớn không học được nhiều; chị Hai tôi lại bị chết trôi, tôi là Út nên mọi người khuyên không nên tắm sông. Nhưng đi trâu với bạn, lũ trẻ chúng tôi dĩ nhiên hè nhau tắm sông. Một lần tôi suýt bị chết đuối do bơi kém. Khi ra Huế, tôi quyết tâm đi học bơi một năm, thành một tay bơi có hạng. Khi về quê, tôi bơi một mạch qua sông hai lần không nhằm nhò gì. Ấy là bởi may mắn trong tôi sớm có được cái “Chí”: ý chí vượt khó và lòng ham mê văn chương.” - Ông kể.

Cũng nhờ có “Chí” mà khi học xong “cao đẳng tiểu học”, để đỡ gánh nặng cho gia đình nghèo, đông con, cậu Út Viễn học một năm sư phạm rồi đi dạy học. Năm 1939, Lê Trí Viễn bước vào nghề dạy học tại trường Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vừa dạy vừa tự học, Lê Trí Viễn nâng cao trình độ Hán Nôm tiếp thu từ người cha, tới mức sáng tác được những bài thơ bằng chữ Hán. Dạy học được một năm, coi như xong tập sự, đã tương đối thành thạo nội dung chương trình và các thao tác đứng lớp. Lê Trí Viễn xúc tiến việc tự học để nâng cao trình độ. Sau buổi dạy, thầy giáo trẻ đi hỏi những người hiểu biết, kiếm tài liệu mua về đọc, ghi và tự mình kiểm tra, đánh giá kết quả từng phần, từng bài… cứ thế thâu đêm cho đến khi đăng ký thi và đỗ tú tài 1.

Lạc quan trước kết quả bước đầu, Lê Trí Viễn xin nghỉ 1 năm để ra Huế kiếm cách “học tư”. Đọc đơn xin, ông Giám đốc giáo dục Trung kỳ thời ấy xúc động trước lòng hiếu học của một “thầy giáo-học trò”, liền quyết định cho Lê Trí Viễn về làm chân giám thị ở trường trung học Khải Định. Giữa đất kinh thành, vừa làm giám thị vừa “học mót”, sau 6 năm, chàng giám thị đã thi đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài 2 ngành Triết năm 1945 (thi tú tài 2 thời ấy chỉ có hai ngành là Toán và Triết). Cả khóa thi chỉ 15 người thi đỗ. Nhớ lại “thời thanh niên sôi nổi”, vị GS già nói: “ Tự học mà thi được như thế là vì mình có ý chí, lại biết chuẩn bị kiến thức các mặt đều được chu đáo”.

Lối đi riêng trên con đường lớn

Cách mạng tháng Tám thành công, hòa với niềm vui chung của dân tộc, Lê Trí Viễn đặt hoài bão “nghĩ mình phải có trình độ đọc đông tây kim cổ”, thâu tóm sách vở, tinh hoa thế giới qua tiếng Hán và tiếng Pháp, có ý chuyển qua “văn nghệ”, tìm tòi sáng tác. Điều này rất khả quan vì thi tài đã xuất lộ nơi nhà giáo trẻ với những bài thơ mang đậm một cá tính sáng tạo như Vườn khuya (1940), Tới đây (1942), Bào Nghi Châu (1943)… Là đồng nghiệp cũng là bạn thơ rất thân của Khương Hữu Dụng, Trinh Đường, Lê Trí Viễn cũng chơi với nhóm thơ Bích Khê, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…Phong cách thơ của Lê Trí Viễn tiếp tục phát triển sau cách mạng tháng Tám, từ các bài Xuân, Tuổi xanh Nam Bộ, Lúa (1947)…

Ở chiến khu gian khổ, điều Lê Trí Viễn băn khoăn nhất không phải ở hay về mà là việc chọn con đường chuyên môn nào để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được tốt nhất. Với thi tài khá nổi bật, Lê Trí Viễn hoàn toàn có thể đi làm văn nghệ chuyên nghiệp. Ông tâm sự: “Với bằng tú tài thời ấy, dạy học tư và làm văn nghệ tốt. Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Võ Nguyên Giáp… từng làm thế ở Hà Nội, Sài Gòn. Song kẹt nỗi đi chiến khu, người ta cần dạy học, thế là tôi dạy học mãi tới giờ…”.

Chương trình “trung học chuyên khoa” (cấp 3 sau này) có môn khó là “Lịch sử văn học”. “Chỉ anh Hoài Thanh mới có thể dạy môn này!”, - GS Lê Trí Viễn nhớ lại. Tại chiến khu Tuyên Hóa (Quảng Bình), bằng trí nhớ và một ít tài liệu tham khảo thu thập được, Lê Trí Viễn đã trở thành “người viết văn học sử đầu tiên” kiêm giáo viên đứng lớp. Từ trường Phan Bội Châu tới trường Khải Định (sau đổi thành trường Huỳnh Thúc Kháng), Lê Trí Viễn tiếp tục viết bộ Lịch sử văn học Việt Nam - Thời đại Lê Mạt-Nguyễn Sơ. Đây là cuốn giáo trình văn học đầu tiên được viết theo quan điểm Mác xít ở Việt Nam. Theo lời tác giả, sách viết ra ở khu 4 song phải tới 1951, khi trở về công tác ở khu 5, dạy trường Lê Khiết, mới in ra được.

Ở chiến khu, vừa dạy học, Lê Trí Viễn vừa sáng tác. Ông đã viết nhiều bài thơ, cả chục truyện ngắn, bút ký, in báo và tạp chí. Và cũng đã hai lần, nghiệp sáng tác văn chương lôi kéo thầy giáo-thi nhân này, song cũng hai lần, ngành giáo dục đã giữ chân ông lại. Lần thứ nhất năm 1946, khi lên chiến khu, “xin ở lại làm văn nghệ” nhưng ông Trần Quý Hai – tư lệnh Liên khu Tư, lại phân công đi dạy vì giáo dục cách mạng cần người. Lần thứ hai - năm 1955, khi tập kết ra Bắc, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh và Tế Hanh kéo qua “làm văn nghệ”, song ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Nha Giáo dục khi ấy, thay vì ký đơn xin chuyển, lại ghi: “Anh phải về ĐHSP dạy, đang thiếu người lắm!”.

Ngoài sáng tác và dạy học, nghiên cứu, GS-NGND Lê Trí Viễn còn là một dịch giả lớn. Với bút danh Dư Lê, ông đã dịch nhiều bài thơ yêu nước, chống thực dân Pháp của các chí sĩ Việt Nam cuối XIX – đầu XX, dịch giả một số tác phẩm văn học Pháp và Anh như tiểu thuyết nổi tiếng Những người khốn khổ của Victor Hugo… Dịch văn chương từ nhiều thứ tiếng như thế ở Việt Nam phải cỡ Phan Ngọc, song dịch thơ cho đáng bậc tài hoa như thế chắc chỉ có… chính ông - GS-NGND Lê Trí Viễn. Vâng, sống và làm nghề dạy học thì phải “tuỳ duyên”, song cái ông làm được là một lối đi riêng, rất đậm một phong cách tài hoa mang tên Lê Trí Viễn!

Vũ Nguyên Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.