Thầy Tưih chắp cánh cho thổ cẩm

GD&TĐ - Ông Ayăm, phụ huynh em Hjnh (Trường Tiểu học Ia Băng) tâm sự: “Mình biết ơn thầy Tưih lắm. Vì thầy đã quan tâm, lo lắng việc học hành cho con mình”.

Thầy Tưih chỉ bảo tận tuỵ cho các em học sinh.
Thầy Tưih chỉ bảo tận tuỵ cho các em học sinh.

Ngoài nhiệt huyết với nghề, thầy Tưih cũng là người góp phần gìn giữ văn hóa thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Mình biết ơn thầy Tưih lắm!

Thầy Tưih, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Ia Băng (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) sinh ra và lớn lên từ làng làng Dur (xã Glar). Từ nhỏ, thầy đã quen với cuộc sống khó khăn, gian khổ. Những ngày mùa cả nhà lên nương làm rẫy, trẻ con thì ở nhà tự lo học hành, chăm sóc bản thân. Do đó, khi lớn lên, Tưih quyết tâm trở thành giáo viên để dạy dỗ, quan tâm cho trẻ em trong làng.

Thầy Tưih cho hay, vừa qua dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Gia Lai. Chính vì vậy, các em phải nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Khi tình hình dịch ổn định, học sinh quay trở lại trường. Tuy nhiên, nhiều em ngại đến lớp nên thầy cô phải đến từng nhà vận động học sinh ra trường.

“Những ngày sau thời gian nghỉ dịch, lễ Tết các em học sinh thường “quên” đến lớp. Do đó, giáo viên phải đến từng nhà, vận động đưa học trò quay trở lại trường. Trời nắng thì đỡ, đến mùa mưa ở Tây Nguyên thì đất đai sình lầy, bám dính. Khi giáo viên đưa được trò đến trường thì cả thầy và trò đều lấm lem bùn đất. Cực nhất là những ngày mùa, phụ huynh lên nương, các em tự lo chăm sóc bản thân. Không những vậy có những em học sinh theo bố mẹ lên nương rẫy”, thầy Tưih nói.

Không chỉ quan tâm, sâu sát với trò trên trường lớp, những khi rảnh rỗi thầy Tưih chủ động dạy miễn phí cho học sinh. Năm học 2020 - 2021, khi phát hiện học sinh lớp mình có 9 em chưa thuộc bảng chữ cái, thầy Tưih đã chủ động lên phương án dạy phụ đạo cho các em. Qua thời gian dài với sự cố gắng và nỗ lực của thầy và trò, đến nay các em đã thuộc mặt chữ cái.

Thầy tâm sự: “Các em học sinh nơi đây đa số có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Bố mẹ bận làm nương rẫy, lo cho cuộc sống nên ít có thời gian quan tâm con em mình. Do đó, thành tích học tập của học sinh không được cao. Thương trò, mình chỉ biết hỗ trợ, mang con chữ đến gần hơn với các em. Có con chữ mới hy vọng thoát khỏi cái đói nghèo bao đời nay”.

Ông Ayăm, phụ huynh em Hjnh (Trường Tiểu học Ia Băng) tâm sự: “Mình biết ơn thầy Tưih lắm vì đã quan tâm, lo lắng việc học hành cho con mình. Nhà nghèo nên gia đình quanh quẩn bên nương rẫy nên không có thời gian chỉ bảo con học tập. May mắn thầy Tưih thường xuyên quan tâm, dạy cho con mình biết chữ. Không những vậy thầy còn hay đến nhà dạy kèm thêm cho con nên giờ cháu mới đạt được học sinh khá. Mình sẽ cố gắng làm lụng, kiếm tiền để lo cho con được học đến nơi, đến chốn không phụ lòng mong mỏi của thầy cô”.

Thầy Tưih và bố mẹ trong bộ ảnh cưới với trang phục vải thổ cẩm truyền thống, đan xen nét hiện đại.
Thầy Tưih và bố mẹ trong bộ ảnh cưới với trang phục vải thổ cẩm truyền thống, đan xen nét hiện đại.

Ước mơ đưa thổ cẩm vươn xa

Không chỉ sâu sát với học trò, từ nhỏ thầy Tưih đã lớn lên bên khung dệt của mẹ. Những tấm vải thổ cẩm đầy màu sắc đã theo Tưih suốt năm tháng tuổi thơ. Khi ước mơ trở thành thầy giáo đã thành hiện thực, thầy Tưih mong muốn phát triển, đưa những tấm vải thổ cẩm của làng vươn xa hơn.

Tuy nhiên, trước việc những bộ trang phục bằng thổ cẩm dần bị mai một thầy Tưih suy nghĩ, phát triển theo hướng hiện đại. Sau nhiều đêm thao thức, Tưih quyết định sẽ phát triển trang phục truyền thống thổ cẩm theo xu hướng hiện đại.

Nghĩ là làm, thầy Tưih lên ý tưởng kết hợp vải thổ cẩm với kiểu dáng của váy cưới hiện đại, nhưng vẫn tôn lên nét đẹp, sự nhẹ nhàng của người phụ nữ Bana.

“Mỗi dân tộc đều có một nét đẹp truyền thống riêng. Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội thì thị hiếu của người dân dần chuyển sang những cái hiện đại. Với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, mình muốn kết hợp nét hiện đại trong cái truyền thống. Do đó, sau khi lên ý tưởng, thiết kế mình sẽ nhờ những thợ có kinh nghiệm may thành những chiếc váy cưới.

Những sản phẩm đầu tiên ra đời mình giành tặng bố mẹ, người đã có công sinh thành, dưỡng dục mình. Mình đã chụp hình để lưu lại kỉ niệm cho bố mẹ. Thông qua bộ ảnh cũng lan tỏa được bản sắc dân tộc và vẻ đẹp của quê hương nơi mình sinh sống.

May mắn, khi những bộ trang phục, bức ảnh được hoàn thiện mình nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Những niềm động viên của người thân, bạn bè và nhiều người trên mạng xã hội tiếp thêm động lực để mình cố gắng, phát triển ý tưởng”, thầy Tưih tâm sự.

Theo thầy Tưih, sau những sản phẩm đầu tiên làm ra, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tìm đến hỏi mua. Bên cạnh đó, một số người nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác, phát triển áo cưới thổ cẩm. Tuy nhiên, thầy Tưih chưa đồng ý do cần thêm thời gian để hoàn thiện sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ