Bà Mlốp kẽo kẹt giữ hồn thổ cẩm

GD&TĐ - Lo lắng nghề dệt thổ cẩm bị mai một, bà Mlốp sẵn sàng truyền dạy lại cho bất kì người nào đam mê. Những người đến đây được bà Mlốp chỉ dạy từ chọn bông, chỉ, nhuộm màu…

Bà Mlốp sẵn sàng truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho bất kì ai muốn học chứ không giữ riêng cho gia đình.
Bà Mlốp sẵn sàng truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho bất kì ai muốn học chứ không giữ riêng cho gia đình.

Tiếng kẽo cà kẽo kẹt ngày một nhiều hơn dưới nóc nhà bà Mlốp. Nghề dệt truyền thống được nhân rộng trong nhiều làng ở xã Glar.

Không giữ nghề cho riêng mình

Đối với người bản địa Tây Nguyên, văn hóa truyền thống dân tộc chính là những điều quý báu nhất mà ai nấy đều muốn gìn giữ đến nhiều đời.

Đàn ông, con trai Tây Nguyên phải biết đan lát, săn bắt, đánh cồng chiêng. Còn đàn bà, con gái phải biết dệt vải, múa xoang, nội trợ. Qua thời gian, nhiều nét văn hóa dần bị mai một, nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn được người Bana gìn giữ với mong muốn truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Bà Mlốp (xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) từ ngày còn nhỏ đã quen thuộc với hình ảnh những tấm vải thổ cẩm đầy màu sắc, họa tiết hoa văn. Khi đó, bà thường được mẹ cõng đi hái trái bông, tìm sợi chỉ và nghe tiếng khung cửi dệt đều mỗi đêm.

Đến năm lên 10 tuổi, bà Mlốp được mẹ dạy dệt thổ cẩm. Những ngày đầu làm quen, bà học se chỉ, tập dệt những họa tiết đơn giản. Sau khi thuần thục hơn bà bắt đầu dệt những họa tiết khó, đan xen nhiều màu sắc và đòi hỏi kĩ thuật cao.

Đều tay bên khung dệt, bà Mlốp cho hay, trước đây trong làng nghề dệt không phải ai cũng biết làm. Đối với nghề này chỉ có những gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm mới có thể truyền lại cho nhiều thế hệ. Bởi để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải cần sự nhẫn nại, tỉ mỉ và khéo léo. Đặc biệt, người dân trong làng không truyền dạy cho nhau, chỉ gìn giữ trong gia đình.

Trước đây, tấm vải thổ cẩm được làm nên từ sợi bông ở rẫy xa. Khi đó, những thiếu nữ người Bana lại rủ nhau lên rừng tìm hái quả bông gòn đã nở bung mang về nhà. Mỗi người một việc, chia nhau gánh nước, tách hạt bông rồi đem phơi khô để quay thành sợi.

Để tạo màu cho sợi, thiếu nữ lại vào rừng lấy lá, hoa rừng, rau, củ đem giã rồi ngâm với sợi trong chum. Khi sợi đã nhuốm màu, từng tảng bông được mang ra nắng phơi để tạo hương thơm và độ bền.

Bà Mlốp cho hay, để dệt được một tấm vải thổ cẩm không chỉ trong ngày một ngày hai mà có khi mất vài tuần hoặc cả tháng. Cái khó nhất là luồn chỉ và tạo hoa văn trên vải. Các hoa văn trên vải thổ cẩm thường được mô phỏng hình ảnh của hoa lá, cỏ cây và muôn loài.

“Trước đây, người dân trong làng chỉ dệt thổ cẩm để sử dụng trong gia đình hoặc đổi heo chứ không bán. Vào những dịp lễ hội của làng, mọi người sẽ mặc bộ trang phục do chính tay mình dệt nên. Bộ trang phục nào đẹp, nhiều hoa văn, màu sắc thì chứng tỏ người mặc rất tinh tế, khéo léo. Người không biết dệt phải chăm chỉ nuôi heo để đổi lấy trang phục thổ cẩm để mặc trong dịp lễ hội, tết đến xuân về”, bà Mlốp tâm sự.

Tuy nhiên, qua thời gian nhiều thế hệ trẻ trong gia đình không còn hứng thú với nghề dệt. Lo sợ nghề truyền thống của dân tộc mình bị mai một nên năm 1982, sau khi lập gia đình bà Mlốp mong muốn truyền dạy lại cho những ai đam mê, muốn học chứ không chỉ giữ cho riêng gia đình.

Bà Mlốp say mê với nghề dệt thổ cẩm.
Bà Mlốp say mê với nghề dệt thổ cẩm.

Truyền dạy cho những người đam mê

Khi hay tin bà Mlốp sẵn sàng truyền dạy lại cho bất kì người nào muốn học, phụ nữ và các cô gái gần xa trong làng kéo nhau đến học. Ban đầu lớp học chỉ lác đác vài người, về sau lên đến vài chục, cả trăm người.

Có những người đến chỉ học được vài ngày rồi từ bỏ do không đủ kiên nhẫn. Tuy nhiên lại có những người mặc dù làm hư hỏng rất nhiều sợi chỉ nhưng vẫn cố gắng để học với hy vọng có thể giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình.

Những người đến đây được bà Mlốp chỉ dạy từ chọn bông, chỉ, nhuộm màu… Tiếng kẽo cà kẽo kẹt ngày một nhiều hơn dưới nóc nhà bà Mlốp. Nghề dệt truyền thống được nhân rộng trong nhiều làng ở xã Glar. Đến năm 2006, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập với 30 thành viên. Sau hơn 10 năm, HTX đã thu hút hơn 300 người tham gia dệt thổ cẩm.

Theo bà Mlốp hiện nay, nghề dệt thổ cẩm không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn giúp phụ nữ trong làng tăng thu nhập cho gia đình. Những cô gái, phụ nữ trong làng sẽ dệt vải, trang phục, túi xách… theo các đơn đặt hàng. Sau đó, HTX sẽ đứng ra chuyển các đơn hàng đến người đặt.

Chị Bleng - thành viên của HTX cho biết, chị đã tham gia HTX được hơn 5 năm nay. Ban đầu chưa quen với khung dệt chị gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, tay còn cứng, chưa dẻo dai nên những đường dệt còn thô, cứng. Dần dần chị được bà Mlốp chỉ dạy, tay nghề cũng trở nên khéo léo và tỉ mẩn hơn. Những tấm vải, trang phục của chị cũng trở nên cầu kì, bắt mắt với nhiều hoa văn độc đáo.

“Từ ngày tham gia HTX và được truyền dạy lại nghề dệt truyền thống mình rất vui và hạnh phúc. Bản thân mình giờ đây không chỉ có thể gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, mà còn có thể tăng thu nhập nhờ bán các sản phẩm thổ cẩm”, chị Bleng nói.

Gương mặt rạng ngời, bà Mlốp tâm sự, bà có 3 cô con gái, may mắn thay 2 người say mê nghề dệt truyền thống. Tuy nhiên, thời gian rảnh rỗi, cô con gái còn lại vẫn ngồi vào khung dệt, học mẹ từng đường chỉ, cách tạo họa tiết.

Hàng ngày, mẹ con bà Mlốp quây quần bên khung dệt, chia sẻ, tâm sự về cuộc sống và những hoa văn độc đáo trên tấm vải truyền thống. Từng tiếng kẽo kẹt vang lên trong khung dệt là những tấm vải, trang phục… được tạo ra.

“Mình mê dệt thổ cẩm lắm. Do đó, ngoài những lúc lên nương trở về nhà mình liền ngồi vào khung dệt. Khi mình tạo ra những tấm vải, bộ trang phục đầy màu sắc, hoa văn mình rất vui và hạnh phúc. Tuy nghề này vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức nhưng nếu ai say mê thì không còn thấy khó khăn nữa.

Mình mong muốn có thể truyền dạy cho nhiều thế hệ để nghề dệt thổ cẩm không bao giờ bị mai một. Năm 2009, tại Lễ hội Festival Cồng chiêng quốc tế tổ chức tại Gia Lai, HTX đã hoàn thành và bán được 2.000 chiếc túi xách thổ cẩm tại lễ hội”, bà Mlốp chia sẻ.

Với tâm huyết và những cống hiến trong công cuộc giữ gìn và nhân rộng nghề dệt thổ cẩm ở các làng đồng bào DTTS, bà Mlốp vinh dự là một trong những đại biểu tiêu biểu được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II, năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.