Với phương châm dạy đâu chắc đó, thầy trò vùng biên từng bước làm chủ chương trình, ngữ liệu trong SGK và linh hoạt phương thức dạy học.
Áp dụng đồng bộ các giải pháp
Trường Tiểu học Thanh Hưng (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có 523 học sinh, trong đó có 119 học sinh lớp 1. Là xã biên giới còn nhiều khó khăn, từ những năm học trước, Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với đặc thù của địa phương.
Thầy Trần Văn Xuyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Hưng cho biết: Chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học trước, chúng tôi bồi dưỡng đội ngũ, bố trí cơ sở vật chất phù hợp trong giảng dạy. Nhà trường cử giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Sau gần 2 tháng giảng dạy, giáo viên lớp 1 của trường đã linh hoạt tổ chức các nội dung giảng dạy để đạt kết quả cao nhất.
“Từ đầu năm đến nay, trường tổ chức 4 chuyên đề, tập trung vào phương pháp dạy học và cách thức điều chỉnh nội dung bài học cũng như lên kế hoạch giảng dạy; tăng cường kiểm tra và tư vấn, rút kinh nghiệm cho giáo viên; tư vấn cách thức tổ chức dạy học cho học sinh với các bậc phụ huynh. Mục đích tạo sự đồng thuận, không gây áp lực với các con”, thầy Trần Văn Xuyên tâm sự.
Ngoài những giải pháp trên, BGH Trường Tiểu học Thanh Hưng còn chủ động tham mưu, đề xuất với phòng GD&ĐT huyện tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề cấp trường, cụm trường. Qua đó tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình dạy học của giáo viên. Tại trường, BGH nhà trường cũng chú trọng tới bồi dưỡng chuyên môn tại chỗ cho giáo viên.
Cô Bùi Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Nhà (huyện Điện Biên) cho hay: Giai đoạn đầu, giáo viên dạy lớp 1 vất vả vì các con từ mầm non lên, chưa thông thạo tiếng Việt, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Vì thế, BGH phải lựa chọn giáo viên là người dân tộc thiểu số, hoặc giáo viên người Kinh phải biết tiếng địa phương để giao tiếp. Quá trình giảng dạy, giáo viên phải phát âm bằng hai thứ tiếng nhằm vừa dịch, vừa dạy, truyền đạt làm sao để các con hiểu được bài. Sau thời gian nỗ lực đến nay cơ bản học sinh lớp 1 cũng đã biết được tiếng phổ thông. Quá trình truyền thụ kiến thức cũng dễ dàng và hiệu quả hơn.
Ưu tiên GV cốt cán cho lớp 1
Trường Tiểu học Thanh Hưng có 4 lớp 1 với 119 học sinh. 4 giáo viên cốt cán, nhiều kinh nghiệm, dạy giỏi được phân công phụ trách giảng dạy chính ở những lớp học này. Lý giải về vấn đề trên, thầy Trần Văn Xuyên cho rằng: Ưu tiên GV giỏi cho lớp 1 sẽ phát huy được kinh nghiệm sẵn có trong quá trình giảng dạy.
Cũng theo thầy Xuyên, với bộ sách điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục, đội ngũ giáo viên nhà trường đã khai thác hệ thống địa chỉ hành trang số, lấy đó làm học liệu tổ chức dạy học. Trong quá trình dạy học, nhà trường cũng linh hoạt tổ chức 2 tiết mở, điều chỉnh phù hợp với năng lực của mỗi học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn dạy bồi dưỡng, như bù đắp cho học sinh yếu.
Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong dạy học, cô Trần Thị Loan được BGH Trường Tiểu học Thanh Hưng lựa chọn giảng dạy lớp 1 nhằm phát huy năng lực và kinh nghiệm trong giảng dạy để có kết quả cao nhất.
“Qua quá trình giảng dạy, chúng tôi tự rút ra nhiều kinh nghiệm để vận dụng một cách hiệu quả. Để đáp ứng mục tiêu Chương trình SGK mới, chúng tôi phải vận dụng tốt những học liệu có trên Internet, ví dụ như “hành trang số”. Ở đây học liệu rất cụ thể, các câu chuyện được kể rõ ràng. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như truyền thụ bài tốt nhất, GV phải linh hoạt thời gian dạy tiếng Việt cho học sinh. Có thể dạy các em trong giờ học chính khóa hoặc qua hoạt động khác…”, cô Trần Thị Loan chia sẻ.