Thầy trò vùng biên lo Tết

GD&TĐ - Tết Nguyên đán 2017 tới đây, các em học sinh Cơ Tu Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) sẽ đón một cái Tết sung túc hơn Tết mấy năm trước. 

Thầy trò vùng biên lo Tết

Đó không phải lời hứa hẹn, đó là thành quả từ bầy heo bầy gà do các em tự tay chăm sóc theo sự hướng dẫn của các thầy cô trong suốt năm học vừa qua; đồng thời từ nguồn thu của chương trình bán đặc sản địa phương để gây quỹ hỗ trợ học sinh, do các thầy cô trong nhà trường triển khai, đang đem lại hiệu quả tích cực.

Chuồng trại của em

Đầu năm học này, nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết với các mối quan hệ rộng khắp của thầy Nguyễn Quang Tuấn - Phó Hiệu trưởng của Trường, Câu lạc bộ sức trẻ Đà Nẵng đã hỗ trợ cho Trường Nguyễn Văn Trỗi 14 con heo với trị giá 20 triệu đồng. Từ tiền vận động nhiều nguồn, thầy Nguyễn Quang Tuấn cũng xuống đồng bằng mua gần 300 con gà, các nhà hảo tâm còn tài trợ kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học (ủ men Balasa N01 và cám gạo) nên mức độ ô nhiễm không khí gần bằng không.

Có con giống rồi, các thầy cô giáo lại cùng học sinh đi chặt cây, mua lưới về làm chuồng, rồi thành lập ra hai tổ chăn nuôi. Mỗi tổ có 5 em học sinh (lớp 8, lớp 9) và 3 giáo viên. Các tổ thay phiên nhau đi lấy rau, nấu cám, quét dọn chuồng trại, tắm heo.

“Năm nay, thời tiết thuận lợi, cộng với việc được tiêm phòng nên đàn gà không dịch bệnh. Nhìn heo gà lớn nhanh mình vui lắm” - thầy Tuấn tự hào nhìn thành quả đang ngày càng rõ nét của thầy và trò vùng cao này. Còn em Pơ Loong Thị Na (lớp 8) tâm sự: “Được tham gia nuôi heo gà cùng các thầy, em thích lắm, vì không chỉ đã làm được việc có ích, mà đây cũng là bài học thực tế của chúng em”.

Tâm sự của Na là hoàn toàn có lý, bởi lẽ theo thầy Nguyễn Quang Tuấn, từ những đàn heo, đàn gà này nhà trường sẽ có tiền để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo, giúp các em rèn luyện kỹ năng tự lập, tính siêng năng, chịu khó cho các em, giúp các em trưởng thành hơn. Hơn nữa, những đàn heo, đàn gà này còn là những công cụ giáo dục trực quan sinh động, bổ sung các kiến thức thực tế vào kiến thức các em đã được học trong lớp.

Sự hỗ trợ âm thầm của thầy cô

Việc xây dựng chuồng trại, chia nhau chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, dù rất bổ ích, nhưng theo thầy Nguyễn Quang Tuấn, nguồn thu lợi tức lại không đáng là bao, hầu như chỉ đủ để trang trải các chi phí cần thiết như mua trang phục cho mỗi em đủ ấm đến trường, hỗ trợ thêm bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho các em. Các học sinh trong trường đều học xa nhà, điều mong muốn của các thầy cô là khi về nghỉ tết, bên cạnh kết quả học tập khoe cha mẹ, các em còn có một phần quà thiết thực góp Tết cùng gia đình.

Triển khai thêm các công tác tăng gia cho các em thì không được, vì phương châm vẫn là để các em làm quen với lao động, còn nhiệm vụ chính vẫn là học tập và rèn luyện. Đi xin nguồn tài trợ cũng không ổn, suy nghĩ mãi, thầy Tuấn nảy ra ý tưởng triển khai chương trình “Bình rượu – Quà xuân”, bán rượu ba kích - một đặc sản của huyện miền núi Tây Giang, để gây quỹ cho các em.

Nghĩ ra chương trình này, theo thầy Tuấn, cũng vì thầy được biết người nhà của một cán bộ trong Ban Giám hiệu nhà trường kinh doanh rượu sâm ba kích có tiếng ở địa phương, hoàn toàn có thể hỗ trợ nguồn hàng. Mang trao đổi ý tưởng này, thầy Tuấn được các thầy cô hưởng ứng ngay, đặc biệt người nhà của cô giáo trong Ban Giám hiệu cảm kích đến mức đồng ý để lại loại rượu ngon nhất với giá vốn để thu lãi cho chương trình.

Có nguồn hàng rồi, thầy Tuấn cho đăng lên Facebook cá nhân, giới thiệu rộng khắp, cũng nói rõ luôn mục đích của việc “kinh doanh” này, giá bán lại rẻ hơn thị trường (300.000 đồng/lít, trong khi giá thị trường là 350.000 đồng/lít). “Cũng không nghĩ người mua lại nhiều đến thế, từ Tam Kỳ, Hội An của Quảng Nam cho đến cả bên Đà Nẵng, nhiều thầy cô quen biết đặt mua tặng người thân. Chắc nhu cầu của họ cũng không nhiều thế đâu, chỉ là ủng hộ chương trình là chính thôi”, thầy Tuấn chia sẻ.

Thầy Tuấn cũng cho biết thêm, với số tiền dư từ việc bán rượu, nuôi heo gà, sau Tết thầy sẽ gây một quầy tạp hóa nhỏ trong nhà trường, theo đó quầy tạp hóa sẽ cung cấp các vật dụng mà các em cần hàng ngày giá rẻ hơn so với ở quán; số tiền lời sẽ dùng để hỗ trợ mua thêm cho khẩu phần ăn của học sinh 3 bữa một ngày.

Kế hoạch này khá sáng sủa, khi một nhà hảo tâm ở Đà Nẵng mới đây đã hứa hỗ trợ cho chương trình hàng hóa như bút, sách, xà phòng… với giá rất rẻ, chương trình sẽ tận dụng để tạo nguồn lãi tuy không nhiều nhưng sẽ quay lại phục vụ các em.

Sự học của các em học sinh vùng biên giới rất khác với các em học sinh ở đồng bằng. Nơi đây, để các em tiếp tục gắn bó với con chữ thôi đã là một việc rất khó. Nên những chương trình như trên đã cải thiện thêm điều kiện học tập cho các em, còn gắn kết tình thầy trò, giúp các em gắn bó với trường lớp. Không riêng gì Trường PTDT BT THCS Nguyễn Văn Trỗi, nhiều trường khác ở Tây Giang cũng triển khai mô hình chăn nuôi như vậy.

“Dịp Tết mấy năm trước mình thường xin hỗ trợ từ đoàn từ thiện ở Đà Nẵng, Quảng Nam để lo Tết nhất cho các em… nhưng năm nay, với việc nuôi heo gà và việc bán rượu của thầy cô, các em sẽ có một cái Tết sung túc từ số tiền do chính các em tự tay làm ra” - thầy Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.