Thầy trò sáng tác truyện tranh giảm áp lực tuổi học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thầy Lê Văn Nam, giáo viên môn Hóa, Trường THPT Trần Văn Giàu (TPHCM) cùng 5 học trò đã sáng tác bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo”...

Bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo”.
Bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo”.

Bộ truyện mong muốn giải tỏa áp lực cho tuổi học trò này giành giải Nhì cấp quốc gia trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần 5” (SV.Startup) do Bộ GD&ĐT chủ trì.

Nhiều câu chuyện bổ ích

Theo chia sẻ của Nguyễn Mai Phương, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Trần Văn Giàu, truyện tranh “Chuyện của Mèo” được phát triển lên từ tập tranh “So sánh tình huống thực tế” do các thành viên trong nhóm thực hiện. Từ những trăn trở và khó khăn khi phải đối diện với áp lực mỗi ngày, cùng với sự hỗ trợ của thầy Nam, cả nhóm lên ý tưởng sáng tác bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo”.

Bộ truyện tranh gồm 6 tập. Nội dung lần lượt xoay quanh các tác động của áp lực ở tuổi học sinh gồm: Gia đình, nhà trường, bạn bè, xã hội, không gian mạng và bản thân từng học sinh. Mỗi tập có 10 câu chuyện nhỏ được in màu. Các câu chuyện không đặt nặng về bối cảnh mà tập trung vào những bữa cơm gia đình, chuyến dã ngoại hay bài kiểm tra để có thể mang đến cảm giác chân thực và dễ đồng cảm nhất đến bạn đọc.

Mai Phương chia sẻ: “Sau mỗi mẩu chuyện sẽ là những câu trích dẫn truyền động lực. Ở cuối mỗi cuốn truyện cũng có phần “Bài học trưởng thành” và “Tự đánh giá” để giúp các bạn giải toả áp lực bằng những hành động cụ thể nhất”.

Thầy Lê Văn Nam cho biết, bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo” được sáng tác từ tháng 12/2022 và hoàn thành các khâu in ấn vào cuối tháng 3/2023. Trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất đối với cả nhóm là quỹ thời gian. Các thành viên trong nhóm phải cân đối cả việc học, hoạt động ngoại khoá và sáng tác. “Các em đều là học trò hoặc tham gia dự án khác cùng tôi. Dựa trên điểm mạnh về mảng Văn, Toán hay Mỹ thuật…, tôi đã phát huy lợi thế của từng em. Điều đáng mừng là sau chuỗi ngày chạy “deadline”, 5 thành viên trong nhóm đã hiểu và làm việc rất ăn ý. Mỗi thành viên đều là một mảnh ghép không thể thiếu của cả nhóm”, thầy Nam nói.

Nguyễn Lê Quỳnh Anh, lớp 12A3, Trường THPT Trần Văn Giàu, thành viên của nhóm cho hay, thầy Nam là người hỗ trợ nhóm xác định hướng đi đúng đắn và hiệu quả, dù chuyên môn của thầy là môn Hóa không liên quan gì đến tâm lý học hay truyện tranh.

Đặc biệt thầy cũng là người giúp nhóm biến ý tưởng trở thành sản phẩm thực tế khi đã lo tất cả vấn đề về giấy phép xuất bản hay bản quyền cho sách. “Nếu “Fives” trong từ “High Fives” tên nhóm là đại diện cho năm thành viên thì thầy Nam chính là chữ “s’ siêu độc lạ đó, một phần quan trọng và không thể thiếu”, Quỳnh Anh ví von và chia sẻ thêm:

Ngoài thầy Lê Văn Nam, nhóm còn nhận được sự hỗ trợ từ cô Nguyễn Thu Hà (giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM), cố vấn tài chính của nhóm tại vòng thi cấp quốc gia; Sự đồng hành và trợ giúp của cô giáo tiểu học Đàm Phương Trâm Anh trong sáng tác và lên ý tưởng cho sản phẩm. Ngoài ra, nhóm còn có sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia tâm lý, đặc biệt là sự quan tâm, động viên của Ban giám hiệu Trường THPT Trần Văn Giàu. Nhờ đó, tháng 3/2023 nhóm đã có giấy phép và xuất bản 500 bộ với 3.000 quyển.

Thầy Nam cùng các thành viên trong nhóm sáng tác bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo”.

Thầy Nam cùng các thành viên trong nhóm sáng tác bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo”.

Người thầy giàu sáng tạo

Năng động, nhiệt huyết và đổi mới là những điều mà học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu nhắc đến khi chia sẻ về thầy Lê Văn Nam. Trong quá trình giảng dạy, thầy Nam luôn nỗ lực để mỗi bài giảng là những giây phút thú vị cho học sinh, nhờ đó không còn ai “ngại” học Hóa. Đặc biệt trong thời gian giảng dạy trực tuyến vì Covid-19, thầy Nam có nhiều “chiêu” để thu hút các trò không rời màn hình.

Thầy Nam chia sẻ: “Thời điểm dịch, với môn Hóa học, tôi luôn trăn trở làm sao để bài giảng của mình trở nên sinh động, gần gũi khiến học sinh thích thú. Vì vậy, tôi thường áp dụng phương pháp kể về lịch sử của các nguyên tố để kích thích sự tò mò của các em. Đặc biệt, với bài giảng trực tuyến, tôi lồng ghép các video thí nghiệm giúp trò có cách nhìn khách quan và cụ thể hơn về phản ứng hóa học. Đặc biệt, tôi và những người bạn cũng tập sáng tác bài hát bằng cách lồng các kiến thức hóa học... Tất cả nỗ lực ấy chỉ mong các em tích cực học tập và nắm vững kiến thức tốt hơn”.

Chia sẻ về nghề giáo viên, thầy Nam bộc bạch, bản thân ban đầu lựa chọn ngành sư phạm vì thực hiện ước mơ tuổi trẻ mẹ chưa làm được. Tuy nhiên được các thầy cô Trường Đại học Sài Gòn truyền cảm hứng, thầy Nam ngày càng yêu nghề dạy học. Sau mỗi ngày làm việc trên trường, về nhà, thầy còn livestream trên Facebook dạy học miễn phí cho trò. Các dòng bình luận, những câu chuyện vui buồn của các em đã tiếp thêm động lực cho thầy.

“Với tôi hạnh phúc nhất là lúc nghe thấy học trò của mình nói sẽ thi vào sư phạm Hóa. Điều đáng mừng hơn là hiện tại, nhiều trò cũ đã bước chân vào cánh cửa sư phạm, tôi sắp có thêm nhiều đồng nghiệp”, thầy Nam thổ lộ.

Trong 4 năm công tác tại Trường THPT Trần Văn Giàu, thầy Nam đã cùng các thế hệ học sinh “chinh chiến” ở các kỳ Olympic, Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố và đạt được nhiều thành tích. Đặc biệt, ở cuộc thi SV.Startup năm 2023, với bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo”, thầy Nam và nhóm học sinh đã đoạt được giải Nhì. “Sau khi đoạt giải, tôi cùng cả nhóm đóng góp cho Dự án “Tủ sách trong veo” 7 bộ truyện tranh “Chuyện của Mèo” với mong muốn mang sách đến gần hơn với các bạn nhỏ vùng cao”, thầy Nam cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ