Phương pháp này thâu tóm, tổng hợp, tích hợp những ưu việt, tiến bộ của các phương pháp đổi mới lâu nay.
Mục tiêu chủ yếu là phát huy vai trò chủ đạo hướng dẫn, dìu dắt, huấn luyện cũng như hướng đạo của người dạy, đồng thời đề cao vai trò trung tâm chủ thể tiếp nhận chủ động, tích cực, sáng tạo của người học. Tinh thần cơ bản là phát huy tính tích cực của hai chủ thể dạy và học, tạo ra động lực chính yếu của sáng tạo và phát triển dạy - học.
Người dạy phải dạy đúng cái mà người học cần
Tương tác xác nhận thầy trò là hai đối tác. Đó là hai đối tượng trong một quan hệ hợp tác bình đẳng, dân chủ và thân thiết.
Cả hai đều mang vị thế riêng, nhưng đều là chủ thể của dạy và học và đều là chủ đạo trong hoạt động được phân công, phân nhiệm.
Với ý nghĩa này, người dạy cần biết tự kiềm chế, không thể áp đặt như người ban phát chân lý để buộc người học chấp nhận.
Người học là lý do tồn tại của người dạy, người học phải nhận thức rõ quyền và bổn phận, tiếp thu tự giác kiến thức thông qua giáo dục và đào tạo.
Như vậy, hình thành một mối liên hệ thực tế và một hợp đồng mặc nhiên dạy - học. Mà đã hợp đồng thì phải là giao kèo giữa cung và cầu. Do đó, người dạy phải dạy đúng cái mà người học cần: đúng trình độ theo xếp lớp chung và đúng đối tượng theo tiếp thu cá biệt
Theo PGS.TS Đoàn Trọng Huy, quan niệm dạy học hiện đại coi quan hệ giáo viên học sinh là mối quan hệ tương tác. Ý nghĩa quan trọng là ở tương tác. Hai đối tác đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược này có sự tác động lẫn nhau.
Nhận biết tình trạng, trình độ cụ thể trong quá trình dạy - qua hình thức kiểm tra, đề nghị,..., người dạy có thể điều chỉnh trách nhiệm, hoạt động bản thân để thêm bớt nội dung, thay đổi phương pháp, hoặc phát huy ý thức, hoạt động của người học - tìm tòi, khám phá, học tập, thực hành, tự học, hoạt động tập thể.
Đặc biệt, định hướng quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, tự học, sáng tạo, phát triển năng lực hành động, năng lực cộng tác làm việc của người học.
“Tóm lại, tương tác là ảnh hưởng, tác động, hỗ trợ, kích thích lẫn nhau để cùng đạt mục tiêu chung về dạy và học. Thầy biết cách dạy, trò biết cách học để sáng tạo cũng là theo triết lý giáo dục cần có hiện nay.
Phương pháp dạy học tương tác nhằm phát động và phát huy nội lực của các chủ thể để sáng tạo, phát triển” - PGS.TS Đoàn Trọng Huy nhấn mạnh.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy lý giải thêm: Sáng tạo, phát triển ở đây được hiểu một cách tổng thể và mở rộng theo triết lý giáo dục là làm nên con người sáng tạo, con người mang giá trị bản thân gồm tri thức và trí lực, tâm lực về văn chương theo chuẩn đào tạo.
Cụ thể là tri thức chuẩn, năng lực mỹ cảm cao về văn chương, đọc hiểu văn bản và đồng sáng tạo trong tiếp nhận, sống theo lý tưởng chân - thiện - mỹ trong hiện tại và tương lai.
Thiết kế kế hoạch dạy học, giáo án đổi mới
Phương pháp dạy học đổi mới bao gồm nhiều biện pháp thực hiện trong các khâu một cách liền mạch và tương quan mật thiết. Trước hết là thiết kế kế hoạch dạy học, giáo án đổi mới.
Trên tổng thể kế hoạch dạy học giảng viên, giáo viên thiết kế các giáo án. Một giáo án chất lượng theo tinh thần đổi mới phải thể hiện trình độ và năng lực toàn diện của người dạy.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy lưu ý, giáo án phải cập nhật thành tựu nghiên cứu văn học từ các công trình khoa học mới nhất, các hội thảo khoa học gần nhất. Tất nhiên, trong giáo án phải có những luận điểm mang tính tổng kết.
Giáo án phải là một văn bản sáng tạo, dựa vào sách giáo khoa, giáo trình. Như vậy, giáo án không thể đơn thuần là một bản sao (á bản, thế bản,...).
Nói cách khác, nó là một văn bản được làm dựa trên cách tiếp cận của chủ thể người dạy. Tất nhiên, dù được làm bằng cách nào đi chăng nữa thì cũng phải bảo đảm trung thành với chương trình- là văn bản có tính pháp quy.
Giáo án - tức nội dung, phải thể hiện phương pháp, tức cách thức thực hiện. Phải gồm toàn bộ hoạt động do chủ thể truyền đạt, hướng dẫn, trong đó phải ấn định thời gian vả các phương tiện hỗ trợ.
Vấn đề đổi mới phương pháp nằm ngay ở việc thiết kế bài giảng. Trong giáo án đã thể hiện rõ các bước thực hiện: thuyết trình, phát vấn..., cũng tức là cách thức khai mở kiến thức, truyền thụ, hướng dẫn cảm thụ, nhận thức để tìm ra vấn đề cần thu nhận, hấp thu - tức tìm ra chân lý, ở đây là chân lý bằng nghệ thuật, qua nghệ thuật. Thuyết trình, vì vậy cần thực hiện bởi nhiều công đoạn.
Lên lớp, người thầy đóng nhiều vai trò: Nhà khoa học - truyền thụ tri thức văn học, nhà sư phạm - nêu gương sinh động về sư phạm và người diễn giảng - truyền cảm và khơi gợi cảm xúc, tình cảm cùng nhận thức.
Tức là cùng một lúc, người thầy phải thể hiện được cả ba khả năng: lập luận logic, phong cách nghiệp vụ và năng lực truyền cảm.
Tất cả phải thể hiện nhiệt huyết nhưng trong mức độ nhất định. Không gì buồn bằng người thầy chỉ biết đọc (đọc giáo án), hoặc chỉ biết diễn (biểu diễn ngôn từ, điệu bộ). Giờ giảng phải hấp dẫn, đó là tiêu chí cao nhất.
Hình thức lên lớp như đã thiết kế ở giáo án là hiện thực hoá một phương pháp nào đó như dạy đọc hiểu văn bản, dạy dựa trên vấn đề,... một cách tập trung nhất, chủ yếu nhất.
Học cách ghi chép khoa học
Giờ học mang tác dụng lan truyền. Người dạy văn là cầu nối, trạm trung chuyển để trao truyền cảm xúc, nhận thức, tư tưởng, tình cảm từ các thế hệ nhà văn đến người tiếp nhận, người hấp thụ là người học văn. Trong quá trình dạy, chủ yếu là ở trên lớp, người thầy thực hiện gần như rõ rệt nhất vai trò người trao truyền: truyền đạo, truyền mỹ cảm.
Theo PGS.TS Đoàn Trọng Huy, học trên lớp, nếu chủ động tích cực sẽ hấp thu tối đa những truyền giảng của thầy. Ghi chép có ý thức có nhiều lợi ích:
Biết thâu tóm cái hồn cốt của lời giảng, cái thần khí và ngôn từ của người dạy. Thu nhận như chắt lọc được những tinh tuý tri thức từ người dạy qua quá trình nghiên cứu dưới góc độ sư phạm. Thu góp thêm tư liệu trực tiếp những trích dẫn quan trọng (được viện ra hoặc cấp thêm).
Người học không hẳn là cái máy ghi âm, mà là chủ thể tiếp nhận qua bộ lọc cá nhân, tức có động não và bước đầu hấp thụ. Hấp thụ ở đây hiểu theo nghĩa là thu nhận và chịu ảnh hưởng khi nói về tiếp nhận văn hoá, văn học, tư tưởng,... tức giá trị tinh thần. Tóm lại là ghi cái gì và ghi thế nào, có chủ kiến rõ ràng.
Nếu giờ học như một tổng kết hội thảo về một đề tài được giao cho học sinh chuẩn bị trước, thì lên lớp, người thầy đóng vai trò chủ tọa, nghĩa là vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Hoặc giờ học diễn ra như buổi hội thoại, người dạy đóng vai trò người điều khiển, cũng là trọng tài. Thực chất là thầy hỏi trò đáp hoặc ngược lại, người dạy vẫn là nhân vật chủ động dẫn dắt, điều hành cuộc nói chuyện “tay đôi” thầy - trò rồi sau đó tổng kết, giải đáp.
Đây là hình thức hợp tác dạy - học sinh động thú vị, nhưng người dạy phải cao tay điều khiển.
Hướng dẫn học sinh tự học
Hoạt động tự học độc lập của người học, theo PGS.TS Đoàn Trọng Huy, thực ra cũng có chỉ đạo hướng dẫn trực tiếp và gián tiếp của người dạy, ví như khâu đọc hiểu tác phẩm phải được thực hiện cả trước, trong và sau giờ học trên lớp.
Tự học là trách nhiệm của người học nhưng bồi dưỡng ý thức và phương pháp học cho học sinh cũng là trách nhiệm người thầy. Có thể là hình thức chung với cả lớp hoặc chuyên biệt với nhóm hay cá biệt.
Mục đích của hướng dẫn tự học là bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng hợp tác trong học tập; rèn luyện kỹ năng vận dụng, ứng dụng tri thức vào thực tiễn; tác động đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm cũng như hứng thú,niềm tin cho người học.
Để hướng dẫn có hiệu quả người thầy phải nắm được cơ chế của việc học tập cũng như các lý thuyết về học tập của Tâm lý học dạy học: thuyết hành vi, thuyết nhận thức, thuyết kiến tạo.
Đánh giá chính xác hiệu quả theo chuẩn đổi mới
Theo PGS.TS Đoàn Trọng Huy, đánh giá là hoạt động về phía chủ quan của người dạy cũng là yêu cầu khách quan về chương trình của cơ quan quản lý giáo dục các cấp.
Đánh giá là khâu khép kín hoạt động dạy và học từ mục tiêu đến nội dung, phương pháp, đánh giá. Đánh giá đặc biệt phải căn cứ mục tiêu đã đặt ra trong chương trình, do đó có những tiêu chí trên nhiều mặt, không chỉ đơn thuần là tri thức mà còn là về hiệu quả giáo dục nói chung.
Có thể áp dụng nhiều kiểu, nhiều công cụ đánh giá, không loại trừ trắc nghiệm, nhưng môn Văn vẫn phải có tự luận và coi trọng làm văn.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy cho biết, một trong những hướng đổi mới là kiểm tra kỹ năng luyện tập, thực hành vận dụng và năng lực sáng tạo, độc lập tư duy của người học.
Hạn chế kiểm tra kiến thức kiểu chỉ cần học thuộc mà cần phát huy lối đánh giá trong kiểm tra, thi cử, phát huy suy nghĩ phán đoán của người học về những vấn đề trong văn và ngoài văn (đời sống, xã hội, lý tưởng...).
“Tóm lại, bảo đảm khoa học (tiêu chí, định mức), nhưng nên theo khuynh hướng mở, sáng tạo với tinh thần triết lý giáo dục.” - PGS.TS Đoàn Trọng Huy cho hay.