Giáo viên vùng đặc biệt khó khăn hụt hẫng vì bị cắt chế độ

GD&TĐ - Từ 1/1, GV các trường THCS, tiểu học, MN ở huyện đảo Lý Sơn không được hưởng cơ chế, chính sách công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 76/2019 của Chính phủ.

HS Trường THPT Lý Sơn tham gia xếp hình xác lập kỷ lục quốc gia hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam trên biển.
HS Trường THPT Lý Sơn tham gia xếp hình xác lập kỷ lục quốc gia hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam trên biển.

Trước đó, GV Trường THPT Lý Sơn đã không còn nhận chế độ này (tháng 10/2020). Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho rằng, GV đang công tác ở Lý Sơn cần được hỗ trợ vì điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cách trở với đất liền, nhất là vào mùa biển động. 

Ảnh hưởng quyền lợi của GV, HS

Ông Phan Văn Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT Lý Sơn xác nhận: Mọi chế độ phụ cấp của của cán bộ, GV thuộc các trường THCS, tiểu học và mầm non trực thuộc phòng GD quản lý trong năm 2020 không thay đổi, nhưng bắt đầu từ năm 2021 phải tạm dừng, chờ các cơ quan cấp trên chỉ đạo. 

“Thường thì các trường mầm non vẫn thu đủ tiền ăn và học phí của trẻ. Cuối tháng, nhà trường sẽ hoàn trả tiền hỗ trợ cho phụ huynh. Giờ nhà trường, phụ huynh đang chờ kết quả kiến nghị tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn” – ông Thảo cho biết.  

Thầy Huỳnh Văn Long – Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn chia sẻ: Những năm trước, HS nhà trường được cộng điểm ưu tiên 1,5 điểm khi xét tuyển nên tỉ lệ  đỗ ĐH, CĐ nguyện vọng 1 chiếm từ 60 - 64% số HS đỗ tốt nghiệp theo thống kê của Bộ GD&ĐT. Năm 2020, theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, giảm 50% số điểm ưu tiên, HS huyện Lý Sơn chỉ còn được cộng 0,75 điểm, số HS đỗ ĐH, CĐ  có sự sụt giảm. “Nếu năm tới, HS không còn được hưởng các chế độ đặc thù nữa, tỉ lệ này sẽ còn giảm do các em không còn được cộng điểm ưu tiên mà tính như HS vùng đồng bằng” – thầy Long thông tin. 

Theo tính toán của cô Đặng Thị Liên – GV Trường Tiểu học số 1 thôn Đông An Vĩnh, nếu không còn được hưởng tiền hỗ trợ, thu hút theo Nghị định số 76/2019 của Chính phủ nữa, khoản tiền lương hàng tháng của cô giảm khoảng 3 triệu đồng. Cả hai vợ chồng cô Liên đều là giáo viên. Chồng cô Liên dạy ở Trường THPT Lý Sơn đã không còn nhận được khoản tiền này từ tháng 10/2020. “Thu nhập của cả gia đình mỗi tháng sẽ hụt đi khoảng 7 triệu đồng -  bằng tiền lương của một người đi làm ở đất liền trong khoảng 10 năm. Trong khi giá cả sinh hoạt ở Lý Sơn cũng không phải là rẻ” – cô Liên cho biết. 

Thầy Nguyễn Điển, GV Trường THPT Lý Sơn, có 35 năm trong nghề thì 33 năm dạy học tại huyện đảo Lý Sơn chia sẻ: Tôi được Phòng GD&ĐT Bình Sơn điều động ra giảng dạy tại Lý Sơn rồi gắn bó với mảnh đất này. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, trong năm, có những đợt biển động, cả huyện bị cô lập hoàn toàn do tàu thuyền không ra vào được. Sự thay đổi trong chính sách thu hút, đãi ngộ khiến GV chúng tôi hẫng hụt vì điều kiện công tác không thay đổi gì. Như bản thân gia đình tôi, cả hai vợ chồng đều là giáo viên, ảnh hưởng này không hề nhỏ.

HS huyện đảo Lý Sơn tham gia hoạt động làm sạch môi trường biển.
HS huyện đảo Lý Sơn tham gia hoạt động làm sạch môi trường biển. 

Có nên đánh đồng?

Đầu tháng 4/2020, 3 đơn vị hành chính cấp xã của huyện đảo Lý Sơn gồm An Vĩnh, An Hải và An Bình chính thức giải thể. Huyện đảo Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã đã kéo theo một số chế độ, chính sách liên quan không còn hiệu lực. Trong đó có chế độ ưu tiên khi thi cử của HS, SV; ưu tiên mua bảo hiểm y tế, thụ hưởng các dịch vụ y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ ăn trưa cho cấp bậc mầm mon, hỗ trợ miễn giảm học phí cho HS, SV.

Ngoài ra, quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 4/11/2014 của Thủ tướng về một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015 – 2020 đến thời điểm này cũng hết hiệu lực. Đồng thời, huyện đảo Lý Sơn cũng không được hưởng cơ chế chính sách theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết: Không còn chính quyền cấp xã và Lý Sơn cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nên các chế độ có liên quan đến hỗ trợ vùng sâu, vùng xa không còn nữa. “Tuy nhiên, cả GV và HS cần được hỗ trợ vì đây là địa bàn có nhiều cách trở, xa xôi với đất liền, thiên nhiên khắc nghiệt, các điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn. Không nên và không thể đánh đồng quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện đảo Lý Sơn với nông thôn mới ở trong đất liền được” – ông Phu kiến nghị. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.