Thầy trò cùng chủ động, dồn sức ‘vượt vũ môn' THPT

GD&TĐ - Cùng với 'chạy đua' chương trình chính khóa, các trường THPT tại Thanh Hóa chủ động kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 sẵn sàng 'vượt vũ môn'.

Học sinh Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) trong giờ ôn tập môn Toán. Ảnh: LT.
Học sinh Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) trong giờ ôn tập môn Toán. Ảnh: LT.

Chủ động với lịch thi

Theo thông báo mới nhất từ Bộ GD&ĐT, lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27/6 đến ngày 30/6/2023. Trong đó, ngày 27/6, thí sinh làm thủ tục dự thi, ngày 28-29/6, thí sinh làm bài thi và ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Như vậy, lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra sớm hơn kỳ thi năm ngoái gần 2 tuần. Theo đánh giá của thầy Nguyễn Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), điều này không ảnh hưởng nhiều. Bởi, giai đoạn này, học sinh (HS) khối lớp 12 đã gần như hoàn tất chương trình, chuẩn bị ôn tập “chạy nước rút” cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Nếu lịch thi sớm hơn hẳn một tháng hoặc nhiều hơn, thì đó lại là vấn đề khác. Tuy nhiên, so với năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra sớm hơn gần 2 tuần thì không ảnh hưởng gì lắm. Trái lại, việc kéo dài thời gian thi đôi khi lại gây mệt mỏi, áp lực cho cả thầy và trò”, thầy Hải chia sẻ.

Về kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Hải cho biết, hiện nhà trường đang thực hiện song song. Nghĩa là vừa đảm bảo cung cấp kiến thức cơ bản cho HS vừa triển khai ôn thi đối với những môn đã hoàn thành nội dung chương trình.

Học sinh lớp 12A2, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) trong giờ học môn Địa lý. Ảnh: LT.

Học sinh lớp 12A2, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) trong giờ học môn Địa lý. Ảnh: LT.

Năm nay, tổng số HS khối 12 của Trường THPT Hàm Rồng có khoảng hơn 570 em. Một trong những điều kiện thuận lợi đối với nhà trường đó là cơ sở vật chất, hạ tầng đảm bảo tốt nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, phụ huynh HS cũng đặc biệt quan tâm đến việc học tập của con em mình. Nhờ vậy, những năm qua, tỷ lệ HS trúng tuyển vào các trường đại học của nhà trường chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Trong khi đó, với thầy và trò ngôi trường miền biên viễn như Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sớm hơn gần 2 tuần khiến thầy và trò có phần vất vả hơn. Bởi phải sắp xếp lại kế hoạch ôn thi. Tuy nhiên, thầy và trò nhà trường đều chủ động, dồn sức cho kỳ “vượt vũ môn” diễn ra vào cuối tháng 6 tới.

“Như mọi năm, sau khi kết thúc chương trình, nhà trường sẽ tiến hành chia các lớp theo năng lực của HS để thuận tiện cho việc ôn tập. Đối với lịch thi năm nay, nhiều khả năng nhà trường sẽ triển khai việc này sớm hơn để các em nắm chắc kiến thức, đạt kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp”, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Theo thầy Đạo, kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT đã được nhà trường triển khai từ sau Tết Nguyên đán 2023. “Trong khoảng thời gian từ giờ đến hết tháng 4, các thầy, cô sẽ cố gắng hoàn thành nội dung chương trình. Sau đó, chia nhóm HS theo năng lực để có kế hoạch ôn thi phù hợp, hiệu quả”, thầy Đạo nói.

Nắm chắc kiến thức

Không quá bất ngờ, đó là cảm xúc của nữ sinh Ngô Thị Hoài An, lớp 12B6, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) khi biết lịch thi chính thức, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 của Bộ GD&ĐT. Nữ sinh xứ Thanh cho rằng, lịch thi tốt nghiệp THPT năm nay như vậy là hoàn toàn phù hợp.

“Hiện em đang ở trong giai đoạn tăng tốc để đạt mức điểm cao hơn. Ngoài thời gian học trên trường, em cũng đăng ký học thêm ở các lớp bổ túc để củng cố, nâng cao kiến thức.

Ở nhà, em cũng dành thời gian rảnh để luyện các dạng đề của những năm trước. Điều này giúp em nắm chắc kiến thức hơn, đồng thời tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm”, An bộc bạch.

Với những môn không thuộc sở trường như Lịch sử, Hoài An khắc phục bằng cách đọc lại sách giáo khoa, làm các dạng đề và chữa đề để nắm chắc kiến thức cơ bản. Với việc lựa chọn tổ hợp khối D, An dự định học ngành Truyền thông hoặc Marketing.

Em Ngô Thị Hồng Đan, lớp 12A2, Trường THPT Quan Sơn dành thời gian ôn tập, củng cố kiến thức tại nhà. Ảnh: LT.

Em Ngô Thị Hồng Đan, lớp 12A2, Trường THPT Quan Sơn dành thời gian ôn tập, củng cố kiến thức tại nhà. Ảnh: LT.

Biết lịch thi, Ngô Thị Hồng Đan, lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) có đôi chút lo lắng. Tuy nhiên, với sự chủ động của nhà trường về kế hoạch ôn thi tốt nghiệp khiến Đan và các bạn trong lớp cảm thấy an tâm và tự tin hơn.

“Em lựa chọn tổ hợp khối C, với những môn sở trường ngoài chăm chú nghe giảng trên lớp, em dành thời gian luyện đề thật nhiều. Việc này giúp em củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức một cách hiệu quả”, Đan chia sẻ.

Cô Lê Thị Thủy, giáo viên Toán (Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) cho biết, đối với môn Toán sau khi cung cấp đầy đủ từng phần nội dung chương trình theo sách giáo khoa, giáo viên sẽ triển khai ôn thi tốt nghiệp dựa theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

“Ngoài giảng dạy trên lớp, cô trò cũng thường xuyên trao đổi bài vở, giải đáp thắc mắc qua điện thoại hoặc mạng xã hội Zalo. Việc phân loại HS theo năng lực sẽ giúp việc ôn tập đạt hiệu quả hơn, cố gắng để HS khá, giỏi tiếp cận với điểm 8, 9”, cô Thủy chia sẻ.

"Công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng có nhiều thuận lợi. Trước hết đó là sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Sở GD&ĐT Thanh Hóa trong công tác ôn thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó việc thường xuyên trao đổi, tương tác với các trường THPT trên địa bàn về công tác ôn thi, bộ đề tham khảo,... cũng tạo thuận lợi giúp HS củng cố, nâng cao kiến thức", thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ