Báo cáo hoạt động thời gian qua cho thấy, nhiều hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) được trường thực hiện bài bản, hiệu quả, chất lượng cao.
Định hướng phát triển
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT): Quản lý hoạt động KHCN trên hệ thống nhà trường điện tử đã tạo sự đổi thay lớn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhằm phục vụ hoạt động quản lý KHCN trong một cách hiệu quả, nhà trường đã liên tục bổ sung hoàn thiện các website và nhiều module phần mềm trên hệ thống Usmart.
Trang web quảng cáo các sản phẩm KHCN của Trường http://spkhcn.utc.edu.vn, trang web đội ngũ giảng viên của trường. Các module: quản lý thực hiện chỉ tiêu kế hoạch KHCN, quản lý đề tài cấp Bộ/Sở, đề tài cấp cơ sở, đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, lý lịch khoa học, sản phẩm ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Cơ sở dữ liệu KHCN của Trường được thiết lập phục vụ công tác tra cứu và xét các thành tích KHCN của cá nhân và đơn vị.
Việc quản lý hoạt động KHCN trên hệ thống Nhà trường điện tử đem lại sự thuận lợi và minh bạch trong quy trình tổ chức các hoạt động KHCN. Đồng thời thuận tiện trong việc lưu trữ, xây dựng hồ sơ năng lực phục vụ công tác truyền thông, tạo điều kiện tham gia các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, ngành, quốc gia, quốc tế.
Trường ĐH Giao thông vận tải đã tăng cường phân quyền tự chủ trong hoạt động KHCN. Phân bổ kinh phí và chỉ tiêu hoạt động KHCN hàng năm của Trường cho các đơn vị Khoa/Phân hiệu. Công tác xét duyệt nội dung chuyên môn, mức cấp kinh phí cho đề tài cấp trường hàng năm được phân quyền cho các khoa.
GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thăm các công trình nghiên cứu của giảng viên nhà trường. |
Hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, seminar khoa học được phân quyền cho các khoa chuyên môn quản lý và thẩm định. Trường thực hiện việc thẩm định và quản lý nhà nước trong việc thực hiện đối với các đề tài. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích trong hoạt động KHCN.
Nhà trường đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ, khen thưởng các cán bộ giảng viên của Trường trong việc công bố nghiên cứu quốc tế có uy tín, góp phần đáng kể vào việc tăng thứ hạng công bố cũng như tăng thứ hạng xếp hạng đại học cho Trường Đại học GTVT bởi các tổ chức đánh giá độc lập ngoài.
Kết quả nổi bật
Giai đoạn 2020-2022 có sự tăng trưởng nổi bật về số lượng và tổng kinh phí các nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia và cấp Bộ mà Trường được giao chủ trì so với các năm trước đó và tiếp tục có sự đa dạng trong các nguồn kinh phí. Số lượng đề tài NCKH cấp trường và cấp trường trọng điểm có tốc độ tăng trưởng đáng kể về số lượng so với giai đoạn trước.
Trong ba năm 2020-2022, Nhà trường đã được giao chủ trì hơn 40 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ/tỉnh và tương đương. Năm 2021 Nhà trường đã được giao thực hiện 1 nhiệm vụ KHCN hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài nguồn kinh phí từ Bộ GD&ĐT, nhà Trường cũng được giao chủ trì các nhiệm vụ KHCN được cấp kinh phí từ Bộ KHCN, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, ... Công bố quốc gia, quốc tế.
"Giai đoạn 2020-2022 số lượng bài báo khoa học thuộc danh mục Web of Science và Scopus của cán bộ giảng viên đã tăng lên nhanh chóng. Trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022 các CBGV của Trường đã công bố được 275 bài báo thuộc danh mục Web of Science và 87 bài báo thuộc danh mục Scopus. Số lượng bài báo quốc tế khác là 131, bài báo trong nước là 947". PGS Nguyễn Ngọc Long cho biết.
Khen thưởng các giảng viên có nhiều đóng góp trong hoạt động KHCN. |
PGS. TS Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: Về sở hữu trí tuệ, trường ra các hướng dẫn về đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm NCKH, Nhà trường cũng đã tư vấn, hỗ trợ cho các giảng viên đăng ký sở hữu trí tuệ các sản phẩm KHCN thường là sản phẩm của các đề tài, dự án KHCN thông qua Cục sở hữu trí tuệ. Từ năm 2020 đến 2022 đã có 12 hồ sơ được chấp nhận đơn hợp lệ, 4 hồ sơ được cấp bằng bảo hộ.
"Tạp chí Khoa học GTVT đã xuất bản online được 23 số (trong đó có 6 số tiếng Việt và 3 số tiếng Anh) và chính thức vận hành module quy trình bình duyệt online tại địa chỉ http://tcsj.utc.edu.vn. Điểm nhấn là vừa qua tạp chí đã được thêm Scilit.net đánh chỉ số (ngoài Google Scholar, Vcgate, Crossref); đã nhận được hơn 20 lượt trích dẫn từ hệ thống Web of Science. Tạp chí đã được được chấp nhận vào danh mục ACI từ tháng 10/2021". - PGS Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
Tạp chí khoa học hợp tác giữa ba trường (Science Journal of Transportation): MADI SWJTU và UTC đã xuất bản online số 12 tháng 05/2022 tại địa chỉ http://sjt.madi.ru/. Từ năm 2022 các tạp chí của trường đã tiếp tục được nâng điểm đáng kể trong số các tạp chí tính điểm của HĐGSNN, trong đó Tạp chí Khoa học GTVT được nâng lên tối đa 1,25 điểm trong Hội đồng GS ngành GTVT và tối đa 1 điểm trong Hội đồng GS ngành Cơ học. Các hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế được trường tổ chức đã thu hút được nhiều cán bộ, giảng viên Nhà trường tham gia.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Long hết sức tâm đắc, bên cạnh hoạt động KHCN của giảng viên đạt chất lượng cao thì hàng năm số lượng, chất lượng đề tài NCKH của sinh viên vẫn giữ ở mức ổn định, 526 và 629 đề tài lần lượt trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022. Nhiều công trình NCKH của sinh viên đã đạt được giải cao trong các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế. "Năm 2020 sinh viên của Trường đã đạt được 7 giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ GD&ĐT. Nhà trường đã tuyển chọn 10 đề tài xuất sắc, hoàn thiện hồ sơ và gửi tham gia các cuộc thi cấp Bộ". - PGS Nguyễn Ngọc Long
Trong giai đoạn tới, theo chiến lược phát triển KHCN của Trường ĐH GTVT tiếp: Tăng cường thương hiệu của Trường ĐH GTVT hướng tới là trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu. Phát triển các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh, có uy tín trong khu vực, có năng lực xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ, khẳng định vai trò tiên phong, vị thế hàng đầu Việt Nam về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm phục vụ công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường thông qua việc gắn liền các hoạt động NCKH với đào tạo và chuyển giao công nghệ.