Bén duyên với nghề cầm phấn
Thầy giáo Trương Thành Hiếu, sinh năm 1988, là giáo viên Tin học tại Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Trước khi đến với nghề giáo, thầy Hiếu là nhân viên của một công ty phần mềm tin học. Sau hơn một năm làm việc, vào năm 2011, thầy hay tin tuyển dụng giáo viên Tin học tại quê hương Trần Văn Thời. Vốn say mê nghề giáo từ nhỏ, thầy Hiếu mạnh dạn ứng tuyển và được phân công về công tác tại Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời.
Thầy Hiếu nhớ lại: Thời điểm đó hay tin tuyển dụng, tôi không nghĩ ngợi gì nhiều mà xin nghỉ tại công ty tư nhân rồi nộp hồ sơ tuyển dụng. Chứng kiến các thầy cô giáo đã dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh nên người nên tôi cũng muốn góp một phần công sức nhỏ bé để xây dựng quê hương đất nước ấm no, hạnh phúc.
Từ khi về giảng dạy tại Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời, thầy Hiếu say sưa tìm hiểu các phương pháp giáo dục sáng tạo, các mô hình giảng dạy Tin học hay và ứng dụng Tin học trong thực tế đời sống. Thầy cũng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều khoá học sinh mà mỗi em một tính cách khác nhau.
Có những em rất ngoan, học tốt và biết vâng lời thầy cô giáo. Bên cạnh đó không ít em học sinh có tính cách hiếu động, thường mất tập trung khi thầy cô giáo giảng bài. Nhưng thầy Hiếu chưa từng nghĩ những em đó là học sinh hư, học sinh cá biệt.
Thầy Hiếu chia sẻ: Mỗi học sinh đều có tính cách, phương pháp học tập khác nhau. Dù thế nào các em cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Vì thế, tôi thường nhắc nhở các em nhưng cũng tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe câu chuyện của các em. Từ đó, tôi tìm cách động viên, khuyến khích học sinh học tập.
“Sau này, các em đó ra trường rồi vào cấp 2, cấp 3. Mỗi lần gặp lại, các em đều đã trưởng thành hơn, học tập tốt hơn . Khi ấy, bản thân tôi cảm thấy rất vui và mong sau các em thành công hơn nữa trong chặng đường dài phía trước dẫu biết còn gặp nhiều khó khăn”, thầy Hiếu bày tỏ.
Những năm đầu bước vào ngành giáo dục, thầy Hiếu còn nhiều bỡ ngỡ khi tiếp xúc trong môi trường hoàn toàn mới, công việc mới cũng như trách nhiệm của bản thân với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Nhưng nghĩ đến mỗi ngày được lên lớp giảng bài, thầy Hiếu lại gạt bỏ những khó khăn.
“Đứng trên bục giảng, tôi được chứng kiến ánh mắt say sưa hay biểu cảm vui thích, ngạc nhiên của trò khi tôi hướng dẫn một phần mềm, công cụ tin học mới. Điều đó khiến tôi tin tưởng rằng quyết định theo nghề giáo là hoàn toàn đúng đắn”, thầy Hiếu chia sẻ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, thầy Hiếu xung phong tham gia vào đội hỗ trợ phòng chống Covid-19 của thị trấn Trần Văn Thời. Dù quãng thời gian khó khăn đã lùi xa, thầy vẫn nhớ những ngày nắng nóng oi ả, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ cùng 2, 3 lớp khẩu trang. Công việc của thầy gồm lấy mẫu gộp PCR, lấy mẫu test nhanh cho bà con trong địa bàn huyện; tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt 5K trong công tác phòng chống dịch.
Không ngừng học hỏi và sáng tạo
Thời điểm dịch, Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời chuyển sang dạy trực tuyến. Nhiều thầy cô phải mất nhiều thời gian để làm quen với các ứng dụng công nghệ.
Ngoài những lúc hỗ trợ phòng dịch, thầy giáo Tin học hướng dẫn giáo viên nhà trường sử dụng các phần mềm trực tuyến trên Internet như Zalo, Zoom, Google Meet… từ cài đặt, đăng ký tài khoản đến hướng dẫn thao tác. Trong khi sử dụng, thầy cô gặp trục trặc, thầy Hiếu đều kịp thời hỗ trợ nhằm đảm bảo công tác dạy học trong giai đoạn này đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, thầy Hiếu đã phối hợp cùng giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm các lớp hỗ trợ học sinh tham gia các cuộc thi trên Internet như Tiếng Anh (IOE), Violympic Toán, Trạng nguyên Tiếng Việt, Đấu trường Toán học...
Thầy Hiếu cho biết: "Trước mỗi cuộc thi, tôi thường tìm hiểu điều kiện của học sinh có máy tính, điện thoại thông minh, đường truyền Internet hay không để kịp thời hỗ trợ. Tôi cũng khích lệ học sinh dù kết quả học tập ra sao, hãy mạnh dạn đăng ký nếu các em có niềm đam mê với máy tính và thi trực tuyến. Bên cạnh đó, kịp thời quan sát, đôn đốc các em tham gia thi theo đúng thời gian quy định.
Các cuộc thi trực tuyến là cơ hội để học sinh cọ xát, nâng cao tinh thần hiếu học. Hơn nữa, các em có thể làm quen với các phần mềm công nghệ và khám phá những chương trình bổ ích trên mạng, từ đó nâng cao kỹ năng sử dụng Internet”.
Chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó với nghề, thầy Hiếu cho biết: Để giảng dạy bộ môn Tin học hấp dẫn, sinh động và thu hút học sinh, giáo viên, trước hết cần có niềm đam mê, tâm huyết với nghề và cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó.
Về công tác chuyên môn, giáo viên phải nắm vững mục tiêu, lượng kiến thức, kĩ năng cũng như các phương pháp lên lớp, tiến trình của một bài dạy đặc trưng của bộ môn Tin học.
Thầy Hiếu thường mày mò đổi mới phương pháp dạy, kết hợp hình ảnh trực quan, ứng dụng công nghệ thông tin... Thầy cũng đặc biệt quan tâm đến từng đối tượng học sinh để xây dựng nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả.
Nhận xét về đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời, cho biết: Thầy Trương Thành Hiếu là giáo viên trẻ, tâm huyết với nghề, có năng lực và nhận được các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Những năm qua, dưới sự dìu dắt của thầy Hiếu, nhiều học sinh nhà trường đã tham gia các cuộc thi Tin học trẻ cấp huyện, cấp tỉnh và cả quốc gia đạt được nhiều kết quả cao.
“Bên cạnh công tác chuyên môn, thầy Hiếu sống rất chan hòa, gắn bó với đồng nghiệp. Trong giai đoạn dịch khó khăn, thầy đã hỗ trợ rất nhiều giáo viên sử dụng phần mềm, soạn giáo án Online để việc dạy và học không bị gián đoạn”, cô Hạnh cho hay.