Thầy giỏi phải tạo ra trò xuất sắc?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quan điểm thầy giỏi phải đào tạo ra trò xuất sắc cần được nhìn nhận dưới nhiều góc cạnh.

Cô Lý Thị Minh Ngân (thứ 5 từ phải sang) cùng đồng nghiệp và các học trò trong một hoạt động tập thể tại Trường THCS Vân Canh.
Cô Lý Thị Minh Ngân (thứ 5 từ phải sang) cùng đồng nghiệp và các học trò trong một hoạt động tập thể tại Trường THCS Vân Canh.

Không nên coi đó là điều kiện “cứng” để đánh giá phẩm chất, năng lực người thầy.

Người truyền cảm hứng

Cô Lý Thị Minh Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) - cho rằng, ngành Giáo dục các địa phương đều xác định và thực hiện mục tiêu “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”. Sự trưởng thành của học sinh luôn có dấu ấn người thầy.

Như vậy, người thầy giỏi phải tháo gỡ được tâm lý “sợ học” của học sinh với nhiều cách khác nhau. Trước khi vào bài giảng, thầy cô có thể áp dụng liệu pháp tâm lý nào đó để học trò hiểu rằng, không có học sinh hư hay dốt, chỉ có người chưa chăm học. Khi các em xác định được tư duy chuẩn sẽ tự giác, ý thức học tập để chiếm lĩnh kiến thức.

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, người thầy không chỉ dạy kiến thức, mà còn rèn kỹ năng để học trò đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn cầu. Muốn làm được điều này, theo cô Ngân, thầy cô cũng phải học cách thích ứng thời đại công nghệ, trong đó có vấn đề tự học tập.

Thầy cô có thể học tập từ ý tưởng trao đổi của học sinh. Và để đào tạo ra học trò xuất sắc, thầy cô phải trở thành tấm gương về tinh thần tự học và trau dồi để thích ứng với học sinh thế hệ 4.0. Mặt khác, thầy và trò cần tương tác để tạo ra hợp tác. Muốn đạt được mục tiêu, cần sự phối hợp giữa thầy cô, học sinh và phụ huynh; trong đó sự chủ động của học sinh chiếm 50%.

Thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội).

Thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội).

Ở góc nhìn của mình, thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) - lại cho rằng, người thầy giỏi không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn truyền được cảm hứng học tập cho học trò. Thầy cô được vinh danh giáo viên giỏi qua các cuộc thi chỉ là công nhận về mặt danh hiệu, văn bản. Còn quan điểm người thầy giỏi phải đào tạo ra học trò xuất sắc là sự kỳ vọng của xã hội; Là điều kiện đủ chứ chưa phải điều kiện cần.

Nếu xét dưới góc độ kỳ vọng của xã hội, nhà trường đang đào tạo hai xu hướng học trò. Một là, thế hệ học sinh mũi nhọn để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi từ cơ sở đến cấp quốc gia, quốc tế nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành ở nhiều bộ môn. Thế hệ học sinh thứ hai đáp ứng về mặt đầu ra của thầy cô liên quan đến phẩm chất đạo đức, lối sống và các yêu cầu xã hội. Ở khía cạnh này, thầy cô đào tạo ra những thế hệ học trò như vậy được đánh giá cao. Bởi khi đó, học trò hoàn thành các bậc học và đáp ứng yêu cầu phù hợp với sự kỳ vọng của xã hội…

Cũng theo quan điểm của thầy Nguyễn Cao Cường, thầy cô giỏi có thể truyền cảm hứng cho học trò, để các em coi người thầy như những tượng đài phấn đấu học tập. Nếu coi học trò xuất sắc ở từng môn học thì tỉ lệ đó nhỏ so với số lượng học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục. Vì vậy, cần nhìn nhận quan điểm “người thầy giỏi tạo ra những học trò xuất sắc” như một sứ mệnh chứ không phải mệnh lệnh.

Tấm gương của trò

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), bày tỏ: Chúng ta đang sống trong thế giới đầy số liệu, thành công được đo đếm bằng tiêu chí, chỉ báo cụ thể, tập trung vào thành tích từng cá nhân.

PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Nhiều người cho rằng, thành công của cha mẹ phụ thuộc vào việc nuôi dạy, giáo dục ra những đứa trẻ thành công, có vị trí uy tín trong xã hội.

Còn người thầy giỏi phải đào tạo ra nhiều học trò xuất sắc, gặt hái nhiều thành tích cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Khi nhỏ, đứa trẻ nào cũng nghĩ giáo viên tuyệt vời phải thật dễ dãi về điểm số, luôn hài hước vui vẻ, cung cấp cho học sinh các cơ hội được chơi đùa trong giờ học, ít tập trung vào kỷ luật nghiêm túc hay số lượng bài tập…

“Tôi cũng từng suy nghĩ như vậy khi nhỏ. Nhưng tốt nghiệp đại học và trở thành nhà giáo giảng dạy bậc đại học thì quan điểm đã thay đổi. Giáo viên tuyệt vời với tôi nhiều khi không liên quan quá nhiều đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu. Chủ yếu là thái độ của thầy với việc dạy học và học trò. Những phẩm chất quan trọng trong phạm trù ‘thái độ’ bao gồm tôn trọng, thân mật, đam mê tri thức các môn học và thực sự quan tâm là chìa khóa để tạo ra môi trường nuôi dưỡng, biến học sinh trở thành liên minh với thầy cô…” – PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Cùng đó, chuyên gia Trần Thành Nam cũng dẫn giải: Chúng ta từng đọc về tấm gương những người thầy xuất sắc trên thế giới. Trong tác phẩm “Bài ca sư phạm” của Anton Makarenko, một người thầy vĩ đại của Ukraine với quan điểm giáo dục phải thức tỉnh điều thiện, người thầy luôn làm gương, đối xử tôn trọng dù đứa trẻ nhiều tội lỗi và luôn nuôi dưỡng nhân cách, làm người chuyển hóa được những đứa trẻ phạm pháp, không có gia đình ở Bontava trở thành người có ích cho xã hội.

Gần hơn, Escalante - người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ, một giáo viên Toán nhập cư từ Bolivia với phương pháp giáo dục bằng lòng yêu thương, truyền cảm hứng để học sinh trở thành chính mình đã cảm hóa và giáo dục thành công hơn 400 học sinh ngỗ ngược, quậy phá, ăn nói vô lễ và không chịu học hành trở thành những sinh viên ưu tú của các trường đại học nổi tiếng như Harvard, MIT, Stanford...

Người thầy giỏi không phải là người tạo ra những học trò xuất sắc, mà hơn thế giúp thay đổi thân phận, cuộc đời học sinh. Họ luôn là biểu tượng trong lòng học trò bởi người định hình lại những giai đoạn bước ngoặt, tác động lâu dài đến cuộc sống, hạnh phúc của học sinh sau này. Người thầy vĩ đại không phải tạo ra những thành tích có thể đo lường ở từng học sinh, mà phải gieo mầm để các em có khao khát bản thân tuyệt vời hơn, được cống hiến và xả thân cho những giá trị tích cực của cuộc sống… - PGS.TS Trần Thành Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ