'Thầy giáo xe lăn' của trẻ nghèo

GD&TĐ - Bị thương tật 97% nhưng anh Nguyễn Ngọc Lâm đã vượt qua nghịch cảnh để trở thành thầy giáo tin học. 7 năm qua, anh tới bục giảng trên chiếc xe lăn để gieo tương lai cho những đứa trẻ nghèo.

Anh Lâm đã vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện ước mơ làm thầy giáo.
Anh Lâm đã vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện ước mơ làm thầy giáo.

Vượt lên số phận

Năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, anh Nguyễn Ngọc Lâm (sinh năm 1985) quê Thanh Hóa không may bị tai nạn với tỉ lệ thương tật 97%. Tai nạn tưởng chừng như khiến anh phải đặt dấu chấm hết cho bao hoài bão, ước mơ, khát khao ấp ủ của tuổi trẻ. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực, Lâm đã lấy lại niềm tin, vượt lên số phận để trở thành người có ích cho xã hội.

Ngọc Lâm cho biết, tai nạn xảy ra, kinh tế gia đình đã khó khăn lại eo hẹp dần khi phải lo tiền thuốc, tiền phẫu thuật cho anh trong suốt hai năm trời. Mỗi ngày anh phải luôn tự nhủ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục sống. Đầu năm 2006, Lâm đã biết và tìm đến Trung tâm Bảo trợ Nhà May Mắn (quận Bình Tân, TPHCM) để điều trị và học nghề. Ngọc Lâm chia sẻ: “Tại Trung tâm Bảo trợ Nhà May Mắn, tôi được sống với những con người cùng cảnh ngộ nên cũng đã vơi đi phần nào mặc cảm. Cũng chính ngôi nhà mới này đã giúp cuộc đời tôi bước sang trang mới, thay đổi số phận của mình”.

Ngoài tập vật lý trị liệu, Trung tâm Bảo trợ Nhà May Mắn còn mở các lớp học nghề May, Vẽ, Mỹ nghệ, Tin học cho những những người sống tại đây. Bị liệt toàn thân, hai tay cử động yếu, phải ngồi xe lăn, nên Lâm đã đăng ký học nghề Tin học để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ làm giáo viên còn dang dở. Sau 9 năm ròng rã kiên trì ngày đêm tập gõ từng nút phím, anh đã học được nhiều kiến thức về Tin học. Biết anh rất đam mê với nghề dạy học, năm 2015 trung tâm đã mời anh làm giáo viên dạy môn Tin học tại Trường Làng May Mắn thuộc trung tâm.

“Trong những năm tháng sống tại Trung tâm Bảo trợ Nhà May Mắn tôi đã gặp và tiếp xúc với nhiều em nhỏ mồ côi khuyết tật, nhà nghèo học tập tại Trường Làng May Mắn. Tôi hiểu hoàn cảnh và rất thương các em, luôn mong muốn được dạy dỗ các em nên người. Vì vậy, lúc biết tin được dạy học tại đây, tôi vui mừng khôn xiết, vì mong ước của tôi đã thành hiện thực”, anh Lâm nhớ lại.

Tại Trường Làng May Mắn, thầy Lâm luôn được học sinh quý mến.

Tại Trường Làng May Mắn, thầy Lâm luôn được học sinh quý mến.

Thầy giáo của trẻ nghèo

Trường học Làng May Mắn dạy mở các lớp từ lớp 1 đến lớp 5 và giảng dạy theo chương trình phổ thông. Học sinh theo học tại đây có hoàn cảnh rất đáng thương, đa phần là con nhà nghèo, mồ côi, khuyết tật không được học đúng tuổi. Có những em là trẻ lang thang bán vé số, lượm ve chai để kiếm sống. Khi đến với ngôi trường này các em được học tập cả ngày và ăn bữa cơm trưa hoàn toàn miễn phí.

Lớp học của anh Lâm không có bảng đen, phấn trắng như những lớp học bình thường khác. Trong phòng học, anh Lâm ngồi xe lăn ở giữa, các dãy bàn kê hình chữ U xung quanh. Mỗi khi nghe tiếng học sinh gọi, anh lại điều khiển xe lăn đến để hướng dẫn tận tình. “Mỗi lớp học tại Trường Làng May Mắn có 25 - 40 học sinh. Nhưng vì phòng học Tin học chỉ có 15 máy nên trong quá trình dạy tôi phải chia mỗi lớp ra thành 2 - 3 nhóm để các em tiếp thu nhanh chóng. Điều đáng mừng là học sinh theo học tại đây đều cần cù và luôn đạt kết quả tốt”, anh Lâm chia sẻ.

Những ngày đầu giảng dạy tại ngôi Trường Làng May Mắn học sinh đều cảm thấy lạ lẫm và thắc mắc sao thầy giáo lại ngồi xe lăn. Thế nhưng khi được nghe kể về câu chuyện mà Lâm trải qua, các em đã hiểu và rất quý mến anh. Cái tên “Thầy giáo xe lăn” mà học trò đặt cho Lâm đã theo anh suốt nhiều năm nay.

Suốt 7 năm qua, trong những tiết Tin học, Ngọc Lâm còn lồng ghép truyền đạt cho học sinh những kỹ năng sống như: Đạo hiếu, lời hay ý đẹp, lẽ đúng sai, bảo vệ bản thân, môi trường và lòng biết ơn. “Tôi luôn khuyên những đứa trẻ phải luôn cố gắng nỗ lực học tập thật tốt để có tương lai rạng ngời. Các em muốn trở thành người tốt trước tiên phải là đứa con ngoan, có hiếu với ông bà, cha mẹ và biết ơn thầy cô… Tôi luôn mong cho bọn trẻ mai này sẽ tiếp tục học tập lên cao để có cuộc sống tốt hơn và trở thành người tốt, có ích cho xã hội”, anh Lâm cho hay.

Nhắc đến người đồng nghiệp của mình, cô Phạm Thị Hà, giáo viên dạy tại Trường Làng May Mắn, chia sẻ: “Thầy Lâm là một điển hình về nghị lực sống khiến tất cả mọi người trong trung tâm đều khâm phục và ngưỡng mộ. Nghị lực sống của thầy đã tiếp thêm ý chí, tinh thần vượt khó để các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, phấn đấu vượt lên số phận, vươn lên trong học tập và cuộc sống”.

Em Trần Kim Hoa, học sinh lớp 5 tại Trường Làng May Mắn, nói: “Thầy Lâm là tấm gương sáng cho chúng con học tập và noi theo về sự lạc quan và nghị lực sống. Chúng con rất thích học thầy, ngoài dạy môn Tin học, thầy thường lồng ghép những điều hay, lẽ phải, nhiều câu chuyện vượt khó trong cuộc sống, những tấm gương sáng vào trong các tiết học. Trong quá trình học tập, những kiến thức bọn con chưa hiểu thầy đều tận tình giảng giải”.

Chia sẻ về những dự định của mình, anh Lâm thổ lộ: “Tôi sẽ phấn đấu trở thành một diễn giả đi truyền cảm hứng sống tích cực. Đồng thời mong ước mình sẽ lập ra Quỹ Khuyến học “Thầy giáo xe lăn” để giúp đỡ các em học sinh nghèo khó khăn”.

Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, những lúc rảnh rỗi Ngọc Lâm còn sáng tác nhiều bài thơ và đăng lên trang Facebook cá nhân. Cũng nhờ đó mà anh đã quen biết và bén duyên với chị Nguyễn Thị Minh Thơ kém anh 1 tuổi và nên duyên vợ chồng vào năm 2018. “Hiện tại, tôi và vợ đều mong muốn có một đứa con để thủ thỉ. Hai vợ chồng cũng từng đi thăm khám thụ tinh nhân tạo, các điều kiện đều đạt yêu cầu nhưng vì thời gian qua do dịch bệnh Covid-19 phức tạp và điều kiện gia đình nên đang phải tạm dừng. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn cố gắng và không ngừng hy vọng...”, anh Lâm tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.