Thuận lợi, khó khăn đan xen
Khi ánh chiều buông xuống những triền núi mờ sương, lớp học xóa mù chữ tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mù Sang, xã Dào San, Lai Châu mới bắt đầu sáng đèn. Trong căn phòng nhỏ giữa lưng chừng núi, những người nông dân với đôi tay chai sạn vì nương rẫy cặm cụi tập viết từng con chữ đầu đời.
Chia sẻ về những thuận lợi trong công tác xóa mù chữ, ông Mai Anh Thăng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường nhận được sự quan tâm sát sao từ các cấp chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu khi giảng dạy xoá mù chữ vì vậy càng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình”.
Được biết, những giáo viên đứng lớp xoá mù chữ là đa phần là người địa phương, thông thuộc tiếng dân tộc Mông để thuận tiện cho việc giảng dạy. Hay những giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt huyết.
Ông Thăng chia sẻ: “Trước khi mở lớp, nhà trường đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng các đối tượng chưa biết chữ trong thôn, bản… đến tận nhà vận động, phân tích cho người dân hiểu vai trò của con chữ, những giá trị khi biết chữ. Nhờ vậy, công tác tổ chức luôn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền từ các cơ quan chức năng, tạo niềm tin để bà con mạnh dạn tới lớp”.
Lớp xoá mù chữ ở xã Dào San học viên hầu hết đang trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 60 tuổi, đông nhất là nhóm 15 – 40 tuổi.
“Ban ngày họ lên nương làm rẫy, tối mới tranh thủ đi học. Tuổi đã cao nên trí nhớ không còn nhanh nhạy như học sinh nhỏ, việc tiếp thu cũng chậm hơn vì vậy quá trình giảng dạy chúng tôi cũng có những phương pháp riêng để tránh nhàm chán, gây áp lực cho người học”, ông Thăng chia sẻ.
Đối với những học viên nghỉ học, nhà trường sẽ tìm hiểu lý do và giáo viên đứng lớp sẽ hỗ trợ ôn lại bài cho tiết học mà học viên đã nghỉ.
Ông Thăng nói: “Nếu học viên nào nghỉ học không có lí do đến buổi thứ hai, chúng tôi sẽ đến nhà động, thuyết phục họ quay lại lớp. Khi học gặp khó khăn, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương, trưởng thôn, bí thư thôn hay các tổ chức như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân để giúp đỡ nhằm tạo điều kiện cho học viên an tâm đến lớp học.
Lớp học xoá mù chữ không chỉ dừng lại ở việc dạy con chữ, mà còn là mang tri thức đến gần hơn với người dân. Khi được con chữ thắp sáng tâm hồn, bà con sẽ thuận tiện trong sinh hoạt, sản xuất, tự tin làm chủ cuộc đời mình trên chính mảnh đất quê hương”.

Gieo chữ, gieo hy vọng
Tại những lớp học đặc biệt ấy, giáo viên không chỉ là người giảng dạy mà còn là người bạn, người đồng hành kiên nhẫn. Thầy cô nào cũng sẵn sàng cầm tay học viên nắn nót từng nét chữ, chỉ dạy từng phép tính đơn giản để học viên tự tin hơn sau mỗi buổi học.
Để đứng lớp xóa mù, giáo viên không chỉ cần chuyên môn vững mà còn phải thực sự tâm huyết, kiên trì. Giáo viên phải biết vận dụng công nghệ thông tin, lồng ghép những câu chuyện đời thường để học viên hiểu nhanh, nhớ lâu, thấy chữ nghĩa gắn liền với cuộc sống hằng ngày.
Nhờ sự cố gắng của thầy cô và mỗi học viên, thành quả lớn nhất đã dần xuất hiện. Đó chính là sự đổi thay trong cuộc sống của những học viên – từ chỗ không biết đọc, không biết viết, giờ họ đã có thể viết tên mình, đọc các biển báo, giấy tờ phục vụ cuộc sống. Thậm chí, học viên còn sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu dự báo thời tiết, mùa vụ, giá phân bón, giống cây trồng, vật nuôi.
“Họ biết mùa nào trồng cây gì cho phù hợp, nuôi con gì để bán được giá, rồi dần dần cuộc sống cũng khá lên”, thầy Thăng tự hào nói và cho biết thêm không ít người còn mạnh dạn đăng bán nông sản trên mạng xã hội, sàn thương mai điện tử để giới thiệu sản phẩm đặc sản của bản làng đến với khách hàng khắp nơi, mở ra hướng mới cho kinh tế gia đình.
Hiện tại, tại điểm trường Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mù Sang, xã Dào San, Lai Châu có một lớp xóa mù chữ với 22 học viên. Trong ánh đèn vàng le lói giữa rẻo cao mỗi đêm, từng con chữ đang thắp sáng con đường tri thức, mở ra những ước mơ chưa từng dám nghĩ tới của bà con. Phía sau ánh sáng ấy là những giáo viên lặng lẽ gieo mầm con chữ, gieo niềm tin và hy vọng, để vùng cao này sẽ vơi bớt khó nghèo, thiệt thòi.