Từ quê lúa lên núi cao
Ba mươi năm trước, cô giáo Phạm Thị Chi - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ván, xã Tùng Vài (tỉnh Tuyên Quang) rời quê lúa Thái Bình, mang theo giấc mơ đứng trên bục giảng lên vùng núi Tuyên Quang giảng dạy. Dẫu nhiều người can ngăn vì nghề giáo vất vả trăm bề, cô vẫn kiên định với ngành sư phạm. Đó là lựa chọn xuất phát từ tình yêu giản dị với trẻ em và khao khát được giảng dạy.
Gần nửa chặng đường sự nghiệp, cô đã gắn bó với Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ván, xã Tùng Vài (tỉnh Tuyên Quang). Với cô, trường học không chỉ là nơi dạy chữ, mà còn là nơi chất chứa bao kỷ niệm và những đứa trẻ cô luôn xem như máu mủ ruột rà.
Khi mới lên đây công tác, cô Chi không khỏi choáng ngợp trước hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Nơi đây không điện, không nước sạch, thậm chí những ngày mưa đường vào bản chỉ toàn bùn lầy trơn trượt.
Cô kể lại: “Mùa đông ở trên đây rét buốt lắm vậy mà các em vẫn chân trần đến lớp, nhiều em còn không có áo khoác để chống gió. Nhìn học sinh tay run run nắn từng nét chữ mà tôi thấy chạnh lòng”.
Thương là vậy, nhưng để đồng hành cùng học trò, cô còn phải vượt qua thử thách rào cản về ngôn ngữ. Là giáo viên từ miền xuôi lên núi cao, cô gặp nhiều trở ngại khi phần lớn học sinh là dân tộc chưa thành thạo tiếng phổ thông.
“Những ngày đầu lên bản, tôi gần như không hiểu học trò nói gì. Tôi đành nhờ trưởng thôn và bí thư thôn chỉ từng chút một từ lời chào, tên đồ vật, đến những mẫu câu đơn giản”, cô Chi cười hiền.
Sau một thời gian gắn bó, cô giáo Phạm Thị Chi dần hòa vào cuộc sống nơi đây. Những buổi tối rét buốt, cô không vội trở về mà đến từng hộ gia đình để trò chuyện. Cô kể chuyện lớp, chuyện học trò, tranh thủ dạy phụ huynh vài chữ phổ thông. Để đáp lại, những món quà giản dị như nắm xôi, túi thóc hay bó rau rừng được bà con trao đến tay cô giáo. Đó là cách người dân thể hiện tình cảm và sự biết ơn với cô giáo miền xuôi đang tận tụy gieo chữ.
Chính trong những lần đi vận động học sinh, cô Chi thấm thía hơn bao giờ hết nỗi vất vả của người dân khi không biết chữ.
“Có lần, tôi chứng kiến bà con đọc nhầm hướng dẫn sử dụng thuốc nên dùng bị sai liều. Hay lúc làm giấy tờ, nhiều phụ huynh phải điểm chỉ vì không biết ký tên. Những điều ấy khiến tôi day dứt mãi. Tôi nghĩ rằng không chỉ trẻ em mà bất cứ ai cũng xứng đáng được biết chữ để tự bảo vệ và làm chủ cuộc sống của chính mình” - cô tâm sự.
Chính nỗi trăn trở đó, cùng tình thương dành cho người dân, đã thôi thúc cô tham gia ngay khi Nhà nước mở lớp xóa mù chữ. Với cô, biết chữ không đơn thuần là một bước ngoặt trong nhận thức, mà là cơ hội để người dân vươn lên làm chủ cuộc sống.

Hy vọng bắt đầu từ nét chữ
Giữa thôn bản heo hút Tùng Vài (Tuyên Quang), mỗi tối lại vang lên tiếng đọc “o”, “a”, đánh vần từng chữ cái. Đó không phải lớp học của học trò lên 5 hay lên 6 mà là nơi những người đã qua tuổi trưởng thành, tay còn lấm mùi nương rẫy đang lần đầu học viết tên của mình.
Đứng lớp là cô giáo Phạm Thị Chi, người đã gắn bó lâu năm với mảnh đất này. Từ giảng dạy học sinh tiểu học đến mở lớp xóa mù chữ cho bà con, cô nói: “Mình vẫn chỉ đang làm một việc duy nhất là gieo hy vọng bằng những nét chữ đầu đời”.
Cô Chi từng quen với những ánh mắt lanh lợi và tiếp thu nhanh của em các học sinh. Nhưng ở lớp xóa mù chữ, mọi thứ chậm rãi và vất vả hơn nhiều. Những bàn tay chai sần vì cầm cuốc nay lần đầu cầm bút, run run như thể chạm vào điều gì quá đỗi xa lạ.
“Tôi phải cầm tay từng người, chỉ từng nét nào viết trước, nét nào sau. Có người viết lại cả chục lần mới quen nhưng không ai bỏ cuộc”, cô kể với giọng đầy trìu mến.
Lớp học xóa mù chữ ở Tả Ván có 14 học viên, người hiểu được đôi chút tiếng phổ thông, người còn lạ lẫm với những nét chữ. Bởi vậy, cứ ai đọc được sẽ lại dịch giúp bạn bên cạnh. Họ học cùng nhau, san sẻ từng con chữ và động viên nhau mỗi khi nản lòng. Ở lớp học nhỏ này, không chỉ có cô giáo dạy mà mỗi học viên cũng là người thầy của nhau.
Cô Chi kể: “Có phụ huynh gần 40 tuổi, ban đầu ngại ngùng không dám đến lớp. Nhưng chỉ vài buổi sau, chị đã tiến bộ vượt bậc và có thể tự ký tên mình. Từ đó, ngày nào chị cũng đến lớp rất sớm để ôn lại bài trước”.
Bảy giờ kém mười lăm mỗi tối, tiếng đánh vần lại được vang lên giữa núi rừng bạt ngàn. Có hôm trời đổ mưa, lớp chỉ còn vài bóng người lặng lẽ đến học. Nhưng họ vẫn cặm cụi viết, vẫn gọi: “Cô ơi, chữ này viết thế nào?”. Cứ như vậy, cô giáo lại lặng lẽ cầm tay, nắn từng nét chữ như từng dạy trẻ nhỏ. Chỉ khác rằng, những “đứa trẻ” hôm nay đã trải qua cả một đời nhọc nhằn.
Với cô Phạm Thị Chi, biết chữ không chỉ là chuyện đọc, viết. Đó là cách để người dân đọc đúng hướng dẫn sử dụng thuốc, cách họ tự tay ký tên mình thay vì phải điểm chỉ. Xa hơn nữa, là khi cha mẹ có thể cùng con làm bài tập buổi tối. Và điều quan trọng hơn cả, đây chính là bước đầu để bà con tự tin bước ra khỏi bản làng và hiểu hơn về thế giới quanh mình.
Cô Chi không gắn bó với nghề chỉ vì bục giảng quen thuộc, cũng chẳng vì phấn trắng bảng đen. Điều níu cô ở lại suốt bao năm là ánh mắt biết ơn của học trò, là những nét chữ đầu đời còn run run trên trang vở. Từ đó, một giấc mơ đổi đời cũng dần nhen lên giữa núi rừng.
Và nếu ai hỏi vì sao cô gắn bó với nghề lâu đến vậy, cô chỉ mỉm cười - đôi mắt sáng lấp lánh ấy sẽ tự nói lên tất cả.