Thầy giáo về hưu kêu gọi góp "ATM gạo" nghĩa tình

GD&TĐ - Khi dịch Covid-19 phức tạp và TPHCM buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, người lao động nghèo đã khó khăn lại đối diện thêm vô vàn thách thức. Rất may, họ vẫn có những trái tim nhân ái hướng về với mình.

Một người già vào nhận gạo tại "ATM gạo" của thầy giáo về hưu cùng những người bạn
Một người già vào nhận gạo tại "ATM gạo" của thầy giáo về hưu cùng những người bạn

Là người từng thực hiện "ATM gạo" cho người có hoàn cảnh khó khăn vì dịch khi còn đương nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2020; khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát NGND. PGS.TS Hồ Thanh Phong (nguyên hiệu trưởng) không ngần ngại phát động phong trào "ATM gạo" hướng về người nghèo trên facebook của mình.

Chỉ một thời gian rất ngắn, những tấm lòng sẻ chia và đồng cảm của bạn bè, học trò, thầy cô giáo đã hướng chung nhịp đập nhân ái với ông để cùng nhau lan tỏa những yêu thương. 

PGS.TS Hồ Thanh Phong cho biết: Sau một tuần kêu gọi bạn bè, thầy cô giáo và mọi người thân quen, số tiền mà những tấm lòng nhân ái gửi về là hơn 250 triệu đồng. Đây là số tiền vượt khỏi ngoài suy nghĩ của ông nên bản thân PGS.TS Hồ Thanh Phong có chút lo lắng. 

Công tác đảm bảo an toàn phòng dịch được UBND phường hỗ trợ
Công tác đảm bảo an toàn phòng dịch được UBND phường hỗ trợ

"Mong muốn của tôi là muốn góp một chút sức nhỏ của mình để chia sẻ với những khó khăn của những người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy khi dịch Covid-19 ập tới, TPHCM thực hiện giãn cách tôi đã kêu gọi mọi người hướng về cộng đồng. Tuy nhiên, số tiền mà mọi người chia sẻ, gửi về vượt dự tính nên tôi đã liên hệ những người bạn, học trò cũ để cùng thực hiện.

Rất may mắn là khi tôi liên hệ anh Đỗ Văn Thuần- Giảng viên Khoa luật – Trường Đại học Văn Lang – Chủ tịch Chi hội từ thiện Minh Tâm, anh đã nhận lời đồng hành, chia sẻ, để lan tỏa những việc mà mọi công dân cần làm với cộng đồng "- PGS.TS Hồ Thanh Phong chia sẻ.

Ngay khi có được sự đồng hành của những người bạn, PGS.TS Hồ Thanh Phong đã lên kế hoạch mua gạo và thực hiện việc phát gạo cho người khó khăn dưới hình thức "ATM gạo" để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ông cho biết; để không phụ lòng mọi người, cũng như bản thân thấy phải có trách nhiệm tuyệt đối với việc này nên sau những giờ lên lớp online cùng sinh viên, ông đã dành nhiều đêm để ngồi thống kê, tính toán, cộng trừ làm sao để mua được nhiều gạo cho người dân, nhưng gạo vẫn phải ngon.

Bên trong cây "ATM gạo" có lực lượng hỗ trợ đưa từng túi gạo lên băng chuyền cho người dân đến nhận
Bên trong cây "ATM gạo" có lực lượng hỗ trợ đưa từng túi gạo lên băng chuyền cho người dân đến nhận

"Sau nhiều đêm tính toán, tôi quyết định sẽ chọn mua loại gạo 5 ký/mỗi bao, có giá 75.000 đồng. Đáng mừng là khi hiểu được ý định của tôi, một cựu sinh viên khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã liên hệ, hỗ trợ tôi một băng chuyền tự động phát gạo cho người dân"- ông nói. 

Sau 1 ngày chuẩn bị và triển khai lắp đặt dây chuyền, "ATM gạo" của thầy Phong cùng chi hội từ thiện Minh Tâm và những người bạn đặt tại số 80, 82, đường 50, phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TPHCM đã bắt đầu việc phát gạo cho người dân từ ngày 8/6.

Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, mỗi ngày "ATM gạo" dự kiến sẽ phát khoảng 400- 500 phần gạo cho bà con có nhu cầu (trong đó có khoảng 50 phần vãng lai). Mỗi phần là một bao gạo chất lượng có trọng lượng 5 ký.

"Với số lượng tiền quyên góp được đến thời điểm này thì quy đổi ra khoảng gần 17 tấn gạo để phát cho bà con mình. Thật lòng là tôi rất vui và hạnh phúc với những gì mà anh em, bạn bè thân hữu cùng cựu học trò đồng hành với mình. Nó cho thấy những yêu thương, chia sẻ luôn luôn hiện hữu quanh mình"- PGS.TS Hồ Thanh Phong nói. 

Việc thiết lập điểm đặt "ATM gạo" cũng như công tác vận chuyển gạo, hậu cần nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chi hội từ thiện Minh Tâm
Việc thiết lập điểm đặt "ATM gạo" cũng như công tác vận chuyển gạo, hậu cần nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chi hội từ thiện Minh Tâm

Ông Nguyễn Minh Nhựt- Chủ tịch UBND Quận Bình Tân cho biết: Những người dân đi nhận gạo tại địa điểm trên phần lớn những hộ này là người già yếu, hộ cận nghèo, neo đơn, phải đi làm thuê, làm mướn, công nhân bị mất việc. Vì vậy, những phần gạo hỗ trợ cho họ thời điểm này là rất đáng trân quý.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.