Giúp trò nghèo “vượt quy chế”!
Bước vào nghề từ năm 2008, thầy Tân háo hức muốn đem hết những gì mình đã học được ở giảng đường để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. 8 năm làm thầy giáo, thầy Tân luôn thương yêu học trò của mình. Từng cái tên được anh nhắc đến như những đứa con thân yêu, như những người em ruột thịt.
Huyện đảo Cô Tô còn nghèo, người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt cá, đi biển, kéo lưới nên việc chăm lo học hành cho các em còn chưa sát sao. Nhiều lúc, nhìn thấy học trò của mình ngày lên lớp rồi vội vàng chiều về theo cha mẹ ra biển, nước da đen giòn và nụ cười ánh lên sau mỗi đợt cá đầy lưới, lòng thầy Tân nặng trĩu. Thầy Tân càng cố gắng hơn nữa để truyền tình yêu học tập, đam mê nghiên cứu để các em ham đến trường hơn, có tương lai tươi sáng hơn.
Thầy giáo "cắm đảo" còn nhớ mãi kỉ niệm khi dạy Toán cho một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Bố mẹ của em chia tay nhau, tâm lý em cũng bị ảnh hưởng nhiều nên thường trầm tính, ít nói, lực học giảm sút. Năm học đó, em đã không đủ tiêu chuẩn lên lớp.
Trăn trở mãi, thầy giáo trẻ ngủ không yên giấc khi nghĩ rằng, có thể học sinh của mình sẽ chán nản mà nghỉ học, rồi lại đi biển trong khi tuổi đời còn quá trẻ khi không có đủ cả bố mẹ ở bên.
"Đánh liều" tâm sự với Ban giám hiệu nhà trường và xin cho học sinh của mình được thi lại. Được sự đồng ý, thầy Tân mừng "phát khóc". Kể từ đó, hai thầy trò ngày nào cũng học thêm để ôn tập lại kiến thức. Như hiểu được tình cảm và sự tận tụy của thầy giáo, học sinh đã nỗ lực hơn để hoàn thành kỳ thi lại với kết quả tốt.
“Hiện em đang là học sinh lớp 8 - lớp tôi đang chủ nhiệm - và giờ em đã hoạt bát, vui nhộn, rất hăng hái trong mọi hoạt động của lớp và đặc biệt rất hay phát biếu ý kiến xây dựng bài trong giờ học. Tôi vui khi khiến em nở nụ cười tươi hơn trong cuộc sống” – Thầy Tân chia sẻ.
Thầy Tân cũng rút ra kinh nghiệm : Để đạt được kết tốt trong công tác giảng dạy không chỉ dựa vào công sức hàng ngày bỏ ra trên lớp của người thầy mà còn phải dựa trên một sự cảm thông sâu sắc đến từng học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Được đứng trên bục giảng là hạnh phúc!
Trường THCS Thanh Lân thuộc xã đảo Thanh Lân là xã nghèo của tỉnh Quảng Ninh nên đời sống giáo viên và nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Có những hôm sóng to, biển động chẳng tàu thuyền nào qua lại cũng khiến việc thông thương trì hoãn, nhất là những khi cần vào đất liền lại không có tàu chạy cũng khiến bà con cũng như các thầy cô gặp trở ngại lớn.
Đời sống của nhân dân trên đảo còn nghèo, định cư rải rác trên địa bàn toàn xã nên việc đi lại của học sinh rất vất vả; Giao thông liên lạc chưa được thuận tiện nên việc cập nhật thông tin còn chậm.
Bản thân thầy Tân cũng gặp nhiều khó khăn vì con còn nhỏ, vợ chưa xin được việc làm nên cả nhà đều trông chờ vào lương giáo viên của thầy. Thế nhưng, thầy giáo trẻ vẫn cười: Còn được đứng trên bục giảng, được truyền đạt kiến thức cho trò, đối với tôi là hạnh phúc lớn nhất.
Thầy Tân cũng thường xuyên tham gia các phong trào mũi nhọn của trường, của phòng Giáo dục và có những kết quả nhất định trong công tác giảng dạy và rèn luyện học sinh.
Chia sẻ cảm nhận của mình khi sắp tới được tuyên dương, thầy Tân nói: Điều qua trọng nhất với tôi khi bước vào nghề đó là tôi được sống trong môi trường thuận lợi, một tập thể đoàn kết, hết lòng vì đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm. Tôi hiểu rằng để dạy học suốt đời thì mỗi ngày cần có trí tuệ, có lòng yêu trò trong từng cuộc trao nhận kiến thức. Bản thân tôi càng cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để góp sức mình trong sự nghiệp giáo dục.
Đến với từng hoàn cảnh của các thầy cô, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long - chia sẻ: Có đi mới thấu hiểu hết những gì mà thầy cô giáo ngoài đảo đã vượt qua. Chính vì lý do đó, chúng tôi càng muốn cố gắng nhiều hơn nữa để những năm sau được đồng hành cũng chương trình, cũng chính là cùng động viên các thầy cô giáo thêm yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp giáo dục.