Thầy giáo thiết kế truyện cổ tích Jrai song ngữ

GD&TĐ - Thầy Hoàng Việt Trung, Trường THPT Pleime (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) đã cùng nhóm nghiên cứu và thiết kế thành công “Truyện cổ tích Jrai bằng tranh dành cho HS dân tộc thiểu số phiên bản song ngữ Việt – Jrai”.

Thầy Trung khảo sát tính khả thi của sản phẩm tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân.
Thầy Trung khảo sát tính khả thi của sản phẩm tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân.

Khôi phục truyện cổ Jrai

Là người Nam Định nhưng đã công tác và giảng dạy tại Gia Lai 10 năm nay, thầy Trung luôn mong muốn được góp sức mình để xây dựng địa phương, nhất là truyền thụ kiến thức văn hóa cho thế hệ trẻ. Thầy nhận thấy ít có sự đầu tư khai thác truyện cổ tích Jrai nên việc nghiên cứu, khôi phục và bảo tồn truyện cổ tích Jrai là một nhiệm vụ cấp thiết.

Gia Lai là vùng đất cộng cư của 44 dân tộc anh em. Trong kho tàng văn học dân gian, người Jrai và Bahnar đã để lại một khối lượng đồ sộ về các loại hình. Đó là sử thi, truyện cổ, truyện thơ, câu đố, câu nói vần, ca dao và dân ca. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đã làm cho văn hóa bản địa ngày càng bị mai một. Trong đó truyện thơ, truyện cổ tích Jrai ngày càng mất đi vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.

Thầy Việt Trung hy vọng nghiên cứu của nhóm sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về truyện cổ tích của người Jrai. Từ đó sẽ bảo tồn và phát huy những giá trị văn học nghệ thuật đặc sắc tại nơi thầy đang sinh sống.

Truyện được thiết kế với các nhân vật, hình ảnh sinh động gắn liền với các hoạt động sản xuất kinh tế, xã hội, đời sống tâm linh của người Jrai; Đồng thời được dịch sang tiếng Jrai phục vụ cho giáo viên, học sinh người Jrai có cơ hội tiếp cận chữ viết của dân tộc mình. Việc này còn nhằm góp phần bảo tồn chữ viết Jrai, khơi dậy ý thức bảo tồn văn hóa cho học sinh.

Sản phẩm truyện cổ tích do nhóm nghiên cứu thiết kế.
Sản phẩm truyện cổ tích do nhóm nghiên cứu thiết kế.

Sản phẩm giá “không đồng”

Truyện được chia thành 3 thể loại. Truyện cổ tích về các loài vật; truyện cổ tích sinh hoạt và truyện cổ tích thần kỳ. Để làm ra sản phẩm, nhóm tác giả sưu tầm truyện cổ tích Jrai trên thư viện tỉnh. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được 6 câu chuyện của tác giả Rơ mah Đel trong cuốn Truyện cổ Gia Lai – Kon Tum. 4 câu chuyện được nhóm sưu tầm từ già làng, cán bộ xã là người Jrai và giáo viên dạy tiếng Jrai.

10 câu chuyện được phân thành 3 loại phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5. Nhóm chuyển thể sang dạng tranh. Sau khi đã dịch sang tiếng Jrai, tác giả đã nhờ thầy cô dạy tiếng Jrai hiệu đính.

Cuối cùng, nhóm gửi bản thảo đến các chuyên gia am hiểu về văn hóa, chữ viết Jrai. Sau thẩm định của chuyên gia, nhóm tác giả đã chỉnh sửa và mang sản phẩm thực nghiệm ở trường tiểu học để đánh giá khả năng áp dụng, tính hiệu quả và mức độ ảnh hưởng của sản phẩm. Trên cơ sở đó, thầy Trung đã đề xuất ý kiến với các cơ quan chuyên môn về việc áp dụng sản phẩm trong trường tiểu học và trong bảo tồn văn hóa dân gian Jrai.

Theo thầy Trung, sản phẩm được đánh giá là một học liệu phù hợp với địa bàn vùng sâu, vùng xa. Xét về phương diện bảo tồn văn hóa dân gian thì sản phần này gần gũi với các em học sinh là người dân tộc. Thầy Trung chia sẻ: “Để làm ra sản phẩm truyện cổ tích Jrai bằng truyện tranh, chúng tôi sử dụng các vật liệu là 50 trang giấy trắng khổ A4, 1 hộp màu nước, 1 hộp bút màu sáp và bút chì 2B. Nhóm đã mất 6 tháng liên tục kể từ lúc sưu tầm cho đến lúc hoàn thiện và thực nghiệm tại trường tiểu học”.

Chi phí ban đầu cho 1 cuốn truyện tranh là 100 nghìn đồng. Sau đó để tiết kiệm thời gian và hạ giá thành khi nhân bản thành nhiều cuốn, thầy Trung và nhóm nghiên cứu của mình đã dụng máy scan và máy in màu Epson L805 nên giá thành rất rẻ, chỉ mất 25 nghìn đồng/sản phẩm.

“Sản phẩm truyện cổ tích Jrai bằng tranh của chúng tôi khi xuất bản sẽ có 2 khổ khác nhau. Khổ A4 có giá 25 nghìn đồng, còn khổ A5 có giá 18 nghìn đồng” – thầy Trung chia sẻ. Truyện tranh đã được đưa vào Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Ia Ga) và Phạm Hồng Thái (xã Ia Lâu) bắt đầu từ tháng 10/2020 đến hết tháng 4/2021.

Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đã sử dụng truyện cổ tích Jrai giống như một tài liệu học tập, phục vụ cho các hoạt động giáo dục của nhà trường. Tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, sản phẩm này đã được Ban giám hiệu nhà trường triển khai tại các điểm trường làng Đút và điểm trường làng Tu với 100% học sinh là người Jrai được đọc và học.

Nhóm tác giả đã gửi công trình tham gia “Tri thức trẻ vì giáo dục”. Đây là chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long triển khai. Chương trình nhằm tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo.

Nhóm tác giả cho biết sẽ liên hệ đến cơ quan chức năng để công bố sản phẩm này với giá “không đồng”. Tác giả mong muốn các bạn nhỏ có thể đọc truyện tranh mà không phải trả phí.

Chúng tôi muốn lan tỏa truyện tranh đến đông đảo bạn đọc là học sinh tiểu học. Nhất là học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, vùng sâu của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng. Vì thế, chúng tôi sẽ gửi bản quyền của sản phẩm đến hội đồng biên soạn chương trình địa phương bậc tiểu học của Sở GD&ĐT Gia Lai. Chúng tôi sẽ đề xuất áp dụng cuốn truyện vào phân môn văn hóa cho học sinh tiểu học.  - Thầy Hoàng Việt Trung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.