Khó khăn cũng không nản lòng
Sinh ra và lớn lên tại huyện Văn Quan, Lạng Sơn, cô Thu Hằng từ nhỏ đã đặc biệt quan tâm và yêu quý trẻ em với mong muốn đóng góp một phần sức mình vào sự phát triển của trẻ và vì cộng đồng. Năm 2014 cô quyết định thi vào ngành giáo dục mầm non của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên.
Tốt nghiệp năm 2018, ban đầu cô được phân công về dạy một trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Đến năm 2020, cô được chuyển công tác về huyện nhà giảng dạy. Từ đó đến nay, cô giáo gắn bó với điểm trường Thanh Đông thuộc Trường Mầm non Tú Xuyên, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã được 4 năm.
“Cắm chốt” tại xã diện đặc biệt khó khăn, công việc chủ yếu của cô giáo vùng cao là trực tiếp đứng lớp chăm sóc, nuôi dưỡng và truyền đạt những kỹ năng cần thiết và giúp trẻ phát triển theo hướng toàn diện.
“Để đạt được kỳ vọng đó, tôi phải phối hợp với gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt khi trẻ tại điểm trường hầu hết là dân tộc thiểu số”, cô Hằng chia sẻ
Thời điểm mới ra trường, đi làm năm 2018, mức lương khởi điểm của cô chỉ có 3,3 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức sinh hoạt. “Bên cạnh đó, áp lực từ nghề giáo viên mầm non cũng không hề nhỏ, nhất là khi các con gặp vấn đề về tâm lý hay thể hiện cảm xúc là điều vô cùng thử thách với các cô”, cô Hằng tâm sự.
Chưa kể, thời điểm đó điều kiện cơ sở vật chất thực sự là thách thức không chỉ với riêng cá nhân cô. Do là điểm trường nằm tại xã vùng núi đặc biệt khó khăn nên điểm trường Thanh Đông thiếu thốn rất nhiều trang thiết bị, phòng chức năng phục vụ công tác dạy và học.
Những ngày thời tiết xấu đường đi tới trường càng khó khăn hơn. Vừa rồi cơn bão số 3 càn quét qua, đường tới trường tôi bị đất sạt lở chắn gần như hết lề đường, không thể đi lại được, phải đi vòng qua đường khác. Một số trẻ phải đi qua cầu qua suối để đến trường rất nguy hiểm.
Đối mặt với những khó khăn đó, cô Hằng luôn xác định một khi đã lựa chọn gắn bó với nghề, lương tâm và đạo đức của nhà giáo không cho phép cô từ bỏ công việc mình đang làm, đặc biệt bởi tình yêu dành cho các con là niềm đam mê, nguồn động lực để cô vượt qua.
Gian nan dạy tiếng phổ thông
Niềm an ủi và món quà lớn nhất cô Hằng nhận được trong thời gian gắn bó cùng các em mẫu giáo là sự chăm ngoan, ham học và muốn được đến trường của trẻ. Mỗi khi nhắc đến, cô Hằng luôn tự hào về các học sinh vùng cao của mình.
Cô Hằng tâm sự: “Khi được vận động tìm kiếm nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có tại địa phương, các bạn luôn tìm được những nguyên liệu rất gần gũi trong đời sống các bạn để đóng góp cho các cô làm thành đồ dùng học tập.”
Nhưng bên cạnh đó, do trẻ ở điểm trường phần lớn là con em dân tộc thiểu số, nhiều em còn chưa nói được tiếng phổ thông, quá trình học các em phải dùng song ngữ dẫn đến rào cản ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp và truyền đạt rất lớn; hay có em hoàn cảnh gia đình khó khăn bố mẹ đi làm ăn xa, mọi việc hầu như giao cho ông bà các em, dẫn đến liên lạc 2 chiều giữa nhà trường, thầy cô với phụ huynh còn chậm dù đã cố gắng khắc phục.
Hơn 4 năm “bám bản mang con chữ” cho trẻ mẫu giáo, cô Hằng vẫn không thể quên hình ảnh trò của mình đến lớp trong bộ quần áo đã ướt hết, mùa đông lạnh vậy mà cô để ý thấy các em đi chân trần, các cô phải lấy máy sấy hong khô quần áo cho các em. Lại có bạn đem nắm xôi đến lớp tặng khiến cô vô cùng cảm động.
“Đó là khi mình nhận ra công việc của mình không chỉ dạy kiến thức mà còn giúp các em phát triển tình yêu thương giữa con người với con người”, cô Hằng xúc động kể lại.
Trong đề án phát triển giáo dục của tỉnh giai đoạn 2018-2025, bao gồm trọng tâm nâng cao tỉ lệ tiếp cận giáo dục mẫu giáo của trẻ, cô Hằng và đồng nghiệp để vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường có khi phải tới tận nhà thuyết phục cha mẹ các em hiểu về tầm quan trọng của mẫu giáo và đồng ý cho các em đi học.
Đồng thời, cô còn tham mưu cùng ban giám hiệu nhà trường trong công tác giảng dạy và thực hiện vận động nguồn xã hội hóa để tổ chức hoạt động ngoại khóa cho các em với mục tiêu rèn luyện đức tính đoàn kết, cho các em thể hiện bản thân theo đúng tinh thần giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Theo đánh giá của cô Lý Khánh Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tú Xuyên, cô Hằng là giáo viên trẻ nhiệt huyết, nhiều thành tích trong quá trình giảng dạy; là giáo viên giỏi chuyên môn, biết ứng dụng công nghệ vào giảng dạy để bài giảng hấp dẫn, thu hút trẻ chú ý. Đặc biệt, cô đạt nhiều thành tích trong thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.