Nữ giáo viên dân tộc Thái dìu dắt học trò giành giải cấp tỉnh

GD&TĐ - Mặc dù tuổi nghề còn trẻ nhưng nữ giáo viên người dân tộc Thái đã dìu dắt học trò người Mường giành giải Văn cấp tỉnh.

Cô giáo Vi Thị Thu Hằng. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Vi Thị Thu Hằng. Ảnh: NVCC.

Nữ sinh người Mường giành giải Văn cấp tỉnh

Trần Nguyễn Huyền Trân, nữ sinh lớp 11A1 (người dân tộc Mường), Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) sinh ra, lớn lên ở thị trấn Lang Chánh. Bố em công tác trong ngành Công an, mẹ là công chức nhà nước.

Thông tin nữ sinh Trần Nguyễn Huyền Trân, Trường THPT huyện miền núi Lang Chánh đoạt giải Nhì cấp tỉnh, môn Văn đã khiến nhiều người trầm trồ, khen ngợi.

Em đã mang đến luồng gió mới cho ngôi trường ở miền núi khó khăn này, khi trở thành nữ sinh đoạt giải Nhì cấp tỉnh môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) vừa qua.

Người đã có công dìu dắt nữ học trò đoạt giải Nhì cấp tỉnh, đó là cô giáo Vi Thị Thu Hằng (người dân tộc Thái) – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lang Chánh.

“Em có được kết quả của ngày hôm nay, đó là nhờ công lao dìu dắt của các thầy, cô giáo trong trường, đặc biệt là cô Vi Thị Thu Hằng. Nhờ sự tận tâm, tận tụy của cô giáo, đã khơi dậy tình yêu môn Văn học để em có nghị lực phấn đấu học tốt môn học này. Em sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa, để không phụ công lao dạy dỗ của cô giáo”, Huyền Trân thổ lộ.

Trước đó, năm học 2021-2022, khi đang học lớp 10 Huyền Trân cũng đã tham dự kỳ thi HSG và giành được giải Khuyến khích. Huyền Trân cho rằng, chính điều đó là thử thách và áp lực rất lớn về kết quả của năm lớp 11. Nhưng đồng thời, nó cũng thúc đẩy nữ sinh phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để khẳng định bản thân và không phụ công cũng như sự kì vọng của gia đình lẫn công sức của thầy, cô giáo.

Cô giáo Vi Thị Thu Hằng và nữ sinh Trần Nguyễn Huyền Trân. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Vi Thị Thu Hằng và nữ sinh Trần Nguyễn Huyền Trân. Ảnh: NVCC.

“Khi hoàn thành xong bài thi cho tới lúc đối chiếu đáp án, em tự cảm nhận bài thi của mình ổn và khá hoàn chỉnh. Đối với em, để đạt được giải Nhì môn Ngữ Văn năm lớp 11 cũng nhờ một phần vào may mắn. Đó là điều mà em đã dùng công sức, mồ hôi và cả niềm đam mê để giành được”, Huyền Trân bộc bạch.

Bày tỏ lòng kính mến của mình về người đã dìu dắt em giành giải Nhì môn Văn cấp tỉnh, Huyền Trân chia sẻ: “Cô Thu Hằng là giáo viên bộ môn Ngữ Văn của lớp chúng em, nhưng mới chỉ đảm nhận việc ôn đội tuyển học sinh giỏi vào năm em học lớp 11. Đây cũng là lần đầu tiên cô ôn luyện HSG, nhưng em có thể cảm nhận rõ sự nhiệt huyết, tận tình, quan tâm sâu sắc, đồng thời là kiến thức chuyên môn vững chắc của cô. Đối với em, việc cô giáo Thu Hằng luôn tâm lý, cổ vũ tinh thần cho học sinh chính là điều quan trọng nhất. Cả cô và trò đều có những áp lực nhất định về kết quả, nhưng cô không bao giờ đặt nặng vấn đề đó đối với các em. Từ đó tạo ra không khí học tập rất thoải mái, mà vẫn có thể tiếp thu tốt kiến thức”.

Nữ giáo viên 9X chia sẻ việc ôn luyện

Trò chuyện với GD&TĐ, nữ giáo viên Vi Thị Thu Hằng (31 tuổi), người dân tộc Thái, hiện đang công tác tại Trường THPT Lang Chánh khá khiêm tốn. Cô Thu Hằng cho rằng, là một GV đang trẻ về tuổi nghề, nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như ôn luyện học sinh giỏi (HSG).

Dù mới được biên chế vào Trường THPT Lang Chánh năm 2020, nhưng sau một thời gian công tác, cùng với sự trau dồi, nỗ lực tìm tòi và tiếp thu học hỏi kinh nghiệm từ các anh, chị đồng nghiệp, cô Thu Hằng đã rút ra cho mình một số phương pháp trong việc giảng dạy cũng như ôn luyện đội tuyển HSG và bước đầu đã có thành công.

Cô giáo Thu Hằng (thứ 2 từ phải sang) cùng các nữ đồng nghiệp, Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Cô giáo Thu Hằng (thứ 2 từ phải sang) cùng các nữ đồng nghiệp, Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

“Trong công tác giảng dạy, tôi phải luôn cố gắng “làm mới mình” trong mỗi tiết dạy bằng việc sử dụng kết hợp linh hoạt giữa các phương pháp giảng dạy truyền thống và các phương pháp dạy học mới tích cực để HS cảm thấy hứng thú, có tâm thế thoải mái nhất tiếp nhận bài học.

Tôi thường mở đầu tiết học bằng những trò chơi khởi động, hay một mẩu chuyện thú vị nào đó. Trong tiết học cố gắng phát huy nhiều nhất vai trò tích cực của học sinh. Tạo ra điều kiện thuận lợi cho các em được làm việc, được trao đổi thảo luận, được thuyết trình, bày tỏ ý kiến quan điểm của mình, hoạt động nhóm...”, cô Hằng chia sẻ.

Cũng theo nữ giáo viên, trong dạy tác phẩm thơ, nhất là những bài thơ đã được phổ nhạc, cô thường mở các ca khúc cho học sinh nghe, hát lại... điều đó làm cho học trò sinh hứng thú hơn và sẽ ghi nhớ bài thơ tốt hơn. Việc ghi nhớ kiến thức trọng tâm bài học cũng dễ dàng hơn cho học trò.

“Trong dạy tác phẩm truyện, tôi thường yêu cầu học trò của mình học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, vẽ tranh phác họa, diễn tiểu phẩm... Những cách làm này cũng khiến các em ghi nhớ cốt truyện dễ dàng hơn. Đặc biệt, khi được nhập vai vào các nhân vật, sẽ giúp học sinh cảm thụ được tâm lý nhân vật, đồng thời cũng khơi gợi được sự thích thú của các em đối với tác phẩm”, cô Hằng tâm sự.

Trong quá trình dạy học, nữ giáo viên Vi Thị Thu Hằng luôn gần gũi, chia sẻ động viên và khích lệ tinh thần học sinh. “Nếu học trò không thể học theo cách mà tôi dạy, thì tôi sẽ cố gắng dạy theo cách mà học trò của mình có thể học. Với học sinh, tôi cảm thấy mình vừa là chị, là mẹ, là cô, là những người bạn, hòa đồng thân thiện nhưng vẫn kỉ cương, nghiêm khắc”, cô Hằng bộc bạch.

Chia sẻ về phương pháp ôn luyện HSG trong đội tuyển, nữ giáo viên thế hệ 9X cho biết, cô phải tự xây dựng kế hoạch cho mình thật cụ thể, chi tiết từng phần, từng nội dung và thời gian hoàn thành các nội dung đó. Đồng thời, yêu cầu học sinh đọc qua tất cả các tác phẩm trong chương trình thi; nêu những cảm nhận ban đầu về tác phẩm. Sau đó, dạy cho các em thật kỹ, nắm chắc phần lý luận văn học - tức là tập trung hướng dẫn cách đưa lý luận văn học vào bài viết.

Nữ giáo viên Vi Thị Thu Hằng đang ôn luyện cho học sinh tại trường. Ảnh: NVCC.

Nữ giáo viên Vi Thị Thu Hằng đang ôn luyện cho học sinh tại trường. Ảnh: NVCC.

“Sau khi phân tích, cung cấp kiến thức cho các em, tôi thường yêu cầu học sinh lên bảng giảng lại và tôi nhận xét, bổ sung kiến thức. Mục đích là để học sinh khắc sâu kiến thức trọng tâm bài học”, cô thông tin thêm.

Cô Thu Hằng cho biết, khi học sinh đã nắm chắc kiến thức trọng tâm, cô bắt đầu tập trung cho các em luyện đề. Học sinh không sử dụng tài liệu và hoàn thành các đề; giáo viên đọc và sửa thật kỹ đề cho các em. Chỗ nào viết chưa đạt, thì yêu cầu viết lại. Mỗi ngày, cô giáo Thu Hằng thường yêu cầu các em viết từ 2 đến 3 đề. Trong thời gian học sinh viết bài, cô giáo cũng ngồi viết cùng học trò của mình.

“Đối với nghị luận xã hội, tôi tập trung truyền đạt cho học trò của mình thật kỹ càng ở các dạng, các bước viết đoạn văn nghị luận xã hội. Đặc biệt, chú trọng hướng dẫn các em cách đưa các hình ảnh so sánh, ẩn dụ... vào đoạn văn nghị luận xã hội để tránh bài viết khô khan...”, cô Thu Hằng tâm sự.

"Trần Nguyễn Huyền Trân là một học sinh rất chăm ngoan, lễ phép, sống hòa đồng với bạn bè, được thầy, cô giáo và các bạn yêu mến. Trong học tập, Huyền Trân có khả năng tư duy về nghị luận xã hội rất tốt. Đặc biệt, em ấy có trí nhớ các môn xã hội rất giỏi.

Ngoài ra, các môn Tự nhiên, Huyền Trân cũng học rất tốt. Trước kia, bạn ấy có biểu hiện “sợ” học môn Toán, nhưng khi vào lớp 10, tôi đã động viên, khích lệ em rất nhiều và giờ đây em đã vượt qua cảm giác “sợ” môn Toán. Hơn nữa, em còn có khả năng tiếp cận và tự giải quyết những bài hình học khó của lớp 11 rất tốt", thầy Nguyễn Công Hiến – giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1, Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.