Dạy tiếng Việt cho HS dân tộc: Hút người học bằng cách làm hay

GD&TĐ - Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số (DTTS), các địa phương đã rà soát, xây dựng điều kiện triển khai chương trình trong các cơ sở GD mầm non và tiểu học.

Giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học & THCS Khao Mang, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TG
Giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học & THCS Khao Mang, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TG

Cùng với đó tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt tại những nơi giáo viên dạy lớp ghép nhiều dân tộc và nhiều độ tuổi ở bậc học mầm non; giáo viên dạy trẻ vùng 100% đồng bào DTTS sống biệt lập ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. 

Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ DTTS

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT, hoạt động tăng cường tiếng Việt (TCTV) đã và đang được các cấp chính quyền địa phương quan tâm và đem lại hiệu quả tích cực. Hiện thực hóa các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, hằng năm, các sở GD&ĐT đều hướng dẫn thực hiện nội dung TCTV trong nhiệm vụ năm học. Một số tỉnh còn ban hành chính sách địa phương (hỗ trợ trẻ em người DTTS tiền ăn trưa) nhằm  bảo đảm tỷ lệ chuyên cần; ban hành chính sách hỗ trợ GV trực tiếp dạy TCTV cho trẻ.

Như ở Quảng Ninh, HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết quy định cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh với trẻ mầm non và GV công tác tại vùng khó khăn. Theo đó, trẻ được miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách của Nhà nước; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non học 2 buổi/ngày; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non học 2 buổi/ngày. Tỉnh Kon Tum cũng có nghị quyết hỗ trợ GV dạy phụ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục với HS DTTS. Bình Thuận cũng sửa đổi quy định chế độ trợ cấp đối với HS DTTS ở các thôn, xã miền núi, vùng cao trên địa bàn. Còn tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành chế độ hỗ trợ GV và HS các lớp tập nói tiếng Việt trong hè và tài liệu học tập; GV trực tiếp giảng dạy.

 PGS.TS Nguyễn Bá Minh, cho biết: Các sở GD&ĐT tỉnh, thành phố tích cực hướng dẫn phòng GD&ĐT, cơ sở GDMN xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm học theo nội dung phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và nhu cầu cần TCTV của từng trẻ. Nhiều tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDMN tổ chức cho trẻ “Làm quen và giao tiếp bằng tiếng Việt” trước khi bước vào năm học mới.

Học sinh và phụ huynh cùng tiếp cận

Các địa phương đã triển khai nhiều cách thức tổ chức TCTV, gắn với “Xây dựng môi trường văn hoá đọc”; “Thư viện thân thiện”; “Tiếng Việt của chúng em”; “Câu lạc bộ nói, viết bằng tiếng Việt”, “Tổ chức hội thi kể truyện, đọc thơ, hát”... ; đồng thời tuyên truyền tới cha mẹ trẻ và cộng đồng dưới nhiều hình thức sáng tạo. Trong đó huy động sự phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cũng như già làng, trưởng bản… để nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là cán bộ quản lý, giáo viên, các bậc cha mẹ trẻ về việc TCTV cho trẻ em người DTTS.

Nhà giáo Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho hay: Chúng tôi tăng cường công tác truyền thông về nhiệm vụ TCTV cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS với nhiều hình thức. Quan điểm là không chỉ HS mà cả phụ huynh đều tiếp cận được. Cách làm hay, hiệu quả hấp dẫn sẽ thu hút người học và nâng cao chất lượng học tiếng Việt. Từ việc tăng cường tuyên truyền trên loa, đài phát thanh tại các thôn bản, cho đến tổ chức ngày hội giao lưu TCTV tại nhà trường kết hợp tuyên truyền qua buổi họp phụ huynh định kỳ; lồng ghép các hoạt động trong trường mầm non, tiểu học, thông qua loa đài, bảng tuyên truyền tại trường lớp; nhà trường phối hợp với trưởng thôn bản để tuyên truyền trong các buổi họp, sinh hoạt, vận động gia đình người DTTS cho con em đến trường lớp, để trẻ có nhiều cơ hội, thời gian học tiếng Việt.

Ở huyện miền núi Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh, đổi thay cách làm mang lại hiệu quả tích cực trong việc TCTV cho học sinh ở vùng DTTS. Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: Chúng tôi để phụ huynh thường xuyên nói chuyện, giao tiếp, chơi với trẻ; tạo cơ hội, môi trường giao tiếp tiếng Việt cho trẻ trong gia đình. Khuyến khích phụ huynh tham gia vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ do trường tổ chức. Nhiều trường xây dựng tốt môi trường TCTV, khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng con tại thư viện thân thiện của trường; hướng dẫn cha mẹ lựa chọn tài liệu, sách truyện phù hợp để đọc cho con khi ở nhà. Phối hợp các đoàn thể, đơn vị bộ đội… bồi dưỡng thêm về tiếng Việt cho các bậc cha mẹ là người DTTS. Những cách làm sáng tạo này đã và đang làm đổi thay, nâng cao hiệu quả và chất lượng TCTV cho học sinh vùng DTTS.

Để TCTV cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho GV dạy TCTV cho trẻ em người DTTS. Theo đó, GV trực tiếp thực hiện TCTV cho trẻ tại các điểm lẻ vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 450.000 đồng/tháng; Xây dựng tài liệu hướng dẫn TCTV cho trẻ em mầm non người DTTS, biên soạn Bộ tài liệu học liệu về TCTV phù hợp với trẻ em mầm non người DTTS (2017). Tập huấn hướng dẫn thực hiện chuyên đề Tăng cường phát triển nghe nói, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt cho trẻ em mầm non người DTTS.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ