Thầy giáo miền Tây chèo thuyền đi vận động học sinh đến trường

GD&TĐ - Hơn 21 năm gắn bó với học sinh miền Tây, thầy Huỳnh Tấn Đức luôn căn dặn học trò chỉ có giáo dục mới giúp các em chạm đến giấc mơ, thay đổi cuộc đời.

Thầy Huỳnh Tấn Đức, giáo viên Trường TH&THCS Kế Thành (xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).
Thầy Huỳnh Tấn Đức, giáo viên Trường TH&THCS Kế Thành (xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).

Không có lộ (đường) thì tôi... chèo xuồng

Xuôi về phía hạ lưu sông Hậu, tôi đã bắt gặp cảnh những học trò nhỏ ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vừa tan học đã vội về nhà cất sách vở phụ giúp cha mẹ thả lưới.

Dừng xe bên xóm nhỏ, tôi hỏi thăm đường đến nhà thầy Huỳnh Tấn Đức, giáo viên Trường TH&THCS Kế Thành (xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) bất kể ai cũng biết. Theo lời chỉ dẫn của nhóm học sinh nhỏ, tôi đi theo con đường kênh nhỏ chạy dọc ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành tìm đến nhà thầy.

Thầy Đức năm nay ngoài 40 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng, chuyên ngành Toán Tin, thầy được phân về Trường TH&THCS Kế Thành công tác cho đến nay đã hơn 21 năm.

Thầy Đức kể: “Ngày tôi nhận công tác, trường mới thành lập được bốn năm với vô vàn thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng đó không phải là điều mà tôi lo lắng. Áp lực lớn nhất với tôi là học trò người Khmer các em rất nhút nhát, nhiều em chưa thành thạo tiếng phổ thông nên quá trình dạy tôi sẽ bị hạn chế khi kết nối với học trò”.

Được biết, những tiết học đầu tiên thầy Đức đã khá sốc khi học trò giao tiếp chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ, giờ học dường như rất rời rạc, không có kết nối.

“Thấy như vậy không ổn, tôi nghĩ ra quy ước, trong giờ học thầy trò chỉ được nói tiếng phổ thông. Giờ ra chơi, các em sẽ dạy thầy tiếng Khmer. Cũng từ đó, thầy và trò gần gũi với nhau hơn, nhờ các em tôi biết được văn hoá, phong tục tập quán của học sinh. Nhiều em có gì khó khăn cũng tâm sự với tôi”, thầy Đức kể lại.

Bên cạnh đó kết thúc một ngày làm việc, thầy Đức không về nhà ngay mà thường ở lại trường thêm để nhờ đồng nghiệp dạy thêm tiếng Khmer hoặc trò chuyện cùng học trò để hiểu và biết được tâm tư của trò.

Thầy Đức trải lòng: “Khi mình biết tiếng Khmer quá trình nói chuyện, giảng dạy sẽ thuận tiện hơn, tôi có thể gần gũi với học trò cũng như phụ huynh. Bên cạnh đó, quá trình đi thực tế thăm tôi cũng hiểu hơn về cuộc sống người dân nơi đây, từ đó càng cố gắng tới lớp vì các học trò”.

Học sinh của thầy Đức chủ yếu là người dân tộc thiểu số, gia đình nhiều em chưa thực sự hiểu hết giá trị của con chữ vì vậy thực trạng học sinh nghỉ học giữa chừng để theo cha mẹ lên thành phố làm thuê vẫn còn. Không cam tâm để học trò nghỉ học, ngày đi dạy, đêm về thầy lại chèo thuyền đến nhà vận động các em quay trở lại trường.

Thầy Đức nhớ lại: “Những năm 2003, 2004 thời điểm đó ở đây chưa có đường, đi lại chủ yếu bằng thuyền. Ngày đi dạy, đêm về chèo thuyền đến nhà học sinh vận động các em quay trở lại trường.

Nhiều em chỉ cần một lần vận động là phụ huynh đã đồng ý cho đi học trở lại, nhưng có những em phải đi rất nhiều lần mới được, chỉ cần học sinh được đi học trở lại tôi sẵn sàng đi dẫu khó khăn, vất vả không hề hấn gì”.

f152f6590278b826e169.jpg
Thầy Đức nhiều năm liền được phân công công nhiệm vụ Tổng Phụ trách Đội.

Thử sức với nhiệm vụ mới

Là thầy giáo trẻ nhiệt tình, tâm huyết ngoài giảng dạy môn Toán – Tin, thầy Đức còn được phân công công nhiệm vụ Tổng Phụ trách Đội.

“Lúc được phân công nhiệm vụ, tôi đã không khỏi áp lực, chưa kể, ngày mới nhận nhiệm vụ, tôi được cử tham gia Cuộc thi chỉ huy Đội giỏi cấp huyện. Chưa có kinh nghiệm, tôi đã xin rút khỏi cuộc thi. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Phú Được - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Kế Thành đã động viên tôi “thầy biết là em làm được”.

Câu nói đó đã truyền cho tôi động lực. Ngay sau đó, tôi nhờ có sự trợ giúp của một số đồng nghiệp đã chọn ra được nhóm học sinh cùng tập luyện, cuối cùng không phụ sự mong mỏi của toàn trường khi đội tuyển của đại diện cho trường tham dự cuộc thi đạt giải 3 toàn huyện”, thầy Đức kể.

21 năm qua gắn bó cùng các lớp học trò xã Kế Thành, trong đó 1/3 thời gian làm Tổng Phụ trách Đội, thầy Đức vẫn lặng lẽ miệt mài hàng năm đều công tác tham mưu, kêu gọi vận động chăm lo cho các học trò Khmer có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Thầy Đức đã kết nối với Hội Chữ thập đỏ huyện Kế Sách để xây nhà cho 4 học sinh gia đình khó khăn với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng.

Làm việc cùng với thầy Đức nhiều năm, cô Trần Thị Thu Kiều, giáo viên môn Nghệ thuật Trường TH&THCS Kế Thành chia sẻ: “Thầy Đức là một giáo viên gương mẫu, năng nổ, nhiệt huyết trong công việc.

Ngoài chú trọng chuyên môn, thầy luôn dành thời gian để động viên, hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có động lực vươn lên.

Không chỉ vậy, đối với đồng nghiệp thầy Đức luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ