Khi giáo viên làm 'trọng tài' hòa giải mẫu thuẫn giữa phụ huynh và học sinh

GD&TĐ - 21 năm gắn bó với nghề giáo, cô giáo Phùng Thị Vui luôn hướng đến việc làm sao dạy dỗ các em nên người chứ không chỉ đơn thuần giảng giải kiến thức.

Một tiết học của cô giáo Phùng Thị Vui và học sinh. Ảnh TĐ.
Một tiết học của cô giáo Phùng Thị Vui và học sinh. Ảnh TĐ.

Cầu nối giảng hoà

Những ngày cuối tháng 10, tôi có dịp trò chuyện với cô giáo Phùng Thị Vui – giáo viên Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, TP. Hà Nội), cô tâm sự: "Từ lúc còn bé, tôi cứ ấn tượng mãi cô giáo dạy môn Ngữ văn cấp 2 bởi hình ảnh mộc mạc, bình dị, lúc nào cô cũng cố gắng dạy làm sao để chúng tôi hiểu bài và biết nâng cao giá trị đạo đức.

Tôi nhớ mãi một tiết học, khi cô đang miệt mài giảng bài thơ “Bếp lửa” thì bị ngất ngay trên bục giảng. Chứng kiến cảnh tượng đó đã thôi thúc tôi phải làm một việc gì đấy để xứng đáng là học sinh của cô và cũng từ đó quyết tâm theo đuổi nghề giáo càng lớn mạnh trong tôi”.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, cô Vui tiếp tục học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 2003 ra trường cô được phân công về dạy tại trường THCS Dương Quang (huyện Gia Lâm, Hà Nội) công tác, sau đó là trường THCS Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Từ năm 2010, cô lại chuyển công tác về Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) giảng dạy cho đến nay.

Hơn 14 năm gắn bó tại Trường THCS Ngọc Lâm có buồn, vui, hạnh phúc xen lẫn. Tuy nhiên, cô Vui còn nhớ mãi kỉ niệm với em học sinh L. Gia đình L không được hạnh phúc. Trong mắt bố mẹ em, L là đứa trẻ không hoàn thiện và ngỗ ngược. Cũng chính vì vậy, gia đình nhiều khi mâu thuẫn xuất, dẫn đến nhiều lần cô Vui phải là “người trọng tài” hoà giải những mâu thuẫn.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn đó cũng làm cho L tổn thương, nhiều lần có suy nghĩ tiêu cực, để giải toả những bức xúc, kiềm chế của bản thân nhiều khi em đã nổi loạn.

“Có lần tôi mời phụ huynh lên để nói chuyện, bố em đã không kiềm chế đánh em ngay trước mặt cô”, cô Vui kể và cho biết thêm, đỉnh điểm mâu thuẫn giữa L và gia đình căng thẳng quá, L bỏ nhà đi.

Không cam tâm để L như vậy, cô Vui chỉ nghĩ làm sao giúp L và cha mẹ hòa giải mà không gây ảnh hưởng đến tâm lý em.

“Thế rồi, tôi đã đến nhà L, cùng nói chuyện với gia đình. Lần này, cuộc trò chuyện giữa L và bố mẹ bình tĩnh hơn, hai bên cũng nhận ra điểm sai của mình. Những ngày sau tôi để ý thấy, L dần thay đổi rõ rệt, tình cảm hơn và hiểu chuyện”, cô Vui kể và cho biết thêm, sau khi con tốt nghiệp, mẹ L đã muốn xin phép gặp cô, nhà trường để có thể chia sẻ những cảm xúc của chị về đứa con như "thay máu lột xác" sau quá trình học ở trường.

Được biết, mỗi khóa học sinh do cô chủ nhiệm các niên khóa gần đây không còn xa lạ với những buổi lễ sinh nhật tri ân do cô đề xướng. Theo đó, cô đề nghị mỗi em sẽ được mang một quả trứng gà hoặc trứng vịt sống bên trong một quả bóng bơm căng trong suốt 24 giờ để hiểu được sự nâng niu và trân quý của mẹ, sau đó các con sẽ được thể hiện lòng biết ơn với ông bà bố mẹ bằng cách nói lời cảm ơn, thực hiện nghi lễ tri ân, tặng các món quà do mình tự làm thể hiện sự trang trọng, thành kính.

Tôi muốn học trò hiểu: “Thời khắc mẹ sinh ra mình trong nhiều đau đớn thậm chí hiểm nguy nên những buổi sinh nhật sẽ được lớp tổ chức với chủ đề tri ân công sinh thành của cha mẹ, biết được đạo hiếu”.

75cf659b7f14c64a9f05-4745.jpg
Cô Phùng Thị Vui giáo viên trường THCS Ngọc Lâm quận Long Biên. Ảnh TĐ.

“Dạy các con nên người”

Hơn 20 năm gắn bó sự nghiệp cầm phấn, cô Vui nhận thấy món quà ý nghĩa có sức động viên lớn nhất là sự trưởng thành hoàn thiện hơn, học tập tốt và có sự ứng xử tốt hơn cũng như đạt được những thành tích tương đương với năng lực tối đa của các em học sinh.

Nhưng để có được điều đó không phải ngày một ngày hai mà là cả quá trình xây dựng mô hình học tập của cô Vui. Nhận biết lứa tuổi học sinh THCS có sự thay đổi tâm lý sinh lý nhiều hơn cả trong số các bậc học, cô chú trọng và đặc biệt hướng tới việc làm sao rèn giũa cho các em phẩm chất đạo đức tốt, là người con ngoan, người học trò giỏi.

Kỳ họp đầu năm, các em sẽ báo cáo những việc đã làm trong kỳ nghỉ hè; các kĩ năng mềm, rèn luyện thể chất đến việc các em nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên đất nước qua các chuyến dã ngoại thế nào đều được ghi nhận lại, giúp hướng các em tới những giá trị nhân văn cao đẹp.

Cô Vui luôn tâm niệm, quá trình dạy không đơn thuần chỉ dạy kiến thức mà quan trọng nhất, cái đích việc học là dạy các em làm người. Trong đó kiến thức là một phần bên cạnh đó còn nhiều kĩ năng mềm, những năng lực phẩm chất các em cần hoàn thiện, và người giáo viên có trách nhiệm phải cố gắng cao nhất trong khả năng của mình hoàn thành sứ mệnh giải đáp cho các em những thắc mắc, nghi hoặc. “Đó là suy nghĩ cô luôn trăn trở để làm sao cân đối hài hòa các hoạt động”, cô Vui nói.

Làm việc chung với cô Vui trong thời gian dài, cô Ngô Thị Bích Liên – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm cho biết: “Cô Vui thực sự là nhà giáo tận tụy, nhiệt huyết, luôn coi học trò như những đứa con của mình nên nhận được nhiều tình cảm từ các em. Bên cạnh đó còn là tấm gương sáng trong công tác đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng chuyển đổi số.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.