Thầy giáo mầm non vùng cao Sơn La yêu nghề, mến trẻ

GD&TĐ - Với lòng yêu nghề mến trẻ, thầy giáo Vì Văn Nghiệp, trường mầm non xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) luôn được đồng nghiệp và trẻ nhỏ quý mến…

Thầy Nghiệp luôn coi học sinh là con, là cháu trong gia đình.
Thầy Nghiệp luôn coi học sinh là con, là cháu trong gia đình.

Coi giảng dạy là đam mê...

Thầy giáo Vì Văn Nghiệp (SN 1987) đã có 15 năm công tác trong nghề giảng dạy mầm non. Thầy là giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ, hoạt bát, năng động, nhiệt tình, có năng lực chuyên môn tốt, hết lòng tận tụy với công việc, sống giản dị luôn hòa đồng với mọi người, nên được đồng nghiệp yêu quý, các em nhỏ yêu mến và phụ huynh tin tưởng…

Thầy Nghiệp là người con của đồng bào Mường, sinh ra và lớn lên tại xã Tà Hộc, đây là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn. Ngay từ thuở nhỏ, thầy Nghiệp đã có ước mơ được đứng trên lớp giảng dạy, chăm sóc các em nhỏ. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, thầy đã làm hồ sơ đi học nghề giáo viên mầm non. Suốt nhiều năm gắn bó với nghề, thầy đã thuần thục mọi thao tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ như bao cô giáo ở các trường mầm non khác.

z5693752853180_4fff4d30b5d6dd17cdb629eacb3661de.jpg
Thầy Nghiệp dạy học sinh tô màu tại lớp học.

“Trước đây, tôi học hệ Trung cấp trường Cao đẳng sư phạm Sơn La, tốt nghiệp năm 2009. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi về công tác tại bản Pá Đông (nay sáp nhập gọi là bản Đông Sàn, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn từ năm 2009 - 2012. Năm học 2013, tôi chuyển công tác đến trường mầm non xã Phiêng Pằn 2. Đến năm 2017, tôi tiếp tục được điều động về Điểm trường Heo Luôn (nay điểm trường bản Mường), thuộc trường mầm non Tà Hộc công tác từ thời điểm đó đến nay”, thầy Nghiệp cho biết.

Thầy Nghiệp luôn nhớ thời điểm chuẩn bị nộp hồ sơ đi học mầm non và xin việc. Đó là quãng thời gian bản thân thầy phải tự đấu tranh nhiều nhất. Tuy gia đình rất ủng hộ, song lâu nay chỉ có nữ giới mới chọn nghề này. Bởi thế, việc bản thân lựa chọn theo ngành mầm non đã gặp phải những ánh mắt dò xét.

Nhiều anh em họ hàng, bạn bè của thầy Nghiệp khi nghe tin sẽ theo nghề dạy mầm non đều bật cười. Có người còn trêu chọc rằng: "Con trai làm nghề con gái liệu có ổn không?"... Rất nhiều tình huống khó được mọi người đặt ra, nhưng vẫn không ngăn cản được ước mơ, hoài bão được đứng trên bục giảng của thầy.

z5693752784617_303745073e77d1b99b060bfbef1e6fcc.jpg
Thầy Nghiệp lái xe lội qua suối đến điểm trường dạy chữ cho học sinh.

Thầy Nghiệp chia sẻ: “Khi nghe những lời thì thầm qua tai như vậy, tôi cảm thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và tình yêu với trẻ, với nghề mầm non nên tôi càng quyết tâm theo đuổi. Trúng tuyển vào trường, cả lớp có 2 người con trai, nhiều bạn cũng trêu. Tuy nhiên, lúc đó tôi thấy vui, vì ít nhiều cũng có 1 bạn nam học tập cùng lớp. Sau đó, tôi trả lời dứt khoát với các bạn nữ, đây là niềm đam mê và ước mơ của tôi”.

Trong những năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, thầy Nghiệp luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm, yêu cầu cần có của 1 giáo viên mầm non về đạo đức nghề nghiệp. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, điều quan trọng nhất của giáo viên mầm non phải có đó là: Tình yêu thương, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì sự bền bỉ, coi trẻ nhỏ như là người con, người cháu, người thân trong gia đình. Bởi, trẻ học mầm non là lứa tuổi các con rất hiếu động, tinh nghịch, rất dễ bắt chước người lớn.

z5847114498859_56fd123645f5a31d4b59bfe8d8f51f32.jpg
Thầy Nghiệp đưa học sinh ra khuôn viên trường dạo chơi.

Thầy giáo được ví như người “mẹ hiền”

Những kiến thức trong nhà trường, chỉ là hành trang ban đầu giúp thầy Nghiệp từng bước tiếp cận và giáo dục trẻ mầm non, thầy luôn tìm tòi, học hỏi những bài giảng của các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm đi trước. Bởi để trẻ biết nghe lời, yêu mến, gần gũi thì giáo viên phải hiểu tâm lý của trẻ, từ đó đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với trẻ. Thầy Nghiệp không ngừng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn.

Theo thầy Nghiệp chia sẻ, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì giáo viên phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, sự giao tiếp, thái độ, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh; đặc biệt đối với trẻ sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.

z5849646915495_82e39ff5a91a1c45dbc14856157dd191.jpg
Cả trường mầm non xã Tà Hộc chỉ có thầy Nghiệp là nam giới. Vì vậy, mọi công việc nặng nhọc thầy Nghiệp đều gánh vác thực hiện.

Trong quá trình công tác, thầy Nghiệp luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động của nhà trường. Thầy có nhiều tiết dạy tốt luôn thực hiện tốt quy chế chuyên môn, chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Đồng thời, thầy xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục ứng dụng tốt công nghệ thông tin, ứng dụng các phương pháp dạy học tiên tiến vào giảng dạy và đạt kết quả cao.

Tại những giờ lên lớp của thầy, luôn mang đến cho trẻ những trải nghiệm khám phá đầy thú vị. Trẻ tham gia học tích cực, thoải mái đảm bảo đúng với yêu cầu phát triển toàn diện cho trẻ: Chơi mà học, học bằng chơi. Ngoài ra, thầy Nghiệp luôn tích cực chủ động, triển khai đổi mới sáng tạo đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ.

“Nghề giáo viên vốn là một nghề nhiều hy sinh và cống hiến. Đặc biệt, với các thầy cô giáo vùng cao, nhiệm vụ của họ không chỉ đơn thuần là dạy học mà còn là sứ mệnh vươn lên, vượt qua những khó khăn địa lý, đời sống và văn hóa để mang ước mơ đến với trẻ em miền sơn cước.

z5849646911684_de91e23b2e6253e8fa22f0eb590d05bb.jpg
Thầy Nghiệp luôn hết lòng với công việc giảng dạy nên được học sinh quý mến.

Hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi đã dành cả tuổi trẻ của mình để gắn bó với các em nhỏ ở các bản thuộc xã đặc biệt khó khăn. Quãng thời gian ấy, đã giúp tôi có đủ trải nghiệm, thấu hiểu khó khăn của thầy, trò vùng cao. Vì vậy, tôi luôn cống hiến hết mình, để giúp các con có môi trường học tập thoải mái và tốt hơn”.

Theo thầy Nghiệp chia sẻ, thời điểm thầy dạy tại trường mầm non Phiêng Pằn 2, xã Phiêng Pằn phải di chuyển quãng đường hơn 100km từ xã Tà Hộc đến điểm trường dạy học. Những ngày mưa gió, đường bùn lầy, trơn trượt thầy không thể về nhà thăm vợ con, phải chọn cách ở lại trường. Dù khó khăn, vất vả là vậy, thầy Nghiệp vẫn luôn giữ “ngọn lửa yêu nghề” giảng dạy, thầy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ban giám hiệu nhà trường giao.

Với lòng nhiệt huyết trong công việc, chuyên môn tốt, bằng nỗ lực của bản thân đã giúp thầy Vì Văn Nghiệp có nhiều bài giảng thành công và đạt chất lượng tốt. Năm 2012, thầy Nghiệp được UBND huyện Mai Sơn trao giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi và tặng giấy khen. Năm học 2023 - 2024, thầy được Sở GD&ĐT tỉnh tặng giấy khen...

Cô Phạm Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường mầm non xã Tà Hộc nhận xét: Ngoài nhiệt huyết với nghề giảng dạy, thầy Nghiệp luôn nhiệt tình, tận tụy với công việc, không ngừng rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ và học hỏi từ đồng nghiệp. Đặc biệt, dù là nam giới nhưng thầy rất đa tài quá trình nuôi dạy và giáo dục trẻ luôn đạt kết quả cao. Chính thầy Nghiệp đã xóa đi những suy nghĩ mà lâu nay mọi người vẫn cho rằng: Chỉ có nữ giới mới giảng dạy mầm non được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.