Thầy giáo 'hồi sinh' áo vua ban triều Nguyễn

GD&TĐ - Qua hàng trăm năm, một chiếc áo được triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho dòng họ người Pa Kô ở vùng cao Quảng Trị nay được hồi sinh.

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng giới thiệu thông tin buổi ngoại khóa về chiếc áo quý vua ban.
Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng giới thiệu thông tin buổi ngoại khóa về chiếc áo quý vua ban.

Áo tiên Vân Phụng

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing (thuộc xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là người đã phát hiện và đưa ra ý tưởng lấy chiếc áo quý vua ban làm chủ đề ngoại khóa, giới thiệu đến học sinh.

Chiếc áo nói trên có tên là “Vân Phụng tiên y” (hay áo tiên Vân Phụng). Nguồn gốc chiếc áo có từ hàng trăm năm trước, được cho là triều đình nhà Nguyễn ban tặng một dòng họ A Xớp, ở vùng núi Quảng Trị.

Thầy giáo Trọng chia sẻ: “Vào cuối năm 2021, khi chuyển đến công tác tại Trường Tiểu học và THCS A Xing, huyện Hướng Hóa, tôi tình cờ phát hiện trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã A Xing (nay là xã Lìa) thời kỳ 1930 - 2010 có chép: “Trong thời kỳ đánh đuổi thực dân, có một dòng họ được vua ban “Vân Phụng tiên y”. Lần đầu nghe tên “Vân Phụng tiên y”, tôi cảm thấy rất thú vị, khơi gợi sự tò mò nên tôi đã đi tìm hiểu”.

Biết rằng, đây là hiện vật rất quý, nhưng vì sao người dân nơi đây lại có được chiếc áo này? Chiếc áo có nguồn gốc như thế nào, do ai ban tặng? Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, thầy Trọng đã tìm đến nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử để hiểu về “Vân Phụng tiên y”.

Chiếc áo quý của dòng họ Pa Kô sau hàng trăm năm được đưa ra giới thiệu đến học sinh.

Chiếc áo quý của dòng họ Pa Kô sau hàng trăm năm được đưa ra giới thiệu đến học sinh.

Thạc sĩ Lê Đức Thọ - nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Quảng Trị - nhìn nhận “Vân Phụng tiên y” là áo vua Nguyễn dùng để ban thưởng cho một số tri châu ở miền núi Quảng Trị. Việc tặng chiếc áo trên thể hiện chính sách cai trị mềm dẻo đối với người thiểu số miền biên viễn của triều đình nhà Nguyễn, với mục đích khuyến khích các tù trưởng bảo vệ biên giới quốc gia.

Theo ông Thọ, việc ban “Vân phụng tiên y” có từ thời vua Minh Mạng trở về sau. Hiện ở Quảng Trị chỉ còn 1 cái của dòng họ A Xớp.

Các thế hệ con cháu của dòng họ A Xớp luôn tự hào về ông cha của mình và đã gìn giữ chiếc áo vua ban như một báu vật. Qua thời gian, “Vân Phụng tiên y” dù đã sờn rách, nhưng vẫn được người dân nâng niu, cất giữ cẩn thận.

Người dân xem chiếc áo này như vật linh thiêng, chỉ có trưởng làng mới có quyền được mặc. “Vân Phụng tiên y” là vật chỉ được trao truyền cho thành viên thuộc nội thân. Sau khi người cha mất, người con trưởng được kế tục chức vị và chiếc áo này.

“Vân Phụng tiên y” không chỉ được xem là “quan phục” khi các “Thổ Tri Châu” vào triều đình, mà còn là “lễ phục” không thể thiếu trong việc cúng tế thần linh, mà người được mặc không ai khác ngoài trưởng làng. Người được mặc chiếc áo này có quyền uy rất lớn trong việc kết nối cộng đồng và giải quyết những công việc trọng đại.

Thầy Trọng và học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng bên mô hình đảo Gạc Ma.

Thầy Trọng và học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng bên mô hình đảo Gạc Ma.

Giáo dục Lịch sử qua những mô hình

Trước khi thầy giáo Trọng và tập thể Trường Tiểu học và THCS A Xing đưa chiếc áo ra trưng bày, giới thiệu cho học sinh, thì “Vân Phụng tiên y” được gia đình ông Kôn Thí (Vỗ Ngôn) - chủ sở hữu chiếc “áo vua”, tại bản A Xớp, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cất giữ khá cẩn thận. Chiếc áo được xem như vật thiêng, kỷ niệm riêng của gia đình ông Kôn Thí. Chỉ những người đủ uy tín mới được gia đình cho tiếp cận, “mục sở thị” chiếc áo.

Sau khi đọc được những thông tin ghi trong Lịch sử Đảng bộ xã, cùng với việc đã nghiên cứu, tìm hiểu về “Vân Phụng tiên y”, nhận thấy đây là sự kiện lịch sử rất ý nghĩa của dòng họ A Xớp (xã A Xing). Đó là một trong những nội dung giáo dục lịch sử địa phương, là cơ hội tốt nên nhà trường quyết định đưa vào làm nội dung ngoại khóa cho học sinh.

Khi Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS A Xing đặt vấn đề, gia đình ông Kôn Thí đã tin tưởng và đồng ý giới thiệu đến học sinh. Nhà trường đã biến ngôi nhà của Kôn Thí, nơi đang lưu giữ “Vân Phụng tiên y”, thành một điểm ngoại khóa về lịch sử của học trò.

“Việc giáo dục lịch sử, văn hóa đối với học sinh rất thiết thực. Trong khi đó, những sự kiện và hiện vật như trên có sẵn tại địa bàn. Những câu chuyện lịch sử, hiện vật lưu lại đến ngày nay sẽ giúp ích rất lớn để giáo dục cho học sinh, tổ chức cho các em tham quan, trải nghiệm”, thầy Trọng cho hay.

Cũng theo thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, nội dung giáo dục lịch sử văn hóa cho học sinh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đó là tăng cường cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm. Nhiều năm qua, với trách nhiệm cán bộ quản lý, thầy Trọng đã đưa nội dung này vào chương trình.

Được biết, khi còn làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng, cũng thuộc địa bàn miền núi huyện Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Mai Trọng đã sáng tạo rất nhiều mô hình lịch sử ý nghĩa.

Tại Trường Tiểu học Hướng Phùng, những mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, địa đạo Vịnh Mốc, bản đồ Việt Nam bằng đá, nhà sàn truyền thống của đồng bào Vân Kiều, tượng Trần Hưng Đạo, mô hình đảo Gạc Ma… đã tạo nên bức tranh sống động và đầy ý nghĩa cho việc dạy và học.

Theo thầy Trọng, mô hình đầu tiên ra đời là cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Cùng với đó, là những con đường mang tên Trường Sa, Hoàng Sa trong khuôn viên trường. Mô hình này được xem là điểm nhấn trong việc giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh. Điều đặc biệt, tại ngôi trường vùng cao, những mô hình như trên để lại ấn tượng sâu đậm trong mỗi học sinh lẫn phụ huynh.

Tiếp sau đó, ý tưởng dựng bản đồ Việt Nam bằng đá được xây dựng và đi vào hiện thực. Trong khuôn viên của Trường Tiểu học Hướng Phùng cũng được dựng nhà trưng bày của đồng bào Vân Kiều, cùng các mô hình địa đạo Vịnh Mốc, đảo Gạc Ma, tượng Trần Hưng Đạo.

Thầy Nguyễn Mai Trọng chia sẻ: “Những lần tham gia xây dựng mô hình, tôi nhận thấy việc giáo dục lịch sử, văn hóa là rất cần thiết, giúp học sinh biết về nguồn cội, lịch sử cha ông. Qua đó, giúp các em có niềm tin trong học tập. Ngoài kiến thức được học trên trường, thầy cô giảng dạy mang tính cơ bản, cốt lõi, học sinh được trải nghiệm thực tế giúp các em nhớ lâu hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ