Bảo tảng cổ vật của ông chiếm trọn tầng một căn nhà sàn. Việc sưu tầm đã được ông âm thầm thực hiện từ lâu, ngày ấy, đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước ngoài thời gian dạy học, thầy giáo trẻ Nguyễn Đắc Nông trèo đèo lội suối vào từng gia đình phụ huynh vận động các em đi học, cùng phụ huynh học sinh đi làm nương.
Vốn yêu đồ cổ, thấy vật dụng của người dân tộc vứt bỏ thầy hỏi xin, có cái thì bỏ tiền ra mua. Tích lũy dần dần, hiện nay bảo tàng của ông đã có gần một nghìn cổ vật quý với nhiều loại phong phú đa dạng.
Chiếm diện tích lớn trong bảo tàng là hệ thống nông cụ gắn liền với nền văn minh lúa nước. Đó là những chiếc cối bằng đá, cối giã gạo, cối xay lúa, cái cầy, cái bừa, mâm gỗ, mâm đồng, nồi đồng… có niên đại hàng trăm năm.
Vừa đưa chúng tôi xem, ông vừa giảng giải: Đây là chiếc bừa đôi 2 trâu kéo dùng bừa ruộng to, còn đây là bừa đơn 1 trâu kéo dùng cho ruộng hẹp. Bừa đôi thì chỉ quay bên trái chứ không quay phải như bừa đơn còn đây là cày thổ cày 2 tay, đất đổ sang hai bên không như cày của người Kinh chỉ cầm cầy tay phải và đất đổ 1 chiều.
Một phần trưng bày không thể thiếu được trong bảo tàng là những kỷ vật minh chứng cho cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc. Từ khẩu súng kíp, thanh kiếm trong Cuộc khởi nghĩa Đề Thám đến chiếc xe thồ phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chiếc ca uống nước bằng nhôm Bác tặng cho các chiến sĩ trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, chiếc đèn bão, bi đông đựng nước chiếc đồng hồ, điện thoại, bộ quần áo của bộ đội giải phóng quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nhiều khách tham quan là người dân tộc rất lấy làm tâm đắc khi ông đã góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc mình.
Cùng tham quan với tôi, có một cụ già người dân tộc chừng ngoài tám mươi tuổi chỉ vào một bộ trang phục nói: “Đây là trang phục của người Dao cho thầy Mo dùng trong lễ cúng đám ma hay thực hiện trong lễ tâm linh, còn cái này dùng cho thầy cúng là nữ có chức sắc, hai cái này dùng cho phụ nữ dân tộc Nùng nhưng một cái của Nùng đỏ, một cái dành cho Nùng Phàn Xình. Áo nam của người Nùng màu đen, cúc áo đơn giản.
Một phần nhỏ trong bảo tàng là những kỷ vật gia truyền, đó là chiếc tráp, ống đựng thuốc lào của cụ thân sinh ra ông, là kỷ vật của người em trai là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Bảo tàng đã đón nhận nhiều khách tham quan, nhiều học sinh trong huyện vào những dịp lễ tết. Em Lê Nhật Quang, Lê Thùy Dương, HS Trường Tiểu học thị trấn Cầu Gồ đã ghi những dòng cảm tưởng mộc mạc trong cuốn sổ lưu lại ở bảo tàng: “Ông Nông đã cho chúng cháu biết về những nông cụ ngày xưa của cha ông ta khi làm ruộng, cả những chiếc xe đạp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thanh kiếm của Đề Thám ngày xưa, càng tự hào về dân tộc bao nhiêu, em càng cố gắng học tập bấy nhiêu.”