20 năm công tác ở miền núi, bước chân thầy giáo Ngô Duy Hưng chạm đến nhiều bản làng xa xôi, cách trở. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của học sinh con em đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, thầy Hưng kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ sinh kế, cũng như áo quần, sách vở, giấy bút tiếp sức các em đến trường.
Cầu nối giúp học sinh nghèo
Thầy giáo Ngô Duy Hưng hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Ngo (Đakrông, Quảng Trị). Ngôi trường đóng ở xã A Ngo, thuộc vùng đặc biệt khó khăn, với 1 điểm trường trung tâm và 3 điểm trường ở các bản. Năm học 2024 - 2025, trường có gần 600 học sinh, 98% là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.
Với những gia đình học sinh nơi đây, hình ảnh thầy giáo trẻ đến từng nhà trao từng món quà nhỏ, ân cần động viên các em nỗ lực học tập dần trở nên thân quen. Sau giờ làm việc ở trường hoặc ngày cuối tuần, thầy Hưng cùng những người bạn của mình lặn lội đến các bản làng, mang theo niềm hy vọng với học sinh khó khăn.
Nhiều năm qua, với tình cảm và tâm huyết của mình, thầy Ngô Duy Hưng kết nối các nhà hảo tâm để tặng quà, sách vở, quần áo đến học sinh nghèo trên địa bàn các xã khó khăn ở huyện Đakrông và Hướng Hóa. Thấy học sinh ở các bản xa phải dậy sớm, vượt đồi núi đến trường, thầy Hưng đi xin từng chiếc xe đạp hỗ trợ các em có phương tiện đến lớp thuận lợi hơn.
Với học sinh Trường Tiểu học và THCS A Ngo nơi thầy Hưng công tác, vào đầu năm học, thầy kết nối các tổ chức, cá nhân để tặng cặp sách, áo quần, sách vở cho học sinh các điểm trường. Không những giúp học sinh từng bộ sách giáo khoa, tập vở, xe đạp, máy tính, cặp sách… thầy Hưng cũng kết nối cho học trò nghèo từng ổ bánh mỳ, gói mỳ tôm. Thầy luôn xem học trò nơi đây như con em của mình.
Thầy Ngô Duy Hưng chia sẻ: Khi vừa rời ghế giảng đường đại học, thầy mang theo niềm khát khao, hoài bão, ngược núi rừng đến dạy học ở điểm trường A Sau, thuộc Trường TH&THCS A Vao (nay là thôn Pa Ling, A Vao), được xem là vùng khó khăn nhất tại huyện Đakrông. Sinh sống giữa đại ngàn, không đường giao thông, không điện chiếu sáng, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Vượt qua trở ngại, thầy Hưng tích cực bám bản, cùng ăn ở, sinh hoạt với bà con, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ “trồng người”. 6 năm dạy học ở xã A Vao, thầy Hưng luôn đồng cảm và thấu hiểu với điều kiện sống của người dân và học sinh. Thầy giúp đỡ học sinh từng chiếc bút, quyển vở, dạy kiến thức với hi vọng lớn lên các em có thể thay đổi cuộc sống của chính mình.
“Lúc mới đến vùng cao, để hòa nhập với người dân, tôi phải học tiếng để có thể giao tiếp và hiểu văn hóa, phong tục. Thấy người dân khó khăn, làm nương rẫy suốt bốn mùa chỉ đủ ăn qua bữa, nên tôi cũng trăn trở.
Do đó, tôi tìm cách giúp đỡ bà con, tùy theo sức của mình để có thể kết nối, hỗ trợ người dân từ những thứ nhỏ nhất là quần áo, nhu yếu phẩm thiết yếu, hoặc huy động nguồn lực sửa chữa nhà...”, thầy Hưng chia sẻ.
Rời điểm trường A Sau, thầy Ngô Duy Hưng được chuyển đến công tác tại Trường Tiểu học và THCS A Ngo cho đến nay. Từ vai trò giáo viên đến Phó Hiệu trưởng, thầy luôn cố gắng kết nối để giúp đỡ học sinh của mình.
Khơi dậy niềm đam mê đọc sách
Nhiều năm qua, thầy giáo Ngô Duy Hưng được mọi người ví là “con ong chăm chỉ” đưa sách về với bản làng. Bản thân thầy Hưng cũng có niềm yêu thích đặc biệt và đam mê với sách nên thầy muốn khơi dậy phong trào đọc sách, giúp học sinh tiếp cận và mở mang kiến thức.
Thầy Hưng đã góp sức làm phong phú thêm cho thư viện trường học nơi thầy công tác. Thầy cùng bạn bè, nhóm thiện nguyện trang trí nhiều phòng đọc và tặng sách cho các trường học trên địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa.
Thầy Hưng cho biết, trước đây thư viện nhà trường mới chỉ có sách giáo khoa. Với suy nghĩ, muốn học sinh ham đọc thì phải đưa sách cho trẻ và thư viện nhà trường phải có sách. Nghĩ vậy, thầy Hưng về gom hết sách truyện dành cho thiếu nhi ở nhà đưa lên trưng bày tại thư viện nhà trường và tổ chức học sinh đến đọc.
Khi học sinh làm quen với việc đọc, đến thư viện mượn sách truyện thì thầy bắt đầu kêu gọi từ bạn bè, người thân, các nhóm thiện nguyện, các tổ chức, nhóm chuyên quyên góp và hỗ trợ sách. Từ vài cuốn sách, vài thùng đến hàng chục, hàng trăm thùng sách được đưa đến trường trong hơn 10 năm qua góp phần làm phong phú cho thư viện của trường.
“Hiện nay, thư viện Trường TH&THCS A Ngo có khoảng 4.000 đầu sách, truyện với các thể loại đa dạng, phong phú. Nhà trường đã có kế hoạch mở không gian đọc tại các điểm trường để đảm bảo 100% học sinh tiếp cận sách. Nhiều lớp học tại các điểm trường đã trang bị tủ sách. Thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp sẽ luân phiên mượn sách cho các bạn đọc trong tuần”, thầy Hưng cho hay.
Năm 2022, thầy Hưng kết nối với chương trình “Đáp đền tiếp nối” tại TP Hồ Chí Minh ra mắt tủ sách “Đáp đền tiếp nối” và tặng sách cho học sinh các trường tiểu học xã A Ngo, A Bung (Đakrông) và các xã Xy, Ba Tầng (Hướng Hóa).
Mỗi trường nhận từ 800 đến 1.000 đầu sách mới, thuộc các chủ đề sách khoa học thường thức, sách truyện lịch sử Việt Nam, sách giáo dục nhân cách và giới tính. Dự kiến, cuối năm 2024, chương trình sẽ trao tặng cho thư viện các trường ở những xã Húc Nghì, Ba Nang (Đakrông) với số lượng và đầu sách tương tự.
“Hơn 10 năm nay, chúng tôi tích cực kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh hiếu học. Ngoài việc chuyển tiền của nhà hảo tâm hỗ trợ học tập cho các em, việc chúng tôi quan tâm nhất là góc học tập và những cuốn sách tham khảo mà các em sử dụng”, thầy Hưng chia sẻ.
Nói về việc hình thành văn hóa đọc, thầy Hưng cho rằng, nhà trường là một trong những môi trường tổ chức đọc sách và duy trì văn hóa đọc sách in tốt nhất. Trường học là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc. Do đó, thầy cô và quý phụ huynh cần khuyến khích, động viên các em tự giác tìm đọc.
Ông Phan Văn Đức, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đakrông cho biết, trong hoạt động chuyên môn, thầy Hưng luôn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”.
Thầy Hưng cũng hỗ trợ tích cực trong hoạt động chuyên môn của nhà trường và có những đóng góp cùng Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trong xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trường TH&THCS A Ngo đang hoàn thiện thủ tục, chờ sở GD&ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia. Theo kế hoạch, nếu được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2024 sẽ là trường phổ thông đầu tiên ở vùng bản đạt danh hiệu này.
“Ngoài ra, thầy Hưng cũng tổ chức các hoạt động thiện nguyện mang lại hiệu quả tốt, góp phần giúp học sinh khó khăn có điều kiện hơn để đến trường. Trong đó, việc trao tặng sách và xây dựng thư viện là hoạt động thiết thực, tạo sự lan tỏa để phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập”, ông Đức chia sẻ.
Ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, với uy tín và mối quan hệ của mình, thầy Hưng đã kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm để tặng quà, sách vở, quần áo, xe đạp… cho học sinh khó khăn. Thầy cũng luôn tâm huyết kết nối hỗ trợ xây dựng nhiều nhà ở cho hộ nghèo, tặng cây trồng, vật nuôi để phát triển sinh kế cho người dân. “Những việc làm của thầy đã để lại ấn tượng tốt đẹp với người dân. Bà con nơi đây dành cho thầy Hưng những tình cảm sâu sắc. Chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao những hành động thiện nguyện đầy tâm huyết của thầy đối với học sinh và người dân địa phương”, ông Huấn cho hay.