Trăn trở của thầy giáo người Thái với học sinh vùng cao

GD&TĐ - 13 năm gắn bó sự nghiệp “cầm phấn” cũng là ngần ấy thời gian thầy giáo Vì Văn Chuẩn cùng nhiều thế hệ học trò của mình xây dựng ước mơ.

Thầy Vì Văn Chuẩn (thứ hai từ trái sang) trong một hoạt động thiện nguyện hỗ trợ các em học sinh. (Ảnh: NVCC)
Thầy Vì Văn Chuẩn (thứ hai từ trái sang) trong một hoạt động thiện nguyện hỗ trợ các em học sinh. (Ảnh: NVCC)

Thầy Vì Văn Chuẩn (giáo viên Trường THPT Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên – cũng là địa bàn sinh sống của năm dân tộc thiểu số gồm Hmông, Thái, Lào, Xinh Mun và Khơ Mú.

Cùng trò ước mơ hoài bão

Những ngày này, thầy Vi Văn Chuẩn và học trò của mình đang dành toàn bộ thời gian rảnh để xây dựng các tiết mục văn nghệ chào mừng 20 năm thành lập của Trường THPT Mường Luân. Trò chuyện cùng thầy Chuẩn, ánh mắt thầy nhìn xa xăm hồi tưởng về những ngày này cách đây 20 về trước, thầy và các bạn của mình nhập học khóa đầu tiên của Trường THPT Mường Luân.

“Chính nơi đây đã giúp tôi đặt những viên gạch xây ước mơ cho tôi đến với nghề giáo”, thầy Chuẩn nhớ lại.

Với quyết tâm học tập để thay đổi cuộc sống, thầy tốt nghiệp THPT loại Giỏi năm 2006, thầy được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. “Ước mơ được trở về quê hương cống hiến sau khi tốt nghiệp đã thôi thúc tôi quyết tâm, phấn đấu học hành từ ngày rời mái trường phổ thông để đi học”, thầy Chuấn tâm sự.

Đến tháng 9/2011 sau khi tốt nghiệp đại học, thầy được phân về dạy môn Công nghệ tại Trường THPT Mường Luân cho đến ngày nay.

Thầy Chuẩn cho biết, học sinh của trường tôi đến từ nhiều người dân tộc thiểu số, do đó có sự khác biệt về văn hoá, cách sống, phong tục tập quán. Nhận thấy điều đó, thầy Chuẩn đã xây dựng nhiều hoạt động để khi các em nhập học tham gia và nhanh chóng làm quen với nhau.

Thầy cũng đề xuất nhà trường sắp xếp cho học sinh Thái, Hmông, Xinh Mun,.. chung phòng nhằm gắn kết các em, đồng thời tổ chức trò chơi dân gian để học sinh hiểu rõ về văn hóa của nhau hơn, từ đó mà tư tưởng cục bộ trong tập thể giảm đi đáng kể.

Bên cạnh đó, địa phương thầy sinh sống còn hủ tục lạc hậu như tảo hôn vẫn còn tồn tại. Thầy Chuẩn không cam lòng để như vậy, do đó ngoài việc giảng dạy thầy Chuẩn hỗ trợ vào công việc tuyên truyền phòng chống các hủ tục cho người dân đặc biệt là giới trẻ hiểu.

Thầy Chuẩn kể: “Huyện Điện Biên Đông là địa phương có số người Hmông tự tử bằng lá ngón cao nhất cả nước. Nguyên nhân dẫn đến việc đó là nơi đây còn nặng về hủ tục tảo hôn, chứng kiến cảnh đó, tôi rất đau lòng. Vì vậy, tôi và nhà trường luôn trăn trở phải làm sao để ngăn chặn những câu chuyện buồn đó”.

Thầy Chuẩn vẫn còn nhớ mãi câu chuyện buồn liên về học sinh của mình. Do suy nghĩ còn non trẻ, muốn nghỉ học kết hôn nhưng bị gia đình ngăn cấm. Học sinh đó đã lén tự tử bằng lá ngón tự tử. Sau khi phát hiện, gia đình đã gọi cho tôi khi đến nơi thì em đã trút hơi thở cuối cùng.

Nói đến đây, giọng người thầy trầm hẳn xuống: “Đó là trường hợp đau xót nhất nhưng cũng là tấm gương để chúng tôi tuyên truyền cho với học sinh sau này về giá trị của sự sống; sự nguy hiểm của lá ngón, những hệ luỵ do hủ tục gây ra”.

c4babeb4ee50560e0f41.jpg
Một tiết học của thầy trò thầy Chuẩn.

Người cha đỡ đầu của nhiều thế hệ học trò

Cứ mỗi khi nhắc đến các em học sinh của mình, đôi mắt người thầy giáo trẻ người Thái lại trăn trở phải làm sao để học sinh biết ước mơ, hoài bão, gắn bó với trường lớp và mạnh dạn tham gia các hoạt động giáo dục.

“Học trò của tôi rất rụt rè, tự ti nhiều em thậm chí không tự tin khi giao tiếp tiếng phổ thông, hay, có em gia đình khó khăn, ăn mặc rách rưới, quần áo ố vàng khiến các em sợ bị trêu chọc dẫn đến thu mình, không tham gia các hoạt động tập thể. Nhìn thấy cảnh tượng đó, tôi xót xa vô cùng”, thầy trải lòng và cho biết thêm, tôi có cậu học trò tên là Lò Văn Nắng cùng hoàn cảnh đặc biệt.

Cha mẹ Nắng ly hôn, em sống cùng mẹ và người ông già yếu trong một căn nhà vách nứa tạm bợ. Đang học lớp 10, em phải xin nghỉ để xuống Quảng Ninh làm bốc vác kiếm tiền.

Tôi cứ ngỡ, con đường học hành của em ấy sẽ dừng lại ở đó. Tuy nhiên một năm sau, em về tìm gặp tôi và chia sẻ mong muốn quay lại đi học. Tôi vô cùng bất ngờ khi nghe tin đó và đã dẫn em lên gặp Ban giám hiệu để xin cho Nắng ở nội trú, ăn miễn phí tại kí túc các ngày trong tuần. Riêng thứ bảy chủ nhật thầy Chuẩn, tôi đón em về nhà mình ăn ở.

Nắng là người chịu khó, chăm chỉ và luôn cầu tiến. Những ngày cuối tuần, em phụ giúp chăm sóc mảnh vườn nhỏ để trồng rau, nuôi gà. Thấy em nhanh nhẹn, tôi tin tưởng và giao em phụ giúp các việc ở văn phòng Đoàn,...

Sau khi tốt nghiệp THPT, Nắng học Trường Cao Đẳng Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, cậu học trò nghèo ngày ấy của thầy Chuẩn đã thành lập Công ty Nội thất Sunny, thực hiện được ước mơ giúp người em trai ở nhà được đi học.

“Thấy con trưởng thành, tôi càng hiểu giá trị một nhà giáo, thầm cảm ơn nghề giáo đã giúp mình cùng trò kiến tạo ước mơ, bám con chữ để thay đổi số phận, cuộc đời”, thầy Chuẩn rưng rưng chia sẻ.

Là đồng nghiệp gắn bó với thầy Chuẩn, thầy Lường Văn Phú – giáo viên Trường THPT Mường Luân: “Chuẩn học sinh khóa đầu tiên khi thầy về trường, tôi cảm nhận được thầy Chuẩn vô cùng gương mẫu, trách nhiệm. Thầy Chuẩn không chỉ truyền đạt kiến thức cho học trò mà còn là người truyền lửa ước mơ cho học trò. Nhiều học sinh đã trưởng thành và thành đạt nhờ sự định hướng, giúp đỡ của thầy Chuẩn”.

Thầy Vì Văn Chuẩn là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.