Thầy giáo có duyên với những cuộc thi viết

GD&TĐ - Nhà giáo Trần Văn Toản - Trường THPT chuyên Quốc Học Huế rất có duyên với giải thưởng của nhiều cuộc thi viết.

Nhà giáo Trần Văn Toản trên bục giảng.
Nhà giáo Trần Văn Toản trên bục giảng.

Đam mê viết lách

Nhà giáo Trần Văn Toản, sinh năm 1973 tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế và lấy bằng thạc sĩ tại đây. Do thi vào và tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế đều đạt thủ khoa, anh được Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyển thẳng về dạy tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế từ năm 1997 đến nay.

Hằng năm, nhà giáo Trần Văn Toản đều có các bài nghiên cứu phục vụ công tác dạy học đăng trên các tập san của Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế và các ấn phẩm như Văn học và tuổi trẻ, Giáo dục và Thời đại... Đó là những bài viết cảm nhận các tác phẩm văn học trong chương trình; trao đổi Phương pháp dạy học Văn; xây dựng môi trường học đường...

Nói về chuyện viết lách, thầy giáo Trường THPT chuyên Quốc Học Huế chia sẻ: “Viết là đam mê của tôi, bên cạnh nghề dạy. Tôi viết về những gì mình quan sát, viết về những trăn trở của ngành Giáo dục, viết tản văn đa dạng về đề tài. Viết để rèn luyện, nâng cao năng lực viết, kiến giải của một giáo viên dạy Văn…”.

Trong năm 2021, tác phẩm “Chuyện về người thầy… chưa một lần đến trường” của nhà giáo Trần Văn Toản đoạt giải Ba cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác”, do Báo Giáo dục & Thời đại phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Nhân vật trong bài viết này của anh là chàng trai Nguyễn Hồng Cương, sinh năm 1990 (ngụ 15 Đoàn Thị Điểm, TP Huế,) vượt lên bệnh tật, nỗi đau thể xác để sống đẹp, để trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh cho học sinh nghèo. Bài viết đã gây xúc động cho không ít độc giả.

Nhà giáo Trần Văn Toản còn sở hữu các giải thưởng thi viết giá trị khác. Anh đoạt giải Ba cuộc thi viết về “Phong trào ngày Chủ nhật xanh” năm 2019 do Viện Nghiên cứu phát triển và Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức; đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế” năm 2020 do Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức; giải Ba cuộc thi viết “Nhớ thương mùi Tết năm 2021” do Báo Tiếp thị Online tổ chức.

Đặc biệt, tác phẩm “Người ươm mầm nhân ái” của anh đã đoạt giải Nhất toàn quốc cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2018 - 2019, do Báo Giáo dục & Thời đại phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Tác phẩm viết về cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương, đang làm việc tại Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học xã Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).

Sau những giờ lên lớp nhà giáo Trần Văn Toản ngồi vào máy tính để viết.
Sau những giờ lên lớp nhà giáo Trần Văn Toản ngồi vào máy tính để viết.

Khát vọng truyền vẻ đẹp văn chương đến học sinh

Bên cạnh nhiệm vụ là Tổ trưởng tổ chuyên môn bộ môn Ngữ văn của trường, nhà giáo Trần Văn Toản còn là Đảng ủy viên Đảng bộ Quốc Học, đồng thời tham gia trong tổ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi thi quốc gia của tỉnh.

Nói về lý do chọn nghề sư phạm, thầy Trần Văn Toản chia sẻ: “Nghề giáo không giàu có về vật chất nhưng giàu có về tâm hồn, đạo nghĩa. Từ nhỏ, tôi đã có khát vọng được đứng trên bục giảng để truyền vẻ đẹp văn chương đến những tâm hồn sáng trong. Tôi yêu nghề giáo bởi sự thanh cao, giản dị…”.

Từ quan điểm trên, nhà giáo luôn lồng ghép vào trong bài giảng và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ văn học, tham quan các di tích lịch sử, nhà lưu niệm… để giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ; tổ chức cho học sinh sưu tầm, tìm hiểu các câu chuyện về Bác để các em học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ; Đồng thời, tích cực tổ chức cho học sinh tìm hiểu và tham gia các cuộc thi Học tập đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh do Công đoàn các cấp tổ chức; thi viết thư UPU; Đại sứ văn hóa đọc…

Bên cạnh đó, thầy cũng luôn tìm tòi, suy nghĩ làm sao để cho việc giảng dạy môn Ngữ văn ở trường phổ thông được hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn học sinh. “Dù đổi mới như thế nào thì vấn đề mấu chốt để học sinh yêu thích, gắn bó với môn Văn là giáo viên phải tạo tính hấp dẫn, sự hứng thú trong mỗi tiết dạy… Người dạy Văn phải vừa là một nhà sư phạm chuẩn mực nhưng đồng thời là một nghệ sĩ lãng tử để vừa tỉnh táo, vừa bay và say trong tiết Văn, nhất là những tiết Đọc văn (trước đây gọi là giảng văn). Có như thế học sinh mới say sưa và cuốn theo từng lời giảng của thầy”, nhà giáo Trần Văn Toản chia sẻ.

Từng tham dự đội tuyển học sinh giỏi Văn do thầy Toản huấn luyện, Thảo Nhi (cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế) cho biết: “Em biết và ngưỡng mộ thầy từ ngày bước chân vào Trường Quốc Học Huế. Và rồi thật may mắn khi được nghe lời giảng của thầy trong những ngày tháng học đội tuyển Quốc gia.

Thầy dạy rất tự nhiên nhưng lôi cuốn. Thầy nói về kiến thức sách vở, cả những câu chuyện bổ ích đời thường. Giờ mỗi khi ngẫm nghĩ lại, giọng giảng của thầy vẫn in hằn rõ trong tâm trí em. Nhiều lần em tìm đọc những tác phẩm thầy viết, bởi em tìm thấy được nhiều gam màu cuộc sống trong đó, tìm thấy những tin yêu thầy gửi gắm, thấy được cả một bầu trời xanh…”.

“Nhà giáo Trần Văn Toản luôn nghiêm túc, chỉn chu, khoa học trong công tác chuyên môn, đồng thời tận tâm nhiệt huyết với công việc giảng dạy, với học trò và đồng nghiệp. Không chỉ chú trọng truyền đạt tri thức, thầy còn trăn trở với việc dạy dỗ và hình thành nhân cách tốt đẹp cho thế hệ học trò” - nhà giáo Lê Thị Bích Thảo (giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ