Thầy giáo mang công nghệ đến với học sinh Khmer

GD&TĐ - 15 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở Trường PTDTNT THCS Giồng Riềng (Giồng Riềng, Kiên Giang), thầy Huỳnh Bá Hiếu (SN 1985) đã nỗ lực ứng dụng công nghệ vào giảng dạy Toán - Tin.

Thầy giáo Huỳnh Bá Hiếu cùng học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Thầy giáo Huỳnh Bá Hiếu cùng học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Đặc biệt, thầy giúp đỡ nhiều đồng nghiệp ứng dụng giải pháp công nghệ để giảng dạy trực tuyến cho học sinh Khmer trong mùa dịch.

Những bài học trực tuyến đầu tiên

Tỉnh Kiên Giang cũng như cả nước nói chung đang phải căng mình chống lại dịch Covid-19. Ngành Giáo dục bằng nhiều hình thức đã tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh thực hiện tốt 5K và các Chỉ thị 15, 16, 19.

Bản thân thầy Hiếu cũng vậy. Ngoài khâu tuyên truyền, thầy còn phải thực hiện giảng dạy qua Internet. Học sinh Trường PTDTNT THCS Giồng Riềng do thầy Hiếu giảng dạy gần như 100% là người Khmer. Gia đình nhiều em còn rất khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến.

Trên thực tế, việc đến trường học trực tiếp của học sinh dân tộc còn nhiều trở ngại. Nhiều em còn chưa thực sự nghiêm túc trong học tập. Một số em còn muốn nghỉ học đi làm sớm để giúp đỡ gia đình.

Thế nhưng, trong mùa dịch, Ban giám hiệu nhà trường đã kịp thời chỉ đạo, sát sao cùng cán bộ, giáo viên biến thách thức thành cơ hội. Thời điểm dịch bùng phát ở nhiều tỉnh, học sinh được ở nhà nhiều hơn.

Từ đó, các em lại muốn được đến trường, đi học và có kỹ năng để sau này đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Nắm bắt được tâm lý đó, giáo viên đã tận tình trao đổi với cha mẹ học sinh trong các nhóm chat của lớp. Một phần động viên tinh thần học sinh, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và lan tỏa tinh thần học tập.

Thầy Hiếu chia sẻ: “Vượt lên những khó khăn đó, thầy trò chúng tôi vẫn không dừng việc học. Những bài giảng đầu tiên bằng hình thức học trực tuyến đã đến với học sinh dân tộc. Đa số các em không có máy tính mà học thông qua điện thoại của cha mẹ hoặc anh chị. Nhiều em chưa biết học như thế nào, cài đặt chương trình gì là cả một vấn đề lớn cho giáo viên”.

Mọi việc như khó khăn thêm đối với giáo viên dạy lớp 6 vì là học sinh đầu cấp mới vào trường. Thầy trò còn chưa quen mặt đã phải gặp nhau qua màn hình. Bằng nhiều cách, thầy Hiếu đã hướng dẫn các em cài đặt chương trình học tập như: Google Meet, vnEdu LMS, Padlet, ClassDojo,…

Sau những ngày đó, các em học sinh đều hào hứng khi lần đầu tiên trong đời mình tham gia học trực tuyến. Đối với nhiều em, đó cũng là lần đầu biết những chương trình mới, biết cách ứng dụng điện thoại vào trong học tập. Cả thầy và trò đều vui mừng mỗi ngày chào nhau dù không gặp trực tiếp.

Điều làm thầy Hiếu nhớ nhất là hầu như các em khi tham gia học trực tuyến đều không thể tương tác với giáo viên. Học sinh không biết nút nào chat, giơ tay, nộp bài, vào hệ thống vnEdu LMS như thế nào.

Thầy Hiếu cho biết: “Thầy trò tôi phải hàng đêm kết nối và tôi đã hướng dẫn cho các em. Học sinh rất hào hứng và giữ vững nền nếp tham gia lớp học. Cho đến nay, hầu hết học sinh của tôi tương tác rất thành thạo. Đó là niềm vui của người giáo viên dạy học trong mùa dịch Covid!”.

“Có em gần nửa đêm còn nhắn qua Zalo: “Thầy ơi em nộp bài cho thầy rồi”, “Em làm vậy đúng không thầy”,… khiến tôi rất cảm động về tinh thần ham học tập, vượt qua khó khăn của học trò mình” – thầy Hiếu chia sẻ.

Nhiều clip được đồng nghiệp đón nhận

Thầy giáo Huỳnh Bá Hiếu.
Thầy giáo Huỳnh Bá Hiếu.

Đặc biệt hơn, trong mùa dịch, thầy Hiếu cũng đã giúp và hỗ trợ được rất nhiều giáo viên qua các buổi tập huấn của Phòng Giáo dục và Đào tạo Giồng Riềng. Thầy đã tập huấn ba buổi cho giáo viên trong huyện và tỉnh về ứng dụng CNTT.

Ngoài ra, thầy Hiếu còn giới thiệu các chương trình như: Mentimeter, Padlet, Geogebra, Google Forms, và cách sử dụng … Đặc biệt, hướng dẫn giáo viên sử dụng các ứng dụng như Google Meet, Zoom, Teams để giáo viên tổ chức lớp học.

Rất nhiều giáo viên còn lúng túng chưa biết cách sử dụng, thầy đã nhiệt tình hướng dẫn và quay video clip cho giáo viên xem. Qua đó cũng giúp đỡ phần nào cho giáo viên trong huyện và trong tỉnh khi tham gia dạy trực tuyến hiệu quả hơn.

Ngoài những ứng dụng trong giảng dạy, thầy Hiếu còn hướng dẫn học sinh tìm tòi các tài liệu phục vụ việc học. Theo thầy, học sinh rất vui khi tìm ra được những bài học nâng cao kiến thức.

Tự mình học hỏi thêm, sau đó tổng hợp lại rồi tổ chức các buổi chia sẻ, những video clip của thầy Hiếu luôn được sự đón nhận của học sinh, giáo viên. Với thầy giáo ở Giồng Riềng, đó là món quà vô giá thúc đẩy người giáo viên tiếp tục lan tỏa, chia sẻ những kiến thức cho các đồng nghiệp và học sinh trong mùa Covid này.

Trước đó, năm 2017, thầy Hiếu cũng đã đem giải pháp “Skype in the classroom” (Skype trong lớp học) nhằm đưa lớp học của mình kết nối với các lớp học ở Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ.

Điều này giúp tạo nên hứng thú học tập, tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh. Nhất là trong hoàn cảnh đa số các em đều thuộc hộ gia đình có cuộc sống khó khăn, thiếu các thiết bị công nghệ để chủ động tìm hiểu, mở rộng vốn kiến thức.

Với nỗ lực tìm tòi, ứng dụng công nghệ vào giáo dục, thầy Hiếu đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh. Thầy Hiếu cũng nhiều lần đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, giải Nhì thiết kế bài giảng E-learning cấp tỉnh và vào vòng chung khảo xếp hạng cấp quốc gia, nhiều giải cấp huyện về bài giảng E-learning. Đặc biệt, thầy Hiếu vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021. Chương trình tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.