Thầy giáo chia sẻ 'bí kíp' giúp học sinh giành điểm 8+ Ngữ văn

GD&TĐ - Thầy giáo Dương Khánh Toàn (Vĩnh Phúc) chia sẻ cách ôn tập, làm bài thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp học sinh đạt điểm cao như mong đợi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nắm chắc cấu trúc

Lưu ý với thí sinh về kỹ năng làm bài thi môn Ngữ văn, thầy giáo Dương Khánh Toàn – Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Giang (Vĩnh Phúc) cho rằng: Để đạt điểm 8+ môn Ngữ văn, ngoài việc phân bố thời gian làm bài hợp lý, thí sinh cần tích cực rà soát những kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn để làm bài được tốt nhất.

Đối với phần Đọc hiểu, thầy giáo Dương Khánh Toàn nhấn mạnh: Theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2023, để đạt điểm tối đa ở phần đọc hiểu, thí sinh cần đọc kỹ đề bài, hiểu đúng ngữ liệu và các yêu cầu đề bài đặt ra.

Câu hỏi 1 và 2 kiểm tra năng lực hiểu biết về thể thơ, phương thức biểu đạt, chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh trong ngữ liệu nêu trong đề bài… Với câu hỏi này, thí sinh đọc kĩ văn bản, gạch chân từ ngữ, hình ảnh liên quan, trả lời ngắn gọn, đúng và đủ.

Câu hỏi 3 kiểm tra về tiếng Việt, làm văn hoặc năng lực hiểu nội dung của một câu thơ, câu văn, chi tiết trong ngữ liệu. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ; nêu nội dung của dòng thơ hay hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả…

Thí sinh cần chỉ ra biện pháp tu từ, sau đó nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ như làm cho câu văn, câu thơ trở nên sinh động, hấp dẫn; tăng sức biểu cảm, tạo nhịp điệu sôi nổi, nêu hiệu quả nghệ thuật riêng như nhấn mạnh, làm nổi bật nội dung gì, truyền đến người đọc thông điệp gì…

Câu hỏi 4 kiểm tra năng lực vận dụng yêu cầu thí sinh nhận xét về một trong những ý nghĩa sâu sắc của văn bản. Với câu hỏi này, thí sinh cần trả lời theo hai ý: Nêu lên ý nghĩa và nhận xét về ý nghĩa đó.

Thầy giáo Dương Khánh Toàn – Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Giang (Vĩnh Phúc)
Thầy giáo Dương Khánh Toàn – Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Giang (Vĩnh Phúc)

Đối với đoạn văn Nghị luận xã hội, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội về vấn đề xã hội được rút ra từ ngữ liệu nêu trong phần Đọc hiểu.

“Để đạt điểm tối đa, các em không nên triển khai ý như một bài văn nghị luận xã hội theo cấu trúc Giải thích khái niệm - nêu biểu hiện - đánh giá, bàn bạc, nêu phản đề - rút ra bài học nhận thức và hành động”, thầy Dương Khánh Toàn bật mí.

Muốn viết được đoạn văn, thí sinh cần xác định câu chủ đề và các câu triển khai ý tưởng. Câu chủ đề là câu khái quát cho toàn đoạn văn (theo cách trình bày diễn dịch), là lời khẳng định / phủ định hoặc khẳng định một phần vấn đề cần bàn luận. Các câu triển khai ý tưởng là các ý phụ, các lí lẽ, dẫn chứng góp phần làm sáng tỏ cho chủ đề.

Thí sinh cần bày tỏ quan điểm ngắn gọn, rõ ràng định hướng nội dung của đoạn văn. Nắm vững cấu trúc như vậy để không viết lan man, xa đề hoặc lạc đề khiến cho đoạn văn thiếu mạch lạc, chặt chẽ. Nhưng cũng cần phát huy trí tưởng tượng, theo cảm xúc để đoạn văn có sức hấp dẫn, lay động lòng người.

Phần Nghị luận văn học, câu nghị luận văn học trong đề thi Tốt nghiệp THPT môn Ngữ hiện nay thường yêu cầu thí sinh phân tích / nêu cảm nhận về một đoạn văn xuôi hoặc đoạn thơ trong tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12.

Để làm phần thi này tốt, thí sinh cần đọc và hiểu kỹ các văn bản trong sách giáo khoa và nắm chắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm khi ôn tập. Khi làm bài chính thức cần đọc kỹ ngữ liệu trong đề bài để tránh lạc đề, lệch ý.

“Nhất thiết cần lập dàn ý sơ lược, phác thảo ý chính và triển khai hợp lý các nội dung sau đó đảm bảo không thiếu hoặc thừa các nội dung và nghệ thuật. Thí sinh thận trọng trình bày hiểu biết và ý kiến nhận xét của mình về vấn đề trong ngữ liệu”, thầy Toàn lưu ý các thí sinh.

Một vài gợi ý cho bài nghị luận văn học

Để làm bài nghị luận văn học được điểm cao, thí sinh cần xác định được yêu cầu chính của đề bài, từ đó mới triển khai, phân tích các ý sát với yêu cầu đề, rõ ràng, mạch lạc, súc tích.

Đối với Phần mở bài: Giới thiệu về tác giả, chủ đề tác phẩm, vị trí và nội dung đoạn trích và yêu vấn đề nghị luận của đề bài là cách viết ngắn gọn nêu trực tiếp vấn đề.

Thầy Toàn gợi mở các thí sinh: Nếu mở bài gián tiếp, thí sinh có thể xuất phát từ một đặc trưng của văn học có liên quan đến yêu cầu của đề bài sau đó dẫn dắt vào tác phẩm và đoạn trích. Với cách mở bài này phần giới thiệu tác giả, tác phẩm có thể đưa vào đoạn chuyển tiếp giữa mở bài và thân bài.

Chia sẻ của thầy Toàn sẽ giúp thí sinh đạt kết quả cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây

Chia sẻ của thầy Toàn sẽ giúp thí sinh đạt kết quả cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây

Đối với Phần thân bài: Phần thân bài giải quyết hai yêu cầu của đề, (yêu cầu thứ nhất, nêu cảm nhận/phân tích là nội dung chính, yêu cầu hai, từ đó nhận xét mở rộng để phân hóa điểm giỏi).

Để làm được yêu cầu cơ bản, thí sinh cần nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm, hiểu được phong cách nghệ thuật của nhà văn nhà thơ, lấy đó làm cơ sở để soi chiếu vào đoạn trích; phân tích, đánh giá các chi tiết nghệ thuật (với đoạn trích văn xuôi) và các hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ (với đoạn trích thơ). Phân tích đoạn trích nhất thiết phải đi từ nội dung đến hình thức nghệ thuật sau đó đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

Thí sinh có thể mở rộng bằng cách liên tưởng, so sánh với các tác phẩm, đoạn trích, chi tiết cùng đề tài để làm nổi bật nét riêng, độc đáo của tác phẩm được và làm cho bài văn thêm phong phú sinh động; nhưng nên tránh việc so sánh mở rộng tùy tiện, tùy hứng khiến cho mạch văn bị ngắt quãng, cảm xúc bài văn bị pha loãng.

Với yêu cầu mở rộng, thầy Toàn cho rằng, thí sinh cần vận dụng kiến thức về lí luận văn học kết hợp với cảm nhận của cá nhân để đưa ra những nhận xét vừa đảm bảo tính chính xác, phù hợp với quy luật phản ánh của văn học, vừa mang tính cá thể và sáng tạo, tránh nhận xét một cách chung chung sáo mòn.

Và cuối cùng là Phần kết luận của bài văn nên có hai ý, ý thứ nhất, đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích; ý thứ hai mở rộng theo hướng nêu lên ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm đặt ra trong cuộc sống ở thời điểm tác phẩm ra đời cũng như trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là những vấn đề thiết thực và gần gũi với tuổi trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.