Thầy giáo bị tố “dâm ô”: Khoảng lặng tư vấn tâm lý học đường

Thầy giáo bị tố “dâm ô”: Khoảng lặng tư vấn tâm lý học đường

Sự việc trên cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhà trường và các bậc phụ huynh trong việc giáo dục trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nhận biết hành vi bất thường của người khác và dám nói ra vấn đề, khúc mắc của mình.

Dạy trẻ biết phản biện

TS Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (tại TPHCM), chuyên viên tham vấn tâm lý cho rằng: Sau sự việc thầy giáo “dâm ô” học sinh ở Tây Ninh vừa qua hay Phú Thọ năm trước đặt ra nhiều vấn đề trong việc giáo dục con trẻ về kỹ năng phản biện, phòng tránh xâm hại tình dục, giáo dục về giới tính nói chung…

Muốn để trẻ biết phản biện thì phải có kiến thức, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng phòng chống xâm hại. Thế nhưng thực tế cho thấy, các trường phổ thông vẫn chưa làm tốt công tác này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Về phía gia đình, nhiều phụ huynh chưa có sự quan tâm đúng mức. 

“Để phòng tránh trẻ bị xâm hại, cha mẹ cần có hiểu biết nhất định và ngay từ nhỏ, phải chỉ cho con biết điểm nhạy cảm trên cơ thể, tuyệt đối không để người khác đụng chạm vào; dạy con về tình huống không an toàn, dám lên tiếng, phản biện với những hành động sai trái… Luôn quan tâm và tạo sự tin tưởng để các con dám nói lên những vấn đề của mình từ chuyện giới tính, tình bạn, tình yêu, học tập…”, TS Thúy nêu quan điểm.

Giúp trẻ sớm ổn định tâm lý

Bên cạnh tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, qua câu chuyện xảy ra ở Tây Ninh, nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục ao ước, giá như mỗi trường học có phòng tư vấn tâm lý học đường, có chuyên viên tư vấn tâm lý chuyên trách, có lẽ sớm ngăn chặn những nỗi đau trên.

Tuy nhiên, công tác tư vấn học đường hiện còn khó khăn khi nhiều trường chưa có cán bộ chuyên môn phụ trách. Nhiều nơi giáo viên tham gia vào tổ tư vấn tâm lý chưa qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn hoặc được đào tạo về chuyên ngành tâm lý. Giáo viên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp để tư vấn cho HS nên việc nắm bắt tâm lý, gợi mở để các em mạnh dạn bày tỏ, chia sẻ còn gặp nhiều vướng mắc.

TS Phạm Thị Thúy đặt giả thiết: Giả sử các em gặp hành vi ấy lần đầu, có thể chưa thổ lộ với thầy cô, bạn bè, cha mẹ, nhưng vẫn có thể trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với chuyên viên tâm lý của nhà trường để có những lời khuyên hữu ích, cách giải quyết hợp lý.

Cũng theo TS Phạm Thị Thúy, việc làm của thầy giáo ở Tây Ninh sẽ được các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Vấn đề quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay là giúp học sinh liên quan sớm ổn định tâm lý để tiếp tục học tập.

Thời điểm này, các con cần nhất chính là cha mẹ, thầy cô, bạn bè. “Chúng ta cho trẻ biết việc nói lên sự việc là hoàn toàn đúng. Các con không có gì phải lo lắng hay xấu hổ, hãy tiếp tục việc học, chơi đùa cùng bạn bè, và quên nó đi… Người sai sẽ bị pháp luật trừng trị, dù đó là thầy giáo hay bất cứ ai, có chức vụ gì…”, TS Thúy lưu ý.

Theo TS Phạm Thị Thuý, các em cần một chuyên gia tư vấn tâm lý để trò chuyện, trao đổi, tư vấn riêng hoặc tư vấn nhóm để vượt qua sang chấn tâm lý. Bởi đôi khi chúng ta chủ quan, cứ nghĩ rằng động viên vài ba câu sẽ ổn, nhưng thực chất có những sang chấn rất khó để chữa khỏi, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý trẻ về sau, thậm chí để lại hậu quả nặng nề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.