Thầy giáo 40 năm truyền cảm hứng môn Lịch sử

GD&TĐ - Bằng phương pháp giáo dục định hướng tư duy, mỗi tiết dạy của thầy Huỳnh Quang Lâm (Tổ trưởng tổ Sử - Địa, Trường THPT chuyên Bạc Liêu) luôn thu hút học trò. Thầy đã tự mình thực hiện những chuyến đi trải nghiệm nhiều nơi trong cả nước để học hỏi, rèn nghề, tạo nguồn cảm hứng trong dạy học.

Thầy Huỳnh Quang Lâm bên học trò
Thầy Huỳnh Quang Lâm bên học trò

Mỗi chuyến đi là bài học đáng giá

Sinh tại tỉnh Trà Vinh, nối nghiệp truyền thống gia đình, thầy Huỳnh Quang Lâm chọn cho mình con đường làm nhà giáo. Gần 40 năm đứng trên bục giảng là từng ấy thời gian thầy nỗ lực đem tất cả những kiến thức có được để truyền dạy cho học trò. Là giáo viên dạy Sử, thầy nhận thấy yếu tố đi thực tế tìm hiểu các di tích lịch sử đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho quá trình giảng dạy. Đối với thầy, được đi là được mở mang nhiều kiến thức ngoài sách vở, tiếp thu nhiều bài học mới mẻ để truyền dạy cho học sinh.

Mỗi khi đến kì nghỉ lễ hoặc vào hè, có nhiều thời giờ rảnh rỗi, thầy đều đặn xách ba lô rong ruổi đi thăm người thân, khám phá vùng đất mới, thăm lại các vùng đất cũ để cảm nhận và tích lũy bài học mới. Có khi là xe máy, khi thì xe hơi, có khi đồng hành với bạn đời, có khi đi một mình… Những cuộc hành trình ấy đã bồi đắp kĩ năng sống hữu hiệu. Thầy sợ nhất là một ngày nào đó “chân không cho đi”.

Thầy Huỳnh Quang Lâm cho biết: “Khám phá các di tích lịch sử là để mở ra hướng nghiên cứu mới cho việc giảng dạy của người giáo viên. Kết hợp song song giữa trường học và trường đời để minh họa bài học sẽ sống động hơn”.

Một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất của thầy là về miền Trung, cách đây 10 năm. Lúc đó thầy đi xe máy từ Bạc Liêu ra Quảng Trị để đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Điều thầy mong muốn trong hành trình hơn 1.000km này là thắp hương tưởng niệm cho những người hi sinh cho quê hương, trong đó có người anh của thầy, vào đúng ngày 27/7.

Không còn bao lâu nữa, thầy Huỳnh Quang Lâm sẽ nghỉ hưu, nhưng thầy vẫn tâm huyết với những chuyến đi tìm hiểu lịch sử, chú trọng thay đổi tư duy dạy Sử bằng những lần thăm di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Thầy Lâm chuẩn bị một chuyến đi dã ngoại

Thầy Lâm chuẩn bị một chuyến đi dã ngoại

Học chính mình và từ học trò

Về Trường THPT chuyên Bạc Liêu giảng dạy từ năm 1992, xây dựng tinh thần mở trong giáo dục, thầy Lâm đã gắn bài học với thực tiễn bằng cách tổ chức cho học sinh tham gia chương trình do thầy sáng lập có tên là “Chương trình giáo dục cộng đồng”. Theo đó, mỗi nhóm học sinh sẽ theo thầy, đạp xe đến những miền quê trải nghiệm cuộc sống vất vả của người nông dân. Sau khoảng 8 năm hoạt động, chương trình đã gắn kết mối quan hệ thầy trò hiệu quả, đặt những viên gạch đầu tiên cho việc dạy và học đổi mới.

Ở những tiết học trên lớp, thầy rất ít cho học sinh ghi chép, thay vào đó khi thầy giảng, học sinh chỉ cần tập trung lắng nghe. Bài học của thầy không hề khô khan, không bị ràng buộc đóng khung trong sách giáo khoa. Phương pháp dạy học của thầy là định hướng cho học sinh tự học, tự đọc sách và tìm kiếm các nguồn tài liệu, từ những kiến thức cơ bản đến phân tích các kiến thức đó để các em hiểu sâu vấn đề.

Theo quan điểm dạy học mới, thầy Lâm nhấn mạnh đến quá trình trao đổi kiến thức giữa thầy và trò. Người thầy phải tích cực tiếp nhận những sản phẩm tư duy của học sinh, lấy đó làm nguồn cổ vũ tinh thần cho người học. Qua đó tay nghề người dạy cũng sẽ được nâng cao hơn. Người thầy không ngừng học hỏi là người thầy biết lắng nghe, biết ghi nhận những tư duy khác biệt của học sinh.

“Giáo viên là người ghi điểm chứ không phải cho điểm học sinh. Người thầy tham gia vào sự tiến bộ của học sinh, giúp các em có động lực phấn đấu hình thành bản lĩnh trong học tập. Tạo mối quan hệ hợp tác thầy - trò sẽ khắc phục được cách dạy cho và nhận mà thay bằng trao và đổi. Điều đó giúp cho người thầy học lại từ chính mình và học từ chính học trò”, thầy Lâm phân tích.

Lớp học của thầy Lâm không nặng về điểm số, thầy tôn trọng từng ý kiến của người học, các em có thể trình bày những suy nghĩ của mình về bài học. Thầy trở thành người điều khiển, quan sát năng lực học tập cá nhân, cũng như cách làm việc nhóm của các em.

Dành tâm huyết cho giáo dục, đặc biệt là bộ môn Lịch sử, trong mỗi bài giảng thầy Lâm không quên lồng ghép vào đó kiến thức xã hội và những bài học thực tế trong những chuyến đi tìm hiểu lịch sử khắp mọi miền Tổ quốc. Càng yêu nghề bao nhiêu càng thôi thúc bước chân thầy rong ruỗi bấy nhiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.