Thấy gì qua kỳ thi quốc gia thống nhất đầu tiên ở CHLB Nga?

Thấy gì qua kỳ thi quốc gia thống nhất đầu tiên ở CHLB Nga?

Đa số HS THPT ở Nga đã hoàn thành hai  môn bắt buộc của kỳ thi Quốc gia thống nhất (EGE): Toán và Tiếng Nga. Đây là năm đầu tiên nước Nga chính thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo đề thi chung (2 trong 1) sau thời gian dài thử nghiệm.
Học sinh Nga (ảnh internet)
Học sinh Nga (ảnh internet)
 
Theo quy định của EGE, nếu thí sinh bị điểm 2 (điểm liệt) ở hai môn bắt buộc sẽ không được nhận bằng tốt nghiệp THPT và dĩ nhiên, họ sẽ không được xét vào các trường ĐH. Theo thống kê chính thức thì gần 20 ngàn thí sinh tham dự kỳ thi năm nay ở Nga (chiếm 2,2%) không được nhận bằng tốt nghiệp. Đây là con số không nhỏ so với những năm trước và tạo nên sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.

Những năm trước, HS tham dự kỳ thi EGE thử nghiệm được ưu tiên đặc biệt. Nếu thí sinh bị điểm 2 sẽ được cộng thêm 1 điểm thành điểm đạt yêu cầu và trong bảng điểm của họ được ghi thành điểm 3 (Ở Nga tính theo thang 5 điểm). Năm nay, EGE được tổ chức chính thức nên không có chế độ cộng điểm và như vậy số thí sinh bị điểm liệt tăng lên- Giám đốc Trung tâm GD số 548 Efim Rachevsky nhận định.
Theo con số thống kê chính thức của Bộ GD-KH Nga, gần 20 ngàn thí sinh không vượt qua “ngưỡng” tối thiểu của hai môn bắt buộc (Toán và Tiếng Nga). Số thí sinh trên sẽ không được nhận bằng tốt nghiệp và không được xét tuyển vào các trường ĐH trong năm nay. Gần 20 ngàn thí sinh trên được cấp giấy chứng nhận đã “qua” chương trình phổ thông và họ chỉ có thể nhận bằng tốt nghiệp nếu vượt qua cuộc thi lại vào năm sau. Cũng theo thống kê này, có 6% thí sinh bị điểm 2 môn Tiếng Nga và 6,8% thí sinh bị điểm 2 môn Toán trong tổng số thí sinh tham dự kỳ thi EGE năm nay.

“Số phần trăm HS bị điểm 2 trong hệ thống GD và thi cử trước đây khá cao, chiếm khoảng 15%- Efim Rachevsky nhận định- Nếu trong lớp có 25-30 học sinh thì chí ít cũng phải có 2-3 em bị điểm 2. Nhưng trước đây, những người này vẫn nhận được bằng tốt nghiệp- người ta đã “vẽ” cho họ những kết quả như ý muốn”. Ví dụ như Moskva, thành phố có trên 15 triệu dân mà trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái chỉ có 10 HS bị trượt tốt nghiệp. Như vậy, số thí sinh bị điểm 2 trong kỳ thi EGE vừa rồi không phải là quá cao. Đối với một số người, việc không cấp bằng cho những học sinh bị điểm 2 là quá “rắn”, bởi dù sao đi chăng nữa các em đã ngồi 11 năm trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng không cấp bằng cho những thí sinh bị điểm 2 ở cả hai môn Toán và Tiếng Nga là hoàn toàn đúng đắn. Người ta đặt câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu những học sinh ấy được vào học ở những trường y và sau này trở thành bác sĩ?

Nguyên tắc cũ “đòi hỏi mỗi người theo năng lực” sẽ hết sức đúng đắn nếu xã hội không bắt những người có trình độ dưới trung bình trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Như vậy, tỷ lệ học sinh THPT không được cấp bằng tốt nghiệp cao như kỳ thi năm nay không phải là thảm họa. Kết quả này phản ánh trình độ thực của học sinh chứ không phải do hệ thống thi theo EGE. Điều đáng nói là cánh cửa vào đời của gần 20 ngàn HS THPT ở Nga tham dự kỳ thi EGE năm nay chưa hẳn đã khép lại. Thứ nhất, nếu HS bị điểm 2 ở một trong hai môn bắt buộc thì có thể thi lại vào năm sau; Thứ hai, không phải với bất cứ ai con đường vào đời cũng phải qua đại học. Rất nhiều nghệ nhân, thợ bậc cao, những “bàn tay vàng” có uy tín lớn đối với xã hội mà vẫn chưa tốt nghiệp đại học đó sao?

Tỷ lệ học sinh bị điểm 2 của các môn tự chọn trong kỳ thi EGE như sau: Sinh vật- 7,6% (dưới 35/100 điểm EGE), tin học- 11% (dưới 36/100 điểm EGE). Tỷ lệ thí sinh không đạt yêu cầu qua 2 môn thi Toán và Tiếng Nga cao bởi đó là hai môn bắt buộc với tất cả các thí sinh. Những môn còn lại theo lựa chọn, phụ thuộc vào từng chuyên ngành của các trường ĐH mà thí sinh có nguyện vọng theo học chắc chắn sẽ có kết quả khả quan hơn. Ai cũng biết, Tiếng Nga và Toán nhiều khi là barie đối với cả những học sinh có năng lực thực thụ. Học sinh THPT ở Nga năm nay vẫn có cách bỏ qua kỳ thi EGE để vào thẳng các trường ĐH với điều kiện: Họ đoạt giải trong kỳ thi Olympia của một môn nào đó. Có điều, theo thống kê của các cuộc thi Olympia năm nay chỉ có 9000 học sinh trong tổng số 900 ngàn HS THPT (chiếm 1%) đoạt giải. Số lượng HS đoạt giải Olympia như vậy là quá thấp. Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội CHLB Nga Yaroslav Kuzminov đảm bảo sẽ tăng tỷ lệ này lên 3-5% vào những năm sau.

Như vậy, kỳ thi EGE là một phương pháp tốt nhất để lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. “Đây là chuẩn mực hết sức quan trọng đối với “thương hiệu” của các trường ĐH. Nếu trường ĐH nào đó yêu cầu thí sinh phải đạt tối thiểu 80 điểm thì đó là những trường ĐH chất lượng cao. Nếu trường nào chỉ tuyển được những thí sinh đạt dưới 40 điểm thì đó là những trường có chất lượng thấp. Có khoảng 24 trường ĐH phải tổ chức kỳ thi phụ bởi số thí sinh đạt toàn điểm 5 đăng ký vào học quá nhiều”- Liubov Dukhanina- Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Khoa học tuyên bố. Lấy ví dụ, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối đăng ký vào khoa Toán- Cơ của ĐHTH Moskva (MGU) quá nhiều thì trường có quyền tổ chức kỳ thi phụ để lựa chọn những em xuất sắc nhất. Rất có thể đây sẽ là tiền đề để các trường chất lượng cao sẽ tự thi tuyển sinh viên của họ vào các năm sau mà không cần phải dựa vào kết quả kỳ thi EGE.
Điều làm người ta băn khoăn là bỏ qua kỳ thi EGE sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng, gian lận hoành hành. “Trong mọi hoàn cảnh EGE là “cái thang máy xã hội” tốt nhất đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh lẻ đã tích cực học tập ở bậc phổ thông nhưng không có người thân ở các trường ĐH danh tiếng”- Efim Rachevsky khẳng định. “Để trả thi theo hệ thống EGE, học sinh không những phải học tốt chương trình phổ thông, hiểu biết những kiến thức xã hội sâu rộng mà còn phải biết cách trả lời những câu hỏi trắc nghiệm một cách khoa học. Đây là hệ thống thi cử được tiến hành rộng rãi ở nhiều nước phát triển, tại sao lại không được áp dụng ở Nga?”-  Efim Rachevsky kết luận.
Anh Phương
(Theo “RIA-NOVOSTI”)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.