Thay đổi hệ thống bài tập củng cố bằng các trò chơi học tập

GD&TĐ - Ngày nay ở bậc THCS học sinh phải học từ 12- 13 môn học. Mỗi ngày các em học từ 4 đến 5 tiết. Vì vậy không tránh khỏi việc bị căng thẳng, quá tải trong học tập. Do đó, việc thay đổi hệ thống bài tập củng cố bằng các trò chơi học tập là vấn đề cần được quan tâm và ứng dụng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Qua nghiên cứu và kinh nghiệm nhiều năm dạy học, cô Phạm Thị Mai – Trường THCS Giảng Võ - nhận thấy, nếu vừa học, vừa chơi, không chỉ giúp học sinh ghi nhớ kiến thức nhanh và sâu hơn, mà còn tạo tinh thần thoải mái trong học tập, giúp các em hứng thú, say mê và yêu thích môn học. Thông qua các trò chơi tập thể cũng giúp học sinh hình thành năng lực, nhân cách, tăng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau.

Từ đó, cô Phạm Thị Mai đã thay đổi hệ thống bài tập củng cố bằng các trò chơi học tập, áp dụng với môn Sinh học ở THCS. Tất cả các khâu trong bài dạy đều có thể lồng ghép trò chơi để tạo hứng thú cho học sinh như kiểm tra bài cũ; mở bài; hình thành kiến thức mới; củng cố. Dưới đây là những chia sẻ hữu ích của cô Phạm Thị Mai.

Trò chơi đoán ô chữ

Có thể chơi theo 2 cách, cụ thể như sau:

Cách 1:

Luật chơi: Giáo viên kẻ sẵn các ô chữ. Dưới mỗi ô chữ là một chất hoặc một khái niệm hoá học. Giáo viên giải thích khái niệm hoặc tính chất của chất đó bằng lời. Học sinh nào đoán được tên chất hoặc tên khái niệm là người thắng cuộc. Phần thưởng cho người thắng cuộc do giáo viên tự đề ra và công bố trước khí chơi.

Phương thức tiến hành trò chơi: Dùng máy tính trình chiếu các ô chữ trên powerpoint. Kẻ sẵn các ô chữ trên bảng phụ hoặc trên khổ giấy lớn. Kẻ sẵn các ô chữ trên bảng

Ưu điểm của trò chơi: Rất dễ thực hiện; khắc sâu được các kiến thức vừa học một cách thoải mái, không gò bó. 

Nhược điểm: Chỉ kiểm tra được các kiến thức dưới dạng lý thuyết: Các định nghĩa, khái niệm… Không kiểm tra được học sinh yếu vì thường những học sinh khá giỏi thường hay nhanh tay trả lời trước.

Cách 2:

Luật chơi: Giáo viên kẻ sẵn một ô chữ có đủ các hàng ngang và hàng dọc và chuẩn bị sẵn câu hỏi cho từng ô hàng ngang và hàng dọc. Giáo viên chia lớp thành hai đội chơi. Lần lượt học sinh trong hai đội chọn các ô chữ hàng ngang, nếu trả lời đúng được 10 điểm và ô hàng ngang được mở ra cùng với 1 chữ cái trong từ hàng dọc là chữ cái trong ô in đậm.

Hai đội có thể trả lời ô hàng dọc bất kì lúc nào và giơ tay xin tín hiệu trả lời, số điểm của ô hàng dọc là 50 điểm. Kết thúc trò chơi đội nào được nhiều điểm hơn là đội thắng cuộc và được thưởng. Phần thưởng do giáo viên tự đưa ra.

Phương thức tiến hành trò chơi: Giáo viên chuẩn bị ô chữ trên máy tính, trình chiếu trên powerpoint là tốt nhất. Nếu không có điều kiện có thể chuẩn bị trên biểu bảng và giáo viên là người dọc câu hỏi ở mỗi hàng sau khi học sinh chọn câu hỏi. Nên chọn ra 1 học sinh làm thư kí để ghi điểm

Ưu điểm của trò chơi: Dễ thực hiện; kiểm tra được các khái niệm và giúp học sinh khắc sâu khái niệm một cách dễ dàng; học sinh được hoạt động tập thể; hình thành năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác.

Nhược điểm: Chuẩn bị ô chữ mất nhiều thời gian.

Trò chơi “Ai nhanh hơn”

Luật chơi: Giáo viên có thể chia lớp thành nhiều đội chơi (2 đến 4 đội). Thi xem đội nào trả lời nhanh hơn một câu hỏi bất kì hoặc nêu tên động vật, thực vật, hoặc kể tên bộ phận của động vật, thực vật. Đội nào nhanh hơn thì đội đó sẽ thắng.

Ưu điểm của trò chơi: Rất dễ chơi; học sinh được vận động nên các em rất hào hứng; học sinh được hoạt động tập thể nên tăng cường tinh thần đoàn kết và hứng thú cho học sinh; hình thành năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác.

Nhược điểm: Trò chơi chỉ sử dụng được trong một số bài cụ thể, không thể sử dụng được trong bất kì bài học nào.

Trò chơi “Con số may mắn”

Luật chơi: Giáo viên chia lớp thành 2 đội lớn. Giáo viên kẻ sẵn các ô số từ 1 đến 6. Dưới mỗi ô số sau khi học sinh lật ra tương ứng với số điểm cụ thể: 10 điểm, 20 điểm, 30 điểm… Các đội sẽ được số điểm tương ứng nếu trả lời đúng câu hỏi tương ứng của ô số đó. Nếu đội chọn sau một khoảng thời gian nhất định không trả lời được thì đội còn lại được quyền trả lời và nhận được phần điểm tương ứng của ô đó.

Kết thúc trò chơi đội nào được số điểm lớn hơn đội đó là đội thắng cuộc. Phần thưởng do giáo viên tự đề ra: Có thể là quà tặng, thưởng điểm tốt cho những bạn trả lời đúng….

Lưu ý: Giáo viên có thể thay các ô số bằng các ô màu cho trò chơi thêm sinh động hoặc có thể thêm ngôi sao may mắn vào mỗi ô. Nếu đội nào chọn được ô có ngôi sao may mắn thì số điểm hiện tại của đội đó sẽ tăng lên gấp đôi để tạo thêm không khí vui vẻ cho các đội chơi.

Phương thức tiến hành trò chơi: Dùng máy tính và trình chiếu trên powerpoint là tốt nhất. Nếu không có điều kiện có thể sử dụng các tấm bìa, giấy màu… Câu hỏi cho các ô số có thể thay đổi nhiều loại khác nhau.

Chú ý: Sau khi học sinh trả lời các đáp án, giáo viên nên yêu cầu học sinh giải thích câu trả lời của mình để cả lớp hiểu kĩ thêm bài học.

Ưu điểm của trò chơi: Câu hỏi phong phú và đa dạng. Có thể kiểm tra nhiều loại kiến thức trong bài học bằng các loại bài tập củng cố khác nhau. Học sinh được hoạt động nên tạo được hứng thú cho học sinh, không khí vui vẻ trong lớp học. Hình thành năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề.

Trò chơi “Đoán tranh”

Luật chơi: Giáo viên chuẩn bị một bức tranh có nội dung của bài học càng tốt. Bức tranh được che lấp bởi các miếng ghép. Mỗi miếng ghép sẽ lần lượt được mở ra nếu học sinh trả lời được các câu hỏi sau mỗi miếng ghép. Học sinh nào trả lời được câu hỏi hoặc đoán được bức tranh sẽ được nhận phần thưởng. Phần thưởng do giáo viên tự đề ra và công bố trước khi chơi.

Phương thức tiến hành trò chơi: Bức tranh và các miếng ghép được trình bày trên powerpoint là tốt nhất. Nếu không có điều kiện có thể sử dụng bức tranh và lấy các miếng giấy màu làm miếng ghép. Học sinh có thể tự lên gỡ các tấm giấy màu đó.

Các câu hỏi ở mỗi miếng ghép có thể sử dụng nhiều loại câu khác nhau giống như ở trò chơi “con số may mắn”.

Ưu điểm của trò chơi: Có thể vận dụng ở các phần khác nhau trong bài giảng. Có thể kiểm tra được nhiều kiến thức trong bài học dưới nhiều dạng bài tập khác nhau. Tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em thêm yêu thích môn học. Hình thành năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề.

Trò chơi “Đuổi hình bắt chữ”

Luật chơi: Giáo viên chuẩn bị các bức tranh có nội dung liên quan đến bài học. Học sinh đoán từ mô tả cho bức tranh đó. Học sinh nào trả lời đoán được sẽ được nhận phần thưởng. Phần thưởng do giáo viên tự đề ra và công bố trước khi chơi.

Phương thức tiến hành trò chơi: Bức tranh có thể trình bày trên powerpoin hoặc in trên giấy. Các câu hỏi ở mỗi miếng ghép có thể sử dụng nhiều loại câu khác nhau giống như ở trò chơi “con số may mắn”.

Ưu điểm của trò chơi: Có thể vận dụng ở các phần khác nhau trong bài giảng. Tạo hứng thú cho học sinh. Giúp các em thêm yêu thích môn học. Hình thành năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực thẩm mĩ, năng lực giải quyết vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.