Thầy cô xứ Nghệ nhắn nhủ tới 'chuyến đò' đặc biệt

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chính thức diễn ra, nhiều thầy cô giáo xứ Nghệ đã nhắn nhủ lời tin yêu đến chuyến đò đặc biệt của mình…

Cô Phan Thị Hồng (GV Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An) và lứa học trò dân tộc nội trú đầu tiên của mình trước buổi thi môn Ngữ văn sáng ngày 28/6. Ảnh: NVCC.
Cô Phan Thị Hồng (GV Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An) và lứa học trò dân tộc nội trú đầu tiên của mình trước buổi thi môn Ngữ văn sáng ngày 28/6. Ảnh: NVCC.

Giấy xin nghỉ học vì “chúng em phải lớn rồi”

Kết thúc buổi ôn thi môn Toán cuối cùng của lớp 12C1 – Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, thầy giáo không chữa đề nữa, mà cũng không còn giao bài tập về nhà. Thay vào đó là buổi nói chuyện, chia sẻ giữa thầy Trương Đức Thành và những cô cậu học trò dân tộc nội trú đã cùng trải qua 3 năm học đáng nhớ.

Trong buổi học này, trên tấm bảng quen thuộc còn có một “Giấy xin phép nghỉ học” của tập thể lớp với lý do: “Chúng em đã phải lớn rồi”! Nhìn dòng chữ của học trò “chúc thầy của chúng em sẽ luôn lạc quan yêu đời cùng với những bài học đầy thú vị”, thầy giáo gần 20 năm đứng trên bục giảng không giấu được xúc động.

Giấy xin nghỉ học với lý do "chúng em đã phải lớn rồi" của học trò K37C1 Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Giấy xin nghỉ học với lý do "chúng em đã phải lớn rồi" của học trò K37C1 Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Chia tay lớp học trò khóa 2020-2023, thầy giáo Trương Đức Thành – Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An cũng gửi gắm nhiều chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Thêm một lần nữa chia tay, K37 - đúng là các em đã lớn thật rồi, đã đủ trưởng thành, đủ bản lĩnh cùng hành trang là ước mơ và hoài bão để bước trên chính đôi chân của mình”!

Ở mái trường nội trú, “nơi có bạn bè, có thầy cô và cho các em không chỉ những bài học trong sách vở mà còn nhiều bài học về cuộc sống, về sự sẻ chia, biết yêu thương”... Thầy Trương Đức Thành tin rằng những điều tốt đẹp đó “sẽ mãi ở lại trong trái tim các em” và sẽ là động lực để “các em đủ vững vàng, đủ niềm tin để bước tiếp” dù phía trước có những chông gai.

Những buổi tự học ban đêm miệt mài trên lớp của học trò trường dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Những buổi tự học ban đêm miệt mài trên lớp của học trò trường dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Năm nay là năm thứ 3 cô Phan Thị Hồng chuyển về công tác tại Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An, và cũng khép lại "chuyến đò" nội trú đầu tiên của mình.

Lần đầu tiên dìu dắt học sinh dân tộc thiểu số, từ bản làng xa xôi xuống thành phố Vinh ở nội trú, cô Phan Thị Hồng dành lời cảm ơn “duyên hội ngộ để cô trò gặp nhau. Cảm ơn các em đã cho cô thấy những giá trị không ngôn từ nào diễn tả hết của nghề giáo, của nghĩa thầy – trò. Cảm ơn các em đã cho cô biết mình có ý nghĩa đến vậy trong tâm hồn mỗi đứa học trò ngây ngô”.

Trước ngày thi, cô Phan Thị Hồng trả smartphone cho học trò nhưng các em từ chối, để tập trung tự học ở ký túc xá, sợ... rơi hết chữ. Ảnh: NVCC.

Trước ngày thi, cô Phan Thị Hồng trả smartphone cho học trò nhưng các em từ chối, để tập trung tự học ở ký túc xá, sợ... rơi hết chữ. Ảnh: NVCC.

Cô Phan Thị Hồng cũng chia sẻ, những ngày ôn tập cuối cùng, cô nói với học sinh sẽ trả smartphone cho các em để liên lạc với gia đình trước khi thi. (Nội quy của trường không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong thời gian học – PV). Tuy nhiên cả lớp đều bảo “không cô ơi, cô giữ giúp bọn em đến khi thi xong, bọn em sợ… rơi hết chữ cô ạ”.

Thời gian nước rút, đêm nào các em cũng thức khuya học bài, nhưng sáng hôm sau đều đi học đầy đủ, đúng giờ, không một lời kêu ca. Trong mỗi đứa trẻ xa nhà ấy, đã được thổi bùng và nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng, nghị lực, sự cần cù, chịu khó…

Trước kỳ vượt vũ môn, cô tin và khích lệ học trò của mình: “Thần may mắn sẽ mỉm cười. Chỉ cần các em giữ một tinh thần thoải mái, vui vẻ, tự tin thì mọi nỗ lực trong suốt 3 năm qua sẽ được đền đáp xứng đáng”.

Thanh xuân của trò, tâm huyết của thầy cô

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là dấu mốc quan trọng, khép lại 12 năm của tuổi học trò và cũng là kỳ vượt vũ môn của những cô cậu học trò bước vào ngưỡng cửa tương lai. Còn với các thầy cô giáo, lại thêm lần nữa chia tay một khóa học trò, nhìn những đứa trẻ trải qua năm tháng hồn nhiên bước vào hành trình mới.

Sáng 28/6, cùng với cả nước, thí sinh Nghệ An bước vào môn thi Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Hồ Lài.

Sáng 28/6, cùng với cả nước, thí sinh Nghệ An bước vào môn thi Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Hồ Lài.

Cô Hồ Thị Hà – giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (huyện Hưng Nguyên) đã gửi lời yêu thương đến khóa học sinh thứ 41 của trường và cũng là khóa đặc biệt mà mình chủ nhiệm: “Có lẽ khóa học K41 là khóa học có nhiều vất vả trong hành trang tuổi học trò thời bình. Trải qua đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, trải qua những mùa hè bỏng rát, nắng nóng như rang người 40 – 41 độ. Thế nhưng ngày ngày, các em vẫn miệt mài đến lớp, chạy đua cùng thời gian để củng cố kiến thức”.

Và đúng vào dịp thi, thời tiết xứ Nghệ đã hạ nhiệt như ủng hộ sỹ tử. Cô giáo vẫn dõi theo và chúc “khóa 41 về đích thành công, hãy tự tin và bản lĩnh để khẳng định mình nhé trò yêu”!

Là một giáo viên dạy môn Ngữ văn, trước khi học sinh bước vào môn thi đầu tiên, cô Lưu Thanh Trà – Phó Hiệu trưởng Trường THPT đã làm một bài thơ “Điểm tên tác phẩm lớp 12”. Trong đó, cô vừa nhắc lại tên những Đất nước, Tuyên ngôn độc lập, Tây Tiến, Người lái đò sông Đà, Rừng xà nu… kèm những tin yêu đến học trò khóa 45 dự thi tốt nghiệp nói chung và môn Ngữ văn nói riêng: “Em của anh ơi bài thi này em viết, Áng văn nào cũng hoá những loài hoa”.

Đưa chuyến đò đến trước trạm cuối, phần còn lại thầy cô mong học sinh hãy tự tin để có kết quả tốt nhất tại kỳ vượt "vũ môn". Ảnh: Hồ Lài.

Đưa chuyến đò đến trước trạm cuối, phần còn lại thầy cô mong học sinh hãy tự tin để có kết quả tốt nhất tại kỳ vượt "vũ môn". Ảnh: Hồ Lài.

Chia sẻ những bức ảnh kỷ yếu của học sinh lớp 12, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn cũng nhắc nhở: “May mắn chỉ chiếm 1%, 99% còn lại là ở kiến thức và sự nỗ lực, quyết tâm”. Vì thế, khi học sinh rời mái trường phổ thông, thầy cô mong muốn học sinh hãy cố gắng ở “trạm cuối cùng” này, để làm “tiếp tục chuyến tàu của mình đến với một sân ga khác mới mẻ, rộng lớn và nhiều hứa hẹn hơn nữa, với bến đợi là sân ga hạnh phúc và thành công”.

Cô Đặng Thị Kim Oanh – giáo viên chủ nhiệm lớp 12C7 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã dành những lời tâm sự sau chặng đường đồng hành với “thanh xuân của trò”. Trong quãng thời gian đó, cô chứng kiến sự phát triển từng cá nhân trong lớp, những lần vượt qua khó khăn, những thành công và cả thất bại.

Thí sinh đến dự thi Tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Thí sinh đến dự thi Tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Cô cũng gửi lời cảm ơn các học trò “vì các em là nguồn động viên và cảm hứng cho cô trong công việc giảng dạy của mình”. Cô tin rằng học trò của mình sẽ thật bình tĩnh, tự tin, phát huy tối đa khả năng và trí tuệ của mình làm bài thi thật tốt và sẽ làm nên những điều tuyệt vời, sẽ tiếp tục tỏa sáng trong tương lai...

Mai này, rời ghế nhà trường bước vào hành trình mới, có khó khăn, có thử thách, có thành công và có lẽ sẽ có cả những thất bại. Nhưng thầy cô, mái trường sẽ “vẫn luôn là sân ga trên con đường trở về”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.