Thầy cô ở vùng cao đối với học trò phải vừa là giáo viên, vừa là cha mẹ

GD&TĐ - Gần 30 năm trước, cô Trương Thị Lan tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ là người hiếm hoi chọn ở lại gắn bó với trường vùng biên giới.

Cô Trương Thị Lan (ở giữa) cùng các em học sinh Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Cô Trương Thị Lan (ở giữa) cùng các em học sinh Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Cô Trương Thị Lan (SN 1975) - giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là 1 trong 200 giáo viên tiêu biểu của cả nước năm 2023 được Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương.

Cô học trò dân tộc Thái theo đuổi ngành sư phạm

Đến nay, cô Trương Thị Lan đã tròn 25 năm gắn bó với ngôi trường THPT huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An. Những khó khăn, trở ngại đã trở thành câu chuyện kể “ngày xưa”, mà điều đọng lại là nỗ lực, ý chí ở lại với Kỳ Sơn, là tấm lòng với bao lứa học trò dân tộc thiểu số, là tâm huyết với nghề giáo đã chọn.

Cô giáo Trương Thị Lan kể bản thân cũng là người dân tộc thiểu số, sinh ra ở bản làng chiếm hầu hết là người Thái ở xã Châu Lộc (Quỳ Hợp, Nghệ An). Bà con dân bản gắn bó với ruộng nương, ít khi ra khỏi bản nên việc cho con cái học lên cao, đến vùng đất mới cũng hiếm hoi.

“Đến lứa chúng tôi cũng vậy, cuộc sống vất vả nên khi vừa lớn lên đã nghỉ học, làm lụng, rồi lấy vợ, lấy chồng. Riêng tôi là con út trong gia đình có 5 anh chị em và cũng là đứa con duy nhất được học hết lớp 12, vào đại học và sau này có nghề nghiệp của mình”, cô nhớ lại.

Cô Trương Thị Lan đã có hơn 25 năm là giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Cô Trương Thị Lan đã có hơn 25 năm là giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Gia đình cô cũng làm nông nghiệp, nhưng bố cô có tư tưởng tiến bộ, luôn muốn con cái học thật tốt để có cái chữ, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Riêng con gái út học hết cấp 2 là người duy nhất của xã thi đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đi học. Rời núi xuống TP Vinh học nội trú cũng là bước ngoặt của cô học trò dân tộc Thái để vươn xa hơn, đặt mục tiêu vào đại học.

“Gia đình muốn tôi theo ngành y để sau này còn hỗ trợ người thân, nhưng tôi lại chọn sư phạm bởi tôi chịu ảnh hưởng từ cô giáo của mình, đó là cô giáo dạy tiếng Nga tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Ngày ấy, chúng tôi học Tiếng Nga, nên khi đăng ký vào trường sư phạm thì đăng ký vào ngành Ngoại ngữ. Nhưng sau khi có giấy báo lại được phân vào ngành Sư phạm tiếng Anh" cô nói về cái duyên nghề giáo của mình.

Vào đại học với xuất phát điểm chưa biết chữ nào tiếng Anh, nhưng bằng ý chí, ham học hỏi, Trương Thị Lan đã khẳng định bản thân, đại diện cho lớp thi sinh viên tiếng Anh giỏi của khoa.

… đến giáo viên Tiếng Anh kiêm Giáo dục công dân

Năm 1998 tốt nghiệp ra trường, cô giáo trẻ Trương Thị Lan nhận công tác tại huyện biên giới Kỳ Sơn. Dù cũng sinh ra và lớn lên ở miền núi, nhưng đây là mảnh đất xa lạ đối với cô Lan, nằm phía tận cùng phía tây nam Nghệ An. Ngày ấy, từ thành phố Vinh lên Kỳ Sơn đã có xe khách, nhưng phải 2-3 ngày mới có một chuyến. Trên xe chở cả người, đồ đạc, hàng hóa, vật nuôi chồng lên nhau, nhọc nhằn vượt núi.

Cô Lan quan niệm, bản thân là người vùng cao thì sẽ lên vùng cao để phục vụ đồng bào quê hương, học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồ Lài
Cô Lan quan niệm, bản thân là người vùng cao thì sẽ lên vùng cao để phục vụ đồng bào quê hương, học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồ Lài

Một người bạn thân của cô Lan đã từng dạy ở Kỳ Sơn và nhắn trước rằng trên này khó khăn, vất vả lắm.

“Nhưng lúc đó tôi suy nghĩ đơn giản, rằng mình là người vùng cao, thì sẽ lên vùng cao để phục vụ đồng bào quê hương mình. Tuổi trẻ khiến tôi cho rằng mọi khó khăn, trở ngại hay khác biệt về văn hóa, về lối sống rồi cũng có thể vượt qua”, cô Lan kể lại.

Trường THPT Kỳ Sơn khi ấy gồm cả cấp II và cấp III, cô Trương Thị Lan được giao chủ nhiệm lớp 6. Nhưng khối cấp II chưa triển khai dạy tiếng Anh, nên cô giáo trẻ được tạm phân công dạy môn… Giáo dục công dân. Dạy học trái chuyên môn vô cùng khó khăn, nhưng bản thân là người làm công tác chủ nhiệm, nên cô cho rằng môn học này sẽ kéo gần cô và trò lại với nhau. Dù vất vả nhưng chưa khi nào cô muốn bỏ cuộc hay quyết định quay về quê, mà chọn ở lại, gắn bó với mảnh đất gian nan này, vì muốn được dạy học, được làm giáo viên.

Cô chia sẻ: “Sau một thời gian thì tôi được quay lại dạy đúng chuyên môn của mình. Học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều vất vả, hạn chế khi học tiếng Anh, bởi tiếng phổ thông các em còn chưa thành thạo. Tiếng Anh như là ngoại ngữ thứ 2, mà khi nghe cô giáo phát âm, có em ngơ ngác, có lớp thì cười khúc khích vì thấy lạ, không hiểu gì”.

Chính vào lúc này, cô Trương Thị Lan mới thấy mình gặp khó khăn nhất, khi mình là người dạy học, truyền tải kiến thức, mà các em không sẵn sàng tiếp nhận, không có nhận thức cần phải học môn tiếng Anh.

Trong quá trình công tác, cô luôn nỗ lực trau đồi chuyên môn và có phương pháp phù hợp với học trò. Ảnh: Hồ Lài
Trong quá trình công tác, cô luôn nỗ lực trau đồi chuyên môn và có phương pháp phù hợp với học trò. Ảnh: Hồ Lài

Cô đành phải từng bước cho học sinh làm quen với môn học mới, và động viên, khích lệ các em học Tiếng Anh như học tiếng phổ thông. Biết thêm một chút sẽ yêu thích thêm một chút. Ở các trường miền xuôi, vùng trung tâm, dạy học tiếng Anh có nhiều mục tiêu cao hơn. Nhưng ở trường vùng cao, cô và đồng nghiệp kiên trì phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo mức độ nhận biết và tiếp nhận của các em. Kết quả là sự tiến bộ của học trò chứ không phải là danh hiệu, thành tích nào.

Với phương pháp đó, mà sau 4 năm công tác tại trường, cô Lan đã có học sinh đạt giải Khuyến khích tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An môn tiếng Anh. Kết quả này còn khiêm tốn so với trong tỉnh, nhưng đã là kỳ tích ở ngôi trường vùng biên giới này.

Nữ cán bộ công đoàn tâm huyết

Sau thời gian dài gắn bó với Trường THPT Kỳ Sơn, ngoài chuyên môn dạy học tiếng Anh, cô Trương Thị Lan còn được bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường. Để làm tốt 2 vai trò ở ngôi trường có hơn 90% học sinh dân tộc thiểu số không dễ dàng.

Về nhiệm vụ chuyên môn, cô cùng tổ bộ môn, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Bên cạnh đó thường xuyên phụ đạo miễn phí cho các em yếu kém hoặc bồi dưỡng học sinh khá. Đặc biệt là vào giai đoạn tăng tốc, từ tháng 3 đến khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, cô và đồng nghiệp tổ chức các buổi học đêm tại trường miễn phí cho học sinh khối 12.

Với tâm huyết và tài năng của mình, cô Trương Thị Lan được biểu dương là giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Hồ Lài
Với tâm huyết và tài năng của mình, cô Trương Thị Lan được biểu dương là giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Hồ Lài

Về phía công đoàn nhà trường cũng đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức liên tục 7 năm chương trình “Đồng hành cùng các sĩ tử”, nấu hàng trăm suất cơm, nước uống miễn phí thí sinh và người nhà mỗi mùa thi. Bên cạnh đó, công đoàn nhà trường còn có nhiều hoạt động khác như đền ơn đáp nghĩa; các hoạt động xã hội, tương thân, tương ái trong cán bộ, nhà giáo, lao động thông qua các chương trình “Mái ấm công đoàn”, “Hỗ trợ đoàn viên công đoàn và học sinh khó khăn”...

Năm học 2023-2024, cô Trương Thị Lan vinh dự được Công đoàn ngành Giáo dục chọn và tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Bất ngờ và đầy xúc động, cô tâm sự: Trong nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu cho mình phải đạt giải thưởng này hay thành tích kia. Nhưng được Bộ GD&ĐT tôn vinh giáo viên tiêu biểu toàn quốc là món quà rất lớn không chỉ cho cá nhân, cho gia đình và cho ngôi trường vùng cao mà tôi gắn bó hơn 25 năm. Giải thưởng cũng là sự ghi nhận và tạo động lực để tôi tiếp tục với nghề giáo, với tâm huyết mà mình đã chọn”.

Cô giáo người Thái trải lòng, thầy cô ở vùng cao đối với học trò phải vừa là giáo viên, vừa là cha mẹ, người người thân trong gia đình vừa là người bạn lắng nghe chia sẻ. Khi các em gần gần gũi được với thầy cô, các em sẽ thấy như ở nhà và khi đó các em sẽ thực sự xem trường học là ngôi nhà thứ hai của mình.

“Là người truyền đạt tri thức và cũng dành tâm huyết, tình cảm đặc biệt cho học sinh nơi đây, sau hàng chục năm, tôi cảm thấy đã góp được một phần nhỏ cho nhiều thế hệ học trò. Đó cũng là điều tôi trân trọng và tiếp tục phấn đấu trong chặng đường nghề giáo tiếp theo của mình”, cô giáo tiêu biểu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ