Những chiếc "lá lành" từng giờ vẫn đang được gửi đi, để tiếp sức cho dải đất miền Trung kiên cường vượt qua đau thương, bão lũ.
Cô trò chuyển quà 20/10 thành hiện vật ủng hộ vùng lũ
Trong những ngày mưa lũ hành hành khắp dải miền Trung, Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã đề nghị các đơn vị, trường học trên địa không tổ chức các hoạt động dạ hội, tiệc tùng... chào mừng 20/10. Đồng thời mong các cán bộ, giáo viên chia sẻ với nỗi đau thương, mất mát mà đồng bào vùng lũ lụt gặp phải.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, các trường học còn có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp cả tinh thần, vật chất san sẻ khó khăn với người dân, học sinh miền Trung.
Tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An), hoa và quà của các cô nhân ngày 20/10 đã được quy đổi thành nước uống, sữa, áo phao...
Tương tự, tại huyện miền núi Tương Dương, Phòng GD&ĐT cũng thống nhất trong cơ quan và các đơn vị, trường học không mua hoa, tổ chức bữa cơm nhân ngày phụ nữ Việt Nam. Đồng thời lấy nguồn kinh phí đó để mua các nhu yếu phẩm ủng hộ người dân gặp nạn trong trận lụt lịch sử.
Tương Dương vốn là huyện miền núi khó khăn, nơi sinh sống của bà con người dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... Những ngày qua, không ít nơi còn đối diện với nguy cơ nước sông suối lên cao, sạt lở... Nhưng nghe tin “miền Trung nước lớn”, giáo viên, phụ huynh, học sinh các xã rất nhiệt tình ủng hộ với tinh thần “lá lành đùm là rách”.
Cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng cho biết: “Phụ huynh ở đây không dư giả, nhưng vẫn đến trường ủng hộ thùng mì tôm, lương khô, nhờ nhà trường gửi xuống vùng lũ lụt vì “thấy nhiều người còn khổ hơn, thương quá”.
Còn giáo viên trong trường cũng gác lại ngày lễ để hướng sự sẻ chia đến đồng bào miền Trung gặp thiên tai”.
Các trường học cả công lập và ngoài công lập đều trở thành điểm kêu gọi, quyên góp, tiếp nhận hỗ trợ. Tại trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP Vinh), chỉ trong 24h kêu gọi đã quyên góp được tổng số hiện vật giá trị khoảng 80 triệu đồng gồm: Mì tôm, lương khô, nước đóng chai, xúc xích, bánh kẹo... và quần áo.
Ngay sau đó, phần lớn nhu yếu phẩm đã được bộ đội Quân khu 4 tiếp nhận và chuyển đi đến nơi cần.
Những chiếc “lá lành” gửi về vùng lũ
Hai ngày nay, học sinh trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (huyện Thanh Chương, Nghệ An) tích cực cùng với thầy cô, người dân gói bánh chưng để gửi cho đồng bào lũ lụt.
Đặc biệt, nhiều học sinh nhà xa, ở trọ quanh trường xung phong trực nấu bánh chưng suốt đêm. Đến trưa 20/10, 4 nồi bánh chín đã được vớt ra chờ nguội, đưa đến điểm tập kết.
Thầy Nguyễn Văn Thuần – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân cho hay, hoạt động gọi bánh chưng này là một trong những hoạt động vừa để hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai, vừa giáo dục học sinh về truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam.
Nhiều học sinh, nhất là một em người dân tộc Thái đến từ xã Ngọc Lâm, Thanh Chương có kỹ năng gói bánh rất tốt. Không chỉ bánh chưng, các em còn gói được nhiều loại bánh như bánh tét, bánh sừng trâu...
Ngọc Lâm là xã tái định cư của bà con người Thái chuyển từ huyện Tương Dương xuống Thanh Chương sinh sống. Dù rời bỏ bản làng xưa, nhưng bà con vẫn lưu giữ truyền thống, tập quán văn hóa.
“Nhiều em thấy trường tổ chức nấu bánh chưng ủng hộ bà con vùng lũ, đã gọi điện về cho gia đình, nói bố mẹ cắt và đi xin lá dong trong bản, rồi đội mưa vượt hơn 20km đưa đến trường. Giá trị vật chất tuy không nhỏ, nhưng chúng tôi rất cảm động trước tấm lòng, sự nhiệt tình của học sinh. Trong đó, có những em hoàn cảnh gia đình vốn cũng đang vất vả, thiếu thốn”, thầy Thuần nói.
Ngoài hoạt động gói bánh, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân cũng phát động kêu gọi ủng hộ bà con vũng lũ lụt trong giáo viên, học sinh. Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ được chuyển cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam để chuyển đến học sinh, các trường học bị thiệt hại bởi thiên tai.
Cũng do tình hình mưa lũ nguy hiểm, nhiều tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt... nên các nhà trường, tổ chức hảo tâm tại Nghệ An không tổ thức thành đoàn đi trao quà.
Vừa đảm bảo an toàn, cũng không gây cản trở, tăng gánh nặng cho lực lượng cứu hộ ở vùng rốn lũ. Toàn bộ nhu yếu phẩm, thuốc men... được tập kết về Căn cứ 1 - Cục Hậu cần Quân khu 4 chuyển đến cho người dân Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế.